ĐÀ NẴNG XẾP THỨ 16/63 TỈNH, THÀNH PHỐ VỀ QUY MÔ NỀN KINH TẾ

4 năm trước

Sáng 30-6, Cục Thống kê thành phố tổ chức họp báo công bố 11 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng. Theo đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính sụt giảm ở mức 3,61% so với cùng kỳ năm trước.

Đà Nẵng xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố về quy mô nền kinh tế - Đà ...

Ảnh minh họa

Trong mức sụt giảm chung của kinh tế thành phố, khu vực dịch vụ giảm 4,62%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 1,8%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 2,4%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực duy nhất tăng trưởng ở mức 2,28%.

Quy mô toàn nền kinh tế 6 tháng ước đạt 51.072 tỷ đồng, thu hẹp hơn 917,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, quy mô khu vực dịch vụ bị thu hẹp nhiều nhất với 758 tỷ đồng, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 261 tỷ đồng, thuế sản phẩm 12,4 tỷ đồng; riêng khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng thêm 114 tỷ đồng so với cùng kỳ. Cục Thống kê cho biết hiện quy mô nền kinh tế của thành phố Đà Nẵng qua 6 tháng đầu năm 2020 đang xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố.

Về đăng ký doanh nghiệp, tính từ đầu năm đến ngày 15-6, có 1.916 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 10.723 tỷ đồng, giảm 32,2% về số doanh nghiệp và giảm 20,5 về số vốn so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng ước đạt 17.641 tỷ đồng, giảm 8,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 3.533 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 8.918 tỷ đồng, giảm 28%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt 5.190 tỷ đồng, tăng 86,2%.

Tổng thu ngân sách Nhà nước tính đến 25-6 ước đạt 11.320 tỷ đồng, đạt 36,6% dự toán năm 2020 và bằng 78,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa ước đạt 10.000 tỷ đồng, đạt 37,3% dự toán và bằng 79,5% so với cùng kỳ năm trước; thu xuất nhập khẩu ước đạt 1.086 tỷ đồng, đạt 26,5% dự toán và bằng 67,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tính đến 31-5 đạt 1.044 triệu USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 575 triệu USD, giảm 10,9%; kim ngạch nhập khẩu đạt 469 triệu USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2019. Lạm phát 6 tháng đầu tăng 1,65% so với bình quân cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 4,42% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Trần Văn Vũ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19, nhiều chỉ tiêu kinh tế của thành phố sụt giảm và có mức tăng trưởng khá thấp.

Qua các khảo sát về mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp do Covid-19 và các thống kê khác vừa qua, ông Trần Văn Vũ cũng nêu ra các giải pháp để phát triển kinh tế trong thời gian tới, đó là tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bảo đảm nguồn cung và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; các tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thực hiện các biện pháp cơ cấu lại thời trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế suy giảm tăng trưởng kinh tế, đặc biệt với các lĩnh vực dịch vụ.

Nguồn: Mai Quế (Theo baodanang.vn)