ĐÀ NẴNG TUNG NHIỀU GÓI DU LỊCH CAO CẤP NHẮM TỚI KHÁCH HÀNG ẤN ĐỘ VÀ TRUNG ĐÔNG

2 năm trước

Trong thời gian đến, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tiếp tục xây dựng các sản phẩm đặc trưng, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ du lịch cao cấp, trong đó có sản phẩm du lịch cưới, du lịch nghỉ dưỡng phù hợp nhu cầu thị hiếu của du khách Ấn Độ và Trung Đông.

Xây dựng nhiều sản phẩm hấp dẫn

Tại chương trình trao đổi chuẩn bị phục vụ thị trường khách Ấn Độ và Trung Đông, chiều 17/9, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, thị trường Trung Đông, đặc biệt là 9 quốc gia trọng điểm trong Đề án "Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông - Châu Phi giai đoạn 2016 – 2025"  là một trong những thị trường mang tính chiến lược trong hợp tác và phát triển du lịch của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Đà Nẵng đã tập trung triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, truyền thông quảng bá mạnh mẽ để khôi phục các thị trường, các đường bay quốc tế, đặc biệt đối với thị trường Ấn Độ với việc tổ chức chương trình giới thiệu du lịch tại Ấn Độ, đón đoàn famtrip, presstrip Ấn Độ đến Đà Nẵng khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch…

Truong-Thi-Hong-Hanh

Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh phát biểu tại hội nghị.

Theo bà Hạnh, để tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả nhằm khai thác và thu hút các thị trường khách Ấn Độ và Trung Đông đến Đà Nẵng trong thời gian đến, Sở Du lịch đã chủ trì, phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch thành phố, Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch, các khu điểm du lịch, doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không liên kết xây dựng các gói sản phẩm hấp dẫn.

"Trong thời gian đến sẽ tiếp tục xây dựng các sản phẩm đặc trưng, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ du lịch cao cấp, trong đó có sản phẩm du lịch cưới, du lịch nghỉ dưỡng phù hợp nhu cầu thị hiếu của du khách Ấn Độ và Trung Đông", bà Hạnh thông tin.

Bà Hạnh cho biết thêm, từ tháng 10/2022 tới đây, việc mở hai đường bay thẳng đầu tiên từ 2 thành phố lớn và quan trọng nhất của Ấn Độ là Mumbai và New Delhi đến Đà Nẵng của hãng hàng không Vietjet Air sẽ là tiền đề thuận lợi để trao đổi kết nối nguồn khách giữa các điểm đến.

Ngoài ra, trong thời gian đến TP. Đà Nẵng dự kiến tổ chức đoàn công tác tại các quốc gia Trung Đông (Doha và UAE) để giới thiệu du lịch Đà Nẵng và xúc tiến sớm mở lại đường bay trực tiếp Doha – Đà Nẵng. Đặc biệt, thành phố sẽ tiếp tục kết nối với Đại sứ quán, Lãnh sự quán để hỗ trợ xúc tiến du lịch giữa hai bên.  .

IMG_7203

Chương trình trao đổi chuẩn bị phục vụ thị trường khách Ấn Độ và Trung Đông diễn ra chiều 17/9. Ảnh: Thành Vân

Khách Trung Đông giàu cỡ nào?

Ông Trần Đức Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Qatar cho biết, khu vực Trung Đông bao gồm 16 nước có dân số 453 triệu người, trong đó Hội đồng các nước vùng Vịnh (GCC) gồm 6 nước Ả rập Xê Út, UAE, Oman, Qatar, Kuwait và Bahrain có dân số 54 triệu và tổng thu nhập hơn 3.464 tỷ USD. Đây là thị trường khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và đi du lịch dài ngày.

Khách du lịch từ khu vực Trung Đông ngoài đặc điểm chung là theo đạo Hồi, còn có đặc điểm riêng là khả năng chi trả cao và thích đi nghỉ dưỡng biển, tiện nghi, riêng tư, có spa, safari cho trẻ con, kết hợp đi du lịch để tìm cơ hội thương mại, đầu tư.

Loại hình du lịch thường đi theo gia đình khoảng 6-8 người hay đi theo nhóm nhỏ (trong đó nhóm nam và nhóm nữ riêng), sử dụng dịch vụ hạng sang. Nếu địa điểm ưa thích, họ có thể lưu trú thời gian dài tại một điểm và không thích du lịch theo tour hay ghép đoàn..

IMG_9135

Đà Nẵng xây dựng nhiều gói sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn dành cho thị trường khách Ấn Độ và Trung Đông. Ảnh: Thành Vân

Theo ông Hùng, khách du lịch từ các nước Trung Đông đến Việt Nam chiếm tỉ lệ không đáng kể, đặc biệt lượng du khách là công dân từ các nước GCC. Nguyên nhân là do các thông tin về du lịch Việt Nam tới các nước khu vực Trung Đông còn rất hạn chế và chúng ta chưa đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch ra thị trường này một cách bài bản, thường xuyên.

"Sau đại dịch COVID-19, khách du lịch Trung Đông rất thích đi du lịch do ở trong nước trong một thời gian dài do đại dịch. Trong những năm gần đây, họ thường tìm kiếm những địa điểm du lịch mới do những địa điểm du lịch truyền thống như châu Âu đã bão hòa. Những địa điểm du lịch mới phải đảm bảo an toàn, dịch bệnh được kiểm soát và an ninh tốt. Đông Nam Á là thị trường rất được ưa chuộng trong những năm gần đây", ông Hùng thông tin. 

Ông Trần Đức Hùng cho biết, do Việt Nam là điểm du lịch mới, để thu hút nhóm khách du lịch từ Trung Đông, đặc biệt là khách có thu nhập cao từ các nước GCC, chúng ta cần thường xuyên tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế ở quy mô lớn, mời các doanh nghiệp lữ hành các nước Trung Đông tham dự.

Đặc biệt, tăng cường truyền thông về du lịch Việt Nam như: phát sóng các video giới thiệu về du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình của khu vực, kết hợp với các travel blogger, influencer quảng bá du lịch Việt Nam…

Bên cạnh đó, cung cấp thông tin về các sự kiện du lịch quốc tế tại Việt Nam thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để mời các cơ quan và doanh nghiệp lữ hành tại các nước tham dự; tích cực, chủ động tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế được tổ chức tại các nước Trung Đông để tăng cường sự hiện diện và quảng bá du lịch Việt Nam, đồng thời tiếp cận với doanh nghiệp lữ hành sở tại.

Ngoài ra, thiết kế những chương trình du lịch riêng cho đối tượng khách Ả rập, đảm bảo yếu tố tôn giáo như: yêu cầu về thực phẩm Halal, phòng cầu nguyện, sự riêng tư…; đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ du lịch biết tiếng Ả rập để phục vụ khách từ các nước theo đạo Hồi. 

Nguồn: Thành Vân (Theo nhadautu.vn)