ĐÀ NẴNG SẼ PHÁT TRIỂN ĐA DẠNG TÀU DU LỊCH ĐƯỜNG THỦY

2 năm trước

Mới đây, Phó Chủ tịch Trần Phước Sơn vừa ký Quyết định phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Đề án) với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng.

Theo đó, Đề án xác định các mục tiêu tổng quát cần đạt được và kỳ vọng để phát triển du lịch đường thủy qua 2 giai đoạn triển khai (định hướng đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045); đồng thời nhằm đạt mục tiêu cụ thể là phát triển du lịch đường thủy gắn liền với điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021.

Đà Nẵng sẽ phát triển đa dạng đội tàu du lịch đường thủy nội địa

Đà Nẵng sẽ phát triển đa dạng đội tàu du lịch đường thủy nội địa.

Phát triển du lịch trên toàn địa bàn TP Đà Nẵng gắn với các hình thức du lịch biển; du lịch thủy nội địa; du lịch sinh thái, cộng đồng; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch đô thị; du lịch vui chơi giải trí tổng hợp, mua sắm; du lịch thể thao; du lịch chăm sóc sức khỏe. Phát triển các tuyến đường thủy: sông Hàn - sông Cổ Cò - sông Thu Bồn; sông Hàn - sông Vĩnh Điện - sông Thu Bồn; tuyến từ vịnh Đà Nẵng đi hòn Sơn Trà Con, Cù Lao Chàm.

Đồng thời khai thác toàn diện 9 tuyến du lịch đường thủy nội địa và đường thủy từ bờ ra đảo đã được phê duyệt quy hoạch; bổ sung quy hoạch một số tuyến đường thủy từ bờ ra đảo đến một số địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên; kết nối tuyến đường thủy từ sông Hàn – Hội An, tỉnh Quảng Nam. Quy hoạch khu vực và các điều kiện hạ tầng, đội tàu phục vụ phân khúc khách cao cấp, siêu sang.

Cùng với đó, Đề án đặt mục tiêu đầu tư hoàn thiện cảng Sông Hàn thành cảng chính phục vụ du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế; đầu tư xây dựng đồng bộ bến thủy nội địa làm bến đi và bến đến trên các tuyến đường thủy; bổ sung quy hoạch một số vị trí xây dựng bến mềm tại các điểm đến du lịch.

Đặc biệt, Đề án nhằm đến mục tiêu phát triển đa dạng đội tàu du lịch với các loại hình tàu cao tốc, tàu thủy lưu trú trên sông, trên vịnh, tàu nhà hàng, thuyền buồm và du thuyền cá nhân. Bên cạnh đó là hình thành hệ thống điểm đến du lịch, sản phẩm dịch vụ trên tuyến; tạo được nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ du lịch đường thủy đạt chuẩn chất lượng cao.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, lượng khách du lịch đường thủy nội địa đạt 1,5 – 2 triệu lượt khách/năm. Khai thác toàn diện, hiệu quả 9 tuyến đường thủy nội địa đã được phê duyệt, đồng thời, kết nối với Hội An.

Định hướng đến năm 2045, lượng khách du lịch đường thủy nội địa tăng khoảng 30% - 50% so với năm 2030. Mở rộng khai thác các tuyến đường thủy kết nối với các cảng thủy tại một số địa phương khu vực miền Trung, trong đó phát triển mạnh loại hình tàu du lịch, du thuyền cá nhân, tàu cao tốc.

Để đạt các mục tiêu nêu trên, Đề án tập trung vào các nội dung chính là đánh giá tiềm năng và thực trạng công tác quy hoạch, quản lý, khai thác, phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn TP Đà Nẵng; định hướng quy hoạch, quản lý, khai thác, phát triển du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố (có lộ trình và danh mục dự án đầu tư công, tư); đề xuất các giải pháp; các cơ chế chính sách khai thác phát triển du lịch đường thủy và phân công các ngành tổ chức thực hiện Đề án.

Sở Du lịch được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án trong năm 2022. Theo tiến độ thực hiện, đến tháng 10/2022, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ hoàn thiện dự thảo, thực hiện thủ tục trình UBND TP Đà Nẵng phê duyệt Đề án.

Nguồn: Hải Châu (Theo doanhnghiepvn.vn)