ĐÀ NẴNG: KỲ VỌNG TÁI THIẾT MỘT ĐÔ THỊ XỨNG TẦM

5 năm trước

Kỳ vọng, khát khao ấy được củng cố, có cơ sở khi Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa mới ban hành có thể xem là “đòn bẩy”, cánh cửa mở ra một tầm nhìn mới cùng với những chính sách vượt trội để Đà Nẵng cất cánh trong giai đoạn tiếp theo.

Hình thành cấu trúc đô thị nén là một trong những đề xuất nhằm tái thiết đô thị Đà Nẵng.  Trong ảnh: Đường Nguyễn Văn Linh, tuyến đường đông tây được mở 20 năm trước, nay thành tuyến phố sầm suất. Ảnh: PV

Hình thành cấu trúc đô thị nén là một trong những đề xuất nhằm tái thiết đô thị Đà Nẵng. Trong ảnh: Đường Nguyễn Văn Linh, tuyến đường đông tây được mở 20 năm trước, nay thành tuyến phố sầm suất. Ảnh: PV

Ngày 2-8-2019, UBND thành phố ban hành Văn bản số 5213/UBND-ĐTĐT triển khai ý kiến Kết luận của Thường trực Thành ủy về việc quy hoạch, đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố.

Theo đó, các sở, ngành của thành phố và các quận, huyện, đơn vị khẩn trương nghiên cứu đề xuất chủ trương cải tạo, nâng cấp chỉnh trang, tái thiết các khu đô thị, hướng đến xây dựng đô thị nén, kiểu mẫu.

Cụm từ “tái thiết đô thị” cho thấy tầm quan trọng của sự phát triển đô thị Đà Nẵng hiện nay và trong tương lai. Bởi thành phố đang phải đối mặt với vấn đề môi trường, dân số tăng, cảnh quan đô thị và áp lực của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Đà Nẵng sẽ phát triển sao cho cân bằng, vừa là thành phố công nghiệp, vừa là thành phố du lịch, dịch vụ; cao hơn cả là trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW.

KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng, để khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác quy hoạch đô thị, cần nâng cao vai trò kiểm soát để định hướng tầm nhìn tương lai như kiểm soát quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch để tránh tình trạng mất kiểm soát trong sử dụng đất xây dựng đô thị, kiểm soát việc hình thành các không gian chức năng, không gian kiến trúc.

Đây là thách thức cho việc tái cấu trúc đô thị hiện nay và trong thời gian tới. Tiếp đó là kiểm soát phát triển dân số từ chương trình phát triển nhà ở, giảm mật độ bố trí dân cư ở những khu vực mà cơ sở hạ tầng không có khả năng phát triển; điều chỉnh quy hoạch hợp thửa các lô đất chia lô để hình thành các khu đất lớn.

Xu hướng phát triển của đô thị Đà Nẵng là kiên định lấy yếu tố đặc trưng, giá trị thiên nhiên làm ý tưởng chính để tổ chức không gian, hình thành hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên; xác định ngưỡng phát triển tối ưu phù hợp khả năng dung nạp các nguồn lực đầu tư phát triển đô thị.

Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố cho rằng cần hình thành cấu trúc đô thị nén để tiết kiệm quỹ đất gắn với đầu tư phát triển mạnh các loại hình giao thông công cộng; tôn tạo, hình thành các khu vực cảnh quan hấp dẫn, có bản sắc; bổ sung tăng cường chức năng đô thị nhằm nâng cao tiện ích đô thị; khẩn trương giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, giảm thiểu các rủi ro về môi trường.

TS, KTS Trương Văn Quảng (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) đề xuất nghiên cứu giải pháp sử dụng đất hiệu quả về cấu trúc đô thị nén. Theo đó, công tác quy hoạch ở thành phố Đà Nẵng cần xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu phát triển đô thị như hệ số sử dụng đất, tầng cao công trình.

“Với tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, đô thị phát triển theo mô hình nén sẽ càng phát huy vai trò, an toàn hơn, tiện nghi hơn, tiết kiệm hiệu quả sử dụng đất, tạo kiến trúc đô thị văn minh, hiện đại; đô thị thông minh, thân thiện và sinh thái hơn”, ông Quảng nói.

TS, KTS Phùng Phú Phong, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố cho rằng mấu chốt cho sự phát triển của đô thị Đà Nẵng cần thực hiện là tăng cường chất lượng các đồ án quy hoạch để sát với yêu cầu thực tiễn trong đó với quy hoạch tổng thể của thành phố cần đặt ra tầm nhìn dài hạn và xây dựng các định hướng, lộ trình để thực hiện; kiên định trong việc xây dựng đô thị hiện đại nhưng định hướng được lối sống văn hóa, văn minh đô thị, đưa phát triển kinh tế đô thị là nhiệm vụ chính.

Sở Xây dựng đang lập các đồ án thiết kế đô thị để “vá lỗi” quy hoạch đô thị thời gian qua.

“Xét thấy khu vực trung tâm thành phố về chức năng có sự ổn định, ít thay đổi trong các bước lập điều chỉnh quy hoạch chung, Viện Quy hoạch xây dựng thành phố đã hoàn thành nội dung thiết kế đô thị khu vực trung tâm gồm quận Hải Châu và một phần quận Thanh Khê, Cẩm Lệ. “Các thiết kế đô thị sau khi được duyệt sẽ công bố rộng rãi cho nhân dân được biết để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu, lập phương án thiết kế xây dựng công trình theo đúng quy hoạch thiết kế đô thị được duyệt. Ngoài ra, việc kiến thiết đô thị cũng được thực hiện ghép thửa các khu đất tái định cư chưa sử dụng để hình thành các khu đất lớn phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế”, ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng nói.

“Thành phố Đà Nẵng đóng vai trò động lực của trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội  theo hướng phát triển bền vững, hiện đại, trong những năm tiếp theo, cần sớm chuyển hướng để phát triển đô thị theo hướng đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thân thiện với môi trường; đô thị tiết kiệm năng lượng và đô thị sống tốt cho tất cả mọi người, trong đó có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bảo đảm, sử dụng tài nguyên có hiệu quả, kết nối cộng đồng tốt và thỏa mãn nhu cầu của người dân sống tại thành phố.

Đồng thời cần tuyên truyền, vận động khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia phát triển đô thị tăng trưởng xanh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường cũng như có chính sách thu hút các nhà tài trợ, các tổ chức phát triển, các nhà đầu tư tham gia xây dựng và phát triển đô thị Đà Nẵng theo hướng tăng trưởng xanh - phát triển bền vững” - TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Viện phó Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng Hội Xây dựng Việt Nam).

Ngày 11-9, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa chủ trì buổi làm việc với Sở Xây dựng để nghe báo cáo về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch của thành phố, trong đó có vấn đề thiết kế đô thị tại khu vực trung tâm.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu cần phải khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch phân khu 1/2.000 và quy định về thiết kế đô thị cho từng khu vực để từ đó hình dung được diện mạo thành phố cùng những định hướng phát triển một cách rõ ràng, minh bạch nhằm hạn chế những lộn xộn, bất cập…

Trước mắt là phải tập trung thiết kế đô thị tại các khu vực ít biến động như trung tâm các quận Hải Châu, Thanh Khê cho thật tốt, công khai, minh bạch các nội dung quy hoạch và thiết kế đô thị cho nhân dân tham gia góp ý, tham khảo và giám sát các hoạt động quản lý trật tự đô thị…

Nguồn: Triệu Tùng (Theo baodanang.vn)