CƠ HỘI TỪ SỰ TƯƠNG TÁC ĐÀ NẴNG - QUẢNG NAM

3 năm trước

Vùng đô thị rộng lớn Nam Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam tiếp tục được mở rộng. Những tuyến giao thông huyết mạch về đường bộ, đường sắt, xe điện đang đầu tư và chạy đà đầu tư...

Vùng đô thị rộng lớn Nam Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam tiếp tục được mở rộng. Những tuyến giao thông huyết mạch về đường bộ, đường sắt, xe điện đang đầu tư và chạy đà đầu tư. 

Tương tác nông nghiệp, giao thông

Ngược dòng thời gian, hơn 3 năm trước, những tương tác giữa Đà Nẵng và Quảng Nam đã đi vào thực chất thông qua các văn bản cụ thể được Ban Thường vụ Thành ủy và Tỉnh ủy hai địa phương thông qua. Đó là hợp tác phát triển các sản phẩm nông nghiệp.

Đà Nẵng ngay từ ban đầu hướng lên đô thị nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp hạn hẹp và không thể tự chủ về nguồn thực phẩm, trong khi đây là thị trường tiêu thụ lớn bậc nhất miền Trung. Từ thực tế này, tháng 11/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng ký thỏa thuận hợp tác tiêu thụ nông sản an toàn, đặt nền móng cho việc cung ứng bài bản, theo chuỗi thay vì tự phát như lâu nay.

Ông Trương Xuân Tý, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, đến nay hai địa phương đã triển khai 8 chuỗi sản phẩm an toàn, cấp giấy xác nhận cho 3 sản phẩm chuỗi (thịt heo, thịt gà, trứng gà) và có 3 chuỗi sản phẩm đã kết nối tiêu thụ tại Đà Nẵng. Ở chiều ngược lại, thị trường Quảng Nam là nơi tiêu thụ hàng điện tử, may mặc rất lớn từ nguồn cung từ Đà Nẵng.

Để tập trung nguồn hàng nông nghiệp về vị trí thuận lợi cho cả hai địa phương, Đà Nẵng đã quy hoạch chợ đầu mối nông sản khu vực phía Nam giáp với tỉnh Quảng Nam. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Trường hợp Đà Nẵng không có đủ quỹ đất xây dựng chợ đầu mối thì phía Quảng Nam sẵn sàng phối hợp bố trí diện tích xây dựng công trình trên phần đất của Quảng Nam nằm giáp ranh Đà Nẵng, bởi chợ đầu mối cấp vùng cần diện tích lớn phục vụ cho nhiều dịch vụ sẽ phát sinh sau khi hình thành”.

Để các liên kết giao thương đi vào thực chất, giao thông đóng vai trò huyết mạch. Những gam màu sáng trong liên kết phát triển giữa Quảng Nam - Đà Nẵng thời gian qua phần lớn nhờ hạ tầng trong đó có giao thông vùng giáp ranh được đầu tư mạnh mẽ. Hiện nay, tuyến ĐT607 đoạn qua TP. Hội An đang hoàn thành giai đoạn cuối của dự án nâng cấp, mở rộng sẽ giúp hệ thống giao thông từ Đà Nẵng qua trục Điện Bàn - Hội An tiếp tục được đồng bộ bên cạnh tuyến ĐT603 ven biển lâu nay.

Bên cạnh đó, đường Mai Đăng Chơn - cửa ngõ vào Điện Bàn từ phía Bắc cũng được Đà Nẵng tích cực hỗ trợ với 96% khối lượng công việc hoàn thành. Lãnh đạo hai địa phương đã thống nhất chủ trương xây dựng cầu Quảng Đà bắc qua sông Yên nối xã Điện Tiến (Điện Bàn) với xã Hòa Khương (Hòa Vang) nhằm kết nối thêm vành đai, tạo động lực mới phát triển kinh tế khu vực này.

Hợp tác du lịch, phát triển đô thị và giáo dục đào tạo

Trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng và Quảng Nam là hai địa phương có vai trò quan trọng, là mắt xích trong việc kết nối chuỗi đô thị miền Trung. Ở phạm vi hẹp hơn, Đà Nẵng và Quảng Nam sở hữu chuỗi đô thị liền mạch: Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An. Trong quá trình thực hiện, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã phối hợp với Sở Xây dựng Quảng Nam đảm bảo khớp nối không gian đô thị, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là khu vực giáp ranh. Với vùng đô thị phát triển sôi động này, khu vực Nam Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam trở thành đòn bẩy chính để nâng tầm mối liên kết giữa hai bên. Trong một không gian không rộng, Đà Nẵng và Hội An với mối tương quan lịch sử, cộng với việc thiết lập kết nối điểm đến đã giúp hai địa phương hỗ trợ nhau đón khoảng 14 triệu lượt khách năm 2019 (năm 2020 hạn chế do đại dịch Covid-19).

Trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng và Quảng Nam là hai địa phương có vai trò quan trọng, là mắt xích trong việc kết nối chuỗi đô thị miền Trung.

Ghi nhận những thành công trong liên kết, đánh giá và bổ khuyết những mặt chưa làm được, những ngày cuối năm 2020, tại Đà Nẵng, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã ngồi lại với nhau tiếp tục bàn về những tương tác trong tương lai, đặc biệt ở Dự án Làng đại học và Dự án Nạo vét khơi thông sông Cổ Cò (hai dự án này cùng nằm trên địa bàn phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và phường Điện Dương, Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam).

Dự án Làng đại học đã được Thủ tướng Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 1.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện. Hiện nay, dự án này đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 38,95 ha phần đất quy hoạch tại TP. Đà Nẵng và đang tiếp tục giải phóng phần diện tích còn lại. Về phần diện tích đất tại Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh đang chỉ đạo triển khai và xây dựng khu tái định cư đủ đáp ứng nhu cầu tái định cư cho toàn bộ diện tích quy hoạch cần giải tỏa.

Trong khi đó, Dự án Nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò từ TP. Đà Nẵng đến TP. Hội An có chiều dài 28 km, gồm nạo vét lòng sông, trên tuyến sông xây dựng 15 cầu và quy hoạch kiến trúc cảnh quan dọc hai bên bờ sông. Hiện Đà Nẵng đã bố trí 178,7 tỷ đồng để nạo vét đoạn sông qua địa bàn thành phố dài 8,3 km và xây dựng 3 cầu. Đoạn sông qua tỉnh Quảng Nam dài 19,7 km, xây dựng 12 cây cầu với tổng mức đầu tư hơn 1.230 tỷ đồng được chia làm 2 đoạn, từ Km0 đến Km14+00 và Km14 đến Km19+500, đã được triển khai lập quy hoạch kiến trúc cảnh quan dọc hai bên bờ sông phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông, du lịch và quy hoạch chung của 2 địa phương.

Hai địa phương cùng thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương bổ sung nguồn vốn trung hạn triển khai Dự án Làng Đại học Đà Nẵng. Tiếp tục phối hợp thực hiện Dự án Nạo vét khơi thông sông Cổ Cò để phát triển du lịch, văn hóa xã hội và đô thị; phối hợp giải quyết vấn đề nhiễm mặn nước sông Cầu Đỏ ở Đà Nẵng khi tháo dỡ đập Hà My trên sông Cổ Cò ở Quảng Nam.

Đồng thời, hai địa phương phối hợp nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển kinh tế đêm, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cầu Quảng Đà bắc qua sông Yên nối xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) với xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) để kết nối tuyến đường vành đai phía Bắc Quảng Nam và phía Nam Đà Nẵng, nhằm đảm bảo phân luồng giao thông phù hợp; phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu tính khả thi của Dự án đường sắt du lịch Đà Nẵng - Hội An, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của tỉnh Quảng Nam để chỉnh sửa báo cáo, đề xuất đầu tư sớm triển khai thực hiện các bước tiếp theo hoặc nghiên cứu điều chỉnh thành tuyến buýt chạy bằng điện từ để thay thế…

Nguồn: Hà Minh (Theo baodautu.vn)