THU HÚT ĐẦU TƯ LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ CAO: TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC CỦA ĐÀ NẴNG

1 năm trước

Đà Nẵng xác định, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao là định hướng chiến lược trong mục tiêu phát triển thành phố theo hướng xanh, bền vững.

 

Với hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh, cùng cơ chế thông thoáng, Đà Nẵng đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư 	Ảnh: Huỳnh Văn Truyền

Với hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh, cùng cơ chế thông thoáng, Đà Nẵng đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư Ảnh: Huỳnh Văn Truyền

Ngành kinh tế mũi nhọn

Công nghệ cao là một trong những định hướng chiến lược trong Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Đà Nẵng đưa ra 3 trụ cột cần tập trung phát triển trong thời gian tới là du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng và trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; kinh tế tri thức (gồm 2 mũi nhọn: công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số); trung tâm dịch vụ chất lượng cao (với 2 mũi nhọn là cảng biển, cảng hàng không, gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực).

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, mới đây, TP. Đà Nẵng đã điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án Khu công nghệ cao từ mốc thời gian “năm 2012-2020” thành “năm 2012-2025”.

Dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng là dự án nhóm A, có diện tích quy hoạch là 1.128,4 ha. Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Khu công nghệ cao lên 1.844 ha, tăng 715 ha so với diện tích hiện tại. Khu công nghệ cao Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất; ưu tiên thu hút những dự án có quy mô lớn và suất đầu tư từ 15 triệu USD/ha trở lên.

Về kinh tế số, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ vào nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước. Trong đó, kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP Thành phố, đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP…

Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư đăng ký giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 3 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 là khoảng 4 tỷ USD. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030…

Những mục tiêu mà Đà Nẵng đặt ra hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, bởi Thành phố đã được Trung ương cho áp dụng cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Cùng với đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hạ tầng về giao thông, nhà ga, sân bay, cảng biển, Đà Nẵng cũng tiến những bước vững chắc để đưa công nghệ cao, CNTT trở thành trụ cột phát triển kinh tế.

Theo Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, với tổng diện tích quy hoạch hơn 1.128 ha, Khu công nghệ cao Đà Nẵng có 6 phân khu chức năng, gồm: Khu sản xuất (202,58 ha), Khu R&D (99,93 ha), Khu hậu cần - logistics - dịch vụ CNC (27,45 ha), Khu ở (31,4 ha), Khu hạ tầng kỹ thuật đầu mối (9,75 ha) và Khu hành chính (28,35 ha).

Khu công nghệ cao Đà Nẵng là một trong 3 khu công nghệ cao đa chức năng cấp quốc gia, là khu duy nhất ở miền Trung, đã được đầu tư hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh. Đến nay, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I, II và đang triển khai giai đoạn III, sẵn sàng đáp ứng mặt bằng sạch và đồng bộ để nhà đầu tư thuận lợi trong việc triển khai xây dựng dự án, nhà máy…

Đà Nẵng đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi đầu tư vào Khu công nghệ cao như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới; doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng sẽ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm.

Bên cạnh đó, được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Các dự án đầu tư mới có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 30 năm. Khu công nghệ cao Đà Nẵng còn ưu đãi về tiền thuê đất; doanh nghiệp còn hưởng các chính sách ưu đãi về hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng...

Cùng với công nghệ cao, công nghệ thông tin cũng được Đà Nẵng tập trung phát triển, với việc xây dựng 2 khu công nghệ thông tin tập trung, Đà Nẵng đã xác định đây là một mũi nhọn tăng trưởng. Được biết, doanh thu từ lĩnh vực này có tăng bình quân 20%/năm, trong 6 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực thông tin và truyền thông là một trong những ngành có tỷ trọng đóng góp cao nhất vào tăng trưởng chung của Thành phố.

Những thành quả trên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin đã khẳng định bước chuyển mạnh mẽ trong lựa chọn những lĩnh vực đột phá về kinh tế của Đà Nẵng. Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định ngành công nghiệp công nghệ cao là một trong 3 trụ cột trong phát triển kinh tế của Thành phố và chú trọng ưu tiên nguồn lực để phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn, trong đó có công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Những trái ngọt đầu tiên

Tháng 10/2022, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Trung tâm Nghiên cứu và lưu trữ mô - tế bào gốc Châu Á của Công ty cổ phần Công nghệ cao Châu Á. Dự án này được Thành phố thống nhất chủ trương cho phép nghiên cứu trên diện tích 1 ha tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Tổng vốn đăng ký đầu tư của Dự án là là 454,7 tỷ đồng (tương đương 20 triệu USD). Số vốn lớn của nhà đầu tư đã chứng minh cho sức hút của Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Trong vài năm trở lại đây, cơ cấu vốn đầu tư của doanh nghiệp vào Đà Nẵng đã chuyển dịch mạnh vào lĩnh vực công nghiệp, thay vì thương mại, dịch vụ và du lịch như trước. Theo bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, từ năm 2019, cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài đã chuyển dịch theo hướng vào sản xuất công nghiệp nhiều hơn. Khi Khu công nghệ cao Đà Nẵng hình thành, nhiều dự án của doanh nghiệp nước ngoài được xây dựng thì cơ cấu vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ chỉ còn chiếm 30%, trong khi đó, lĩnh công nghiệp trở thành lực hút mới, khi chiếm trên 50%.

“Hiện dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp vẫn nhiều hơn. Điều đó chứng tỏ tiềm năng về công nghiệp của Đà Nẵng rất lớn, nhất là công nghiệp công nghệ cao”, bà Phương thông tin.

Xu hướng đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng diễn ra mạnh mẽ, với nhiều dự án triệu đô. Trong tháng 6/2022, Công ty Vector Fabrication Inc (Hoa Kỳ) được Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất bảng mạch in (PCB) và vi cơ điện tử (MEMS). Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.367 tỷ đồng, tương đương 60 triệu USD.

Những dự án lớn đã góp mặt tại Khu CNC Đà Nẵng có thể kể đến như Dự án Tokyo Keiki Precision Technology, trị giá 40 triệu USD; dự án Niwa Foundry Việt Nam (Nhật Bản), trị giá 30 triệu USD; Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Hoa Kỳ) trị giá 170 triệu USD… Ngoài ra, TP. Đà Nẵng cũng có văn bản đồng ý chủ trương cho phép nghiên cứu thực hiện các dự án gồm: Nhà máy sản xuất máy in 3D của Công ty Arevo Inc, tổng vốn đầu tư 135 triệu USD.

Tính đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng là 5.985 tỷ đồng và 607,6 triệu USD, với 26 dự án.

Nguồn: Hoàng Anh (Theo baodautu.vn)