KIẾN TẠO NHỮNG ĐỘNG LỰC MỚI ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐỘT PHÁ CHO ĐÀ NẴNG

1 năm trước

Ngày 27-12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của quy hoạch. Về phía thành phố Đà Nẵng có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Thành phố tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch nhưng đang nghiêng về hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin. Trong ảnh: Dải ven biển phía đông thành phố hình thành chuỗi giá trị dịch vụ du lịch chất lượng cao. Ảnh: NAM PHƯƠNG

Thành phố tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch nhưng đang nghiêng về hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin. TRONG ẢNH: Dải ven biển phía đông thành phố hình thành chuỗi giá trị dịch vụ du lịch chất lượng cao. Ảnh: NAM PHƯƠNG

Vai trò, sứ mệnh mới của Đà Nẵng

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Đà Nẵng có một vị trí hết sức quan trọng là trung tâm của miền Trung. Hiện nay, trong định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng được xác định là một trung tâm của cực tăng trưởng vùng động lực miền Trung (từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi). Đây là vai trò, sứ mệnh mới của Đà Nẵng trong thời gian đến. Thời gian qua, Đà Nẵng đã có những bước phát triển rất ấn tượng với tốc độ tăng trưởng bình quân cao; diện mạo đô thị của thành phố thay đổi rất nhanh; cơ cấu và quy mô kinh tế của Đà Nẵng đạt được những kết quả rất tốt. Tuy nhiên, gần đây, Đà Nẵng đã có bước chững lại. Do đó, vấn đề đặt ra đối với Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là kế thừa những kết quả đạt được của thành phố và đặt ra những vấn đề mới của Đà Nẵng.

Thay mặt hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng công bố kết quả của hội đồng thẩm định nhất trí thông qua quy hoạch và ĐMC của quy hoạch, nhưng thành phố cần điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện nội dung dự thảo. Cần xác định các điểm nghẽn, thách thức của thành phố hiện nay và những vấn đề then chốt, phương hướng giải quyết các điểm nghẽn cũng như các cơ hội mới, giá trị mới. Đặc biệt, xác định vai trò, sứ mệnh lớn của Đà Nẵng là trung tâm của cực tăng trưởng vùng động lực miền Trung để hướng tới những mục tiêu cao hơn nhằm khẳng định, phát huy vai trò và sứ mệnh đó. Thành phố cần làm rõ hơn cơ sở đề ra các hướng đột phá, động lực tăng trưởng mới.

Về các giải pháp tạo động lực, đột phá phát triển cho Đà Nẵng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi ý, về thể chế, thành phố nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù, vượt trội để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, khu thương mại tự do... Đồng thời nghiên cứu các giải pháp, kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số; huy động nguồn lực; thu hút nhân lực, nhân tài chất lượng cao...

“Thể chế, hạ tầng, nguồn lực và nguồn nhân lực là 4 vấn đề mấu chốt của thành phố Đà Nẵng trong thời gian sắp đến. Đồng thời, sắp xếp lại các ngành nghề phát triển theo thứ tự ưu tiên và phù hợp với xu hướng chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải carbon; rà soát các phương án liên kết vùng, hợp tác phát triển kinh tế vùng để xác định các vấn đề ưu tiên; xác định cơ sở xây dựng các hành lang kinh tế; rà soát các vấn đề về sử dụng đất... Thành phố cần làm việc với Bộ Xây dựng để làm rõ các vấn đề liên quan đến loại hình đô thị du lịch, đô thị công nghiệp, đô thị sân bay, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến xây dựng Hòa Vang trở thành thị xã vào năm 2025; rà soát các vấn đề liên quan đến thoát nước đô thị, phòng chống lũ lụt, bảo đảm an ninh nguồn nước cho thành phố, các giải pháp giảm phát thải carbon... để làm rõ, chặt chẽ hơn các nội dung trong báo cáo ĐMC. Thành phố sớm hoàn thiện dự thảo Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và báo cáo ĐMC của quy hoạch để báo cáo cơ quan có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu.

Nghiên cứu xây dựng khu thương mại tự do, trung tâm logistics

Đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học gợi mở những giải pháp, hướng phát triển, động lực mới cho Đà Nẵng. Đại diện Bộ Giao thông vận tải gợi ý xây dựng trung tâm logistics hàng không và hướng khai thác hiệu quả dự án Bến cảng Liên Chiểu mang lại nhiều lợi ích cho thành phố... Theo Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, thành phố đang đầu tư dự án Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

Về định hướng phát triển kinh tế, thành phố phát triển hướng theo dịch vụ, du lịch, nhưng thực sự đang nghiêng về hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và đang phát huy những thế mạnh cũng như xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và cảng biển. Thành phố đang phát triển, mở rộng đô thị về phía tây, tây bắc và xây dựng trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực... “Chúng tôi đang làm đề án xây dựng khu phi thuế quan, nhưng nếu được chuyển sang xây dựng khu thương mại tự do như gợi ý Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì chúng tôi rất mừng”, Chủ tịch Lê Trung Chinh phấn khởi.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, thành phố rất chú trọng phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế, đặc biệt đang xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng có thể được xem là lớn nhất Việt Nam và đang trình hồ sơ để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư danh thắng Ngũ Hành Sơn... Thành phố rất coi trọng bảo vệ rừng và môi trường biển, đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 đang triển khai và chuẩn bị xây dựng nhà máy xử lý rác kết hợp phát điện có quy mô xử lý rác 650 tấn/ngày; đang quy hoạch và di dời những cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong các khu dân cư vào các cụm công nghiệp...

Thời gian qua, thành phố ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống thoát nước mưa cũng như thu gom, xử lý nước thải. Đà Nẵng đã phối hợp rất tốt với tỉnh Quảng Nam trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước cho thành phố và cũng đã xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên, sắp đưa vào sử dụng cùng một số giải pháp chủ động hoàn toàn việc khai thác nguồn nước để sản xuất, cấp nước cho thành phố. Đối với trận ngập lụt lịch sử xảy ra vào ngày 14-10-2022, do mưa cực đoan có tần suất 500 năm mới xảy ra một lần trong thời điểm triều cường, thành phố sẽ tổ chức đánh giá tổng thể, khách quan để điều chỉnh cũng như đầu tư hệ thống thoát nước, chống ngập.

“Chúng tôi tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý của các bộ, ngành và chuyên gia, nhà khoa học... và rất mong tiếp tục nhận được những ý kiến, góp ý để giúp thành phố hoàn thiện dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng phê duyệt”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng, được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm mà Đà Nẵng đặc biệt quan tâm. Về quy hoạch, thành phố đặt ra quan điểm tập trung phát triển theo 3 trụ cột, trong đó đã nghiên cứu tích hợp đồng bộ yếu tố văn hóa vào sự phát triển du lịch trở thành một trụ cột quan trọng của thành phố.

Đó là du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế và yếu tố văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt. Một trụ cột quan trọng định hình sự phát triển của thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ đến là kinh tế tri thức với 2 mũi nhọn là công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số. Trụ cột thứ ba là trung tâm dịch vụ chất lượng cao với 2 mũi nhọn là cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.

Nội dung quy hoạch cũng xác định trong thời kỳ tới thành phố Đà Nẵng sẽ có 6 nhóm ngành, lĩnh vực cần ưu tiên (du lịch, thương mại, vận tải và logistics, thông tin và truyền thông, tài chính và ngân hàng, công nghiệp, đổi mới sáng tạo) kèm theo các không gian và nguồn lực phát triển trong sự kết nối không chỉ trong nội bộ Đà Nẵng mà còn với các địa phương khác trong nước và các thành phố trong khu vực và quốc tế.

Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao tinh thần làm việc, các ý kiến xác đáng, có giá trị của các đại biểu. Bộ trưởng cho biết, với kết quả 100% phiếu đồng ý, hội đồng thẩm định đã thông qua dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện phải tiếp thu, hoàn thiện nội dung theo ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định, ý kiến của cơ quan thường trực hội đồng thẩm định, ý kiến của các chuyên gia phản biện và kết luận của Chủ tịch hội đồng thẩm định quy hoạch thành phố.

Bộ trưởng yêu cầu cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Quy hoạch theo ý kiến đóng góp, đặc biệt, cần lưu ý các giải pháp tạo động lực mới để có thể tạo ra những giá trị mới cho sự phát triển của thành phố trong tương lai. Khi đó, quy hoạch rất có giá trị, có mục tiêu hướng tới. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, sau khi hội đồng thẩm định thông qua, các bên liên quan cần hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, dự thảo quyết định phê duyệt để trình Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: Hoàng Hiệp (Theo baodanang.vn)