ĐÀ NẴNG SẼ CHI HƠN 320 TỶ ĐỒNG 'KHOÁT ÁO MỚI' CHO CHỢ CỒN

1 năm trước

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Đà Nẵng, chợ Cồn sẽ được xây dựng theo mô hình chợ truyền thống văn minh, hiện đại với tổng mức đầu tư khoảng 321,9 tỷ đồng. Nếu công tác chuẩn bị đầu tư được thuận lợi, trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ tiến hành xây dựng đầu tư chợ.

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã có phương án xây dựng lại chợ Cồn trình UBND thành phố xem xét.

Theo đó, chợ Cồn là chợ hạng 1, hiện nay do Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng (trực thuộc Sở Công Thương Đà Nẵng) quản lý, khai thác vận hành.

Trong thời gian qua, kể từ khi được xây dựng lại và đi vào hoạt động (từ 1985), chợ Cồn đã nhiều lần được tu bổ, sửa chữa. Nhưng cho đến nay, hệ thống hạ tầng và trang thiết bị tại chợ đã không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển thương mại. Việc đầu tư xây dựng lại chợ Cồn là nhu cầu cấp thiết được đặt ra từ năm 2016.

Năm 2019, Sở Công Thương thành phố đã tổ chức phương án thi tuyển kiến trúc xây dựng chợ Cồn theo mô hình là Trung tâm thương mại gắn với chợ truyền thống, hình thức đầu tư PPP. Tuy nhiên, năm 2020, khi luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư ra đời, trong đó, danh mục các dự án đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng thương mại không thuộc hạng mục đầu tư PPP. Vì vậy, phương án đầu tư PPP tại chợ Cồn đã không còn phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, tháng 3/2021, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 359 về việc phê duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, chợ Cồn được quy hoạch là chợ truyền thống gắn với các điểm chợ theo tiêu chí văn minh, hiện đại. 

Screen Shot 2022-12-25 at 08.52.28

Chợ Cồn ở Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến với thành phố biển. Ảnh: Thành Vân.

Trong năm 2021, UBND TP. Đà Nẵng đã giao cho Sở Công Thương thành phố xây dựng phương án đầu tư, xây dựng, quản lý chợ Cồn. Đến nay, Sở đã hoàn thành phương án và báo cáo thành phố.

Theo phương án đầu tư, dự án chợ Cồn được thiết kế theo mô hình chợ truyền thống văn minh, hiện đại với quy mô 1 tầng hầm để xe, và 3 tầng nổi. Tổng diện tích 20.914 m2, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 321,9 tỷ đồng. Trong đó, phần hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà khoảng 29,2 tỷ đồng; phần nhà chính, xây lắp thiết bị khoảng 293,7 tỷ đồng. Chợ khi hoàn thành sẽ đáp ứng nơi kinh doanh cố định cho 2.000 hộ kinh doanh các ngành hàng. 

Về hình thức đầu tư xây dựng chợ, bà Phương cho biết, qua nghiên cứu, Sở Công Thương nhận thấy hình thức đầu tư chợ Cồn bằng vốn đầu tư công là phù hợp nhất. Bởi việc xây dựng theo vốn đầu tư công vừa phù hợp với quy định của pháp luật, vừa đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý hoạt động của chợ sau này, đặc biệt là đem lại lợi ích cho tiểu thương – những người đang kinh doanh tại chợ.

"Hiện Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ xem xét Nghị định sửa đổi Nghị định 02 về quản lý chợ. Trong dự thảo này có nội dung cho phép đầu tư xây dựng chợ hạng 1 bằng vốn đầu tư công. Trong tháng 12/2022, Bộ Công Thương sẽ trình dự thảo này cho Chính phủ", bà Phương cho hay.

Theo bà Phương, nếu Nghị định thay thế Nghị định 02 được phê duyệt vào đầu năm 2023 thì Sở Công Thương sẽ báo cáo UBND thành phố thống nhất việc đầu tư chợ Cồn theo hình thức đầu tư công. Nếu công tác chuẩn bị đầu tư được thuận lợi thì kỳ vọng trong giai đoạn 2024 – 2025 sẽ tiến hành xây dựng đầu tư chợ và qua năm 2025 – 2026 sẽ có chợ mới.

Theo tìm hiểu, vào tháng 11/2019, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức cuộc thi tuyển phương án kiến trúc chợ Cồn. Tháng 6/2020, kết quả cuộc thi đã được công bố và trao giải thưởng. Theo đó, phương án đầu tư xây dựng chợ Cồn theo mô hình trung tâm thương mại gắn với chợ truyền thống được đầu tư theo hình thức PPP với quy mô dự kiến 900 tỷ đồng được lựa chọn. 

Tuy nhiên, đến tháng 6/2021, Sở Công thương Đà Nẵng đã có báo cáo phương án đầu tư xây dựng chợ Cồn, trong đó chỉ ra hàng loạt vướng mắc nếu đầu tư chợ Cồn theo mô hình trung tâm thương mại.

Theo phương án xây dựng thành mô hình trung tâm thương mại, dự án này có vốn đầu tư và quy mô xây dựng rất lớn, trong khi đó hiện chợ Cồn có 2.011 hộ kinh doanh (gồm 1.711 hộ cố định) với diện tích hơn 5.334 m2. Vì vậy, diện tích sàn 70.000 m2 sẽ không đảm bảo khả năng khai thác hiệu quả.

Cùng với đó, các dự án hạ tầng thương mại, kể cả trung tâm thương mại chợ Cồn không thuộc danh mục đầu tư theo Luật Đầu tư theo phương thức PPP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021); dự án này cũng không nằm trong danh mục được phân bổ vốn đầu tư công.

Việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án sử dụng đất sẽ không khả thi do phải thực hiện giải phóng mặt bằng để có đất sạch mới đấu giá được, giá khởi điểm sẽ rất cao vì nằm ở trung tâm thành phố dẫn đến chi phí thuê mặt bằng cao.

Đáng chú ý, việc xây dựng trung tâm thương mại chợ Cồn từ lâu đã không nhận được sự đồng thuận từ các tiểu thương. Theo khảo sát, chỉ có 3,81% tiểu thương kinh doanh tại chợ được khảo sát muốn xây dựng lại chợ theo mô hình kết hợp chợ truyền thống với trung tâm thương mại; 0,44% tiểu thương muốn xây dựng trung tâm thương mại; 0,06% tiểu thương được khảo sát ủng hộ phương án đầu tư theo hình thức PPP.