ĐÀ NẴNG ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH CAO CẤP VÀ SIÊU SANG

1 năm trước

Đà Nẵng định hướng chất lượng sản phẩm/dịch vụ hướng đến đạt chuẩn "chất lượng cao" ở tất cả các loại hình sản phẩm/dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, ưu tiên phát triển dòng sản phẩm/dịch vụ cao cấp và siêu sang.

Trong năm 2022 kinh tế Đà Nẵng phục hồi nhanh, mạnh mẽ. Trong đó ngành du lịch đã trở lại và phục hồi thấy rõ ngay khi mở cửa hậu COVID-19. Qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của TP. Đà Nẵng trong năm qua.

Để hiểu rõ hơn về kết quả đạt được trong năm 2022 và định hướng của ngành du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới, Nhadautu.vn trao đổi với bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng:

Doanh thu du lịch phục hồi bằng với trước dịch

Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về sự hồi phục của ngành du lịch Đà Nẵng trong năm 2022?

Empty

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng. Ảnh: Thành Vân.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: Trong năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo thành phố, sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, địa phương, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cùng sự đồng hành của các cơ quan, phóng viên báo chí, hoạt động du lịch TP. Đà Nẵng đã phục hồi và tăng trưởng tích cực.

Theo đó, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 3,69 triệu lượt, tăng 3,1 lần so với năm 2021 (tỷ lệ phục hồi so với năm 2019 đạt 50%). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 483.000 lượt, tăng 4,6 lần so với năm 2021 (tỷ lệ phục hồi so với năm 2019 đạt 20%); khách nội địa ước đạt 3,26 triệu lượt, tăng 3 lần so với năm 2021 (tỷ lệ phục hồi so với năm 2019 đạt 70%).

Doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt 21,3 ngàn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 17% trong cơ cấu kinh tế thành phố), tăng gần gấp 2 lần năm 2021 và phục hồi tương đương bằng 100% so với năm 2019 (21,39 ngàn tỷ đồng).

Đặc biệt, thương hiệu du lịch Đà Nẵng tiếp tục được vinh danh với các bình chọn và giải thưởng uy tín quốc tế: vị trí thứ 3 trong Top 10 thành phố du lịch hàng đầu Đông Nam Á của Giải thưởng du lịch châu Á 2022 do tạp chí Travel + Leisure (Mỹ) công bố; Giải thưởng "Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á 2022" của World Travel Award, đây được coi là giải Oscar của ngành du lịch thế giới.      

IMG_9111

Năm 2022, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú ở Đà Nẵng phục vụ ước đạt 3,69 triệu lượt. Ảnh: Thành Vân.

Có thể thấy, khách du lịch đến với Đà Nẵng đã có những tín hiệu khả quan, tuy nhiên thu hút khách quốc tế trong năm qua vẫn còn hạn chế. Vậy bà cho biết, đâu là những "rào cản" trong việc thu hút khách quốc tế?

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: Với những nỗ lực tích cực của toàn thành phố trong thời gian qua, việc thu hút khách quốc tế đã bước đầu khởi sắc đáng mừng, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, thách thức dể có thể khôi phục hoàn toàn lượng khách quốc tế đến với thành phố như thời điểm năm 2019 trước khi xuất hiện dịch COVID-19.

Những nguyên nhân đó là: Dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài, nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái, lạm phát tăng cao, người dân các nước trên thế giới có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, tình hình xung đột chính trị ở một số quốc gia, chính sách visa chưa thông thoáng, thời tiết và thiên tai diễn biến bất thường. 

Đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch lớn

Mục tiêu của ngành du lịch Đà Nẵng trong năm 2023 ra sao, thưa bà?

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: Thực hiện chủ đề năm 2023 của thành phố: "Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”" ngành du lịch đặt ra mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển thị trường khách quốc tế, xây dựng các sản phẩm/dịch vụ du lịch hướng đến chuẩn "chất lượng cao", thực hiện hiệu quả công tác truyền thông - xúc tiến quảng bá cập nhật xu hướng thị hiếu thị trường, đảm bảo an ninh, an toàn điểm đến. Phấn đấu số lượng khách lưu trú phục vụ tăng 15%-20% so với năm 2022. 

kdl

Đà Nẵng phấn đấu số lượng khách lưu trú phục vụ tăng 15%-20% so với năm 2022. Ảnh: Thành Vân.

Để đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt là thu hút khách quốc tế, Đà Nẵng có giải pháp cụ thể như thế nào?

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: Ngành du lịch Đà Nẵng triển khai có hiệu quả Kế hoạch Đề án định hướng phát triển du lịch TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án phát triển kinh tế ban đêm và các đề án đã được thành phố phê duyệt theo lộ trình.

Chuẩn bị sản phẩm du lịch: Củng cố, làm mới các sản phẩm hiện có, triển khai các sản phẩm du lịch mới, chủ lực, đặc thù. Hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án du lịch động lực, trọng điểm quy mô lớn: Khu du lịch giải trí và tổng hợp làng Vân, Khu tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế, KDL sinh thái Nam Ô.

Cùng với đó, triển khai Kế hoạch phát triển ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, chương trình lễ hội sự kiện hai bờ sông Hàn, đưa vào khai thác phục vụ du khách Bảo tàng Đà Nẵng, di tích Hải Vân Quan. Huy động các nguồn lực để tổ chức các lễ hội/sự kiện thu hút khách: Lễ hội pháo hoa quốc tế, Lễ hội Tuyệt vời Đà Nẵng; Lễ hội du lịch Golf và Giải Golf Phát triển châu Á 2023; giải Marathon quốc tế, IRONMAN...

sup

Đà Nẵng chuẩn bị nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú để hút khách. Ảnh: Thành Vân.

Ngành du lịch tập trung hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án du lịch động lực, trọng điểm quy mô lớn: Khu du lịch giải trí và tổng hợp làng Vân, Khu tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế, KDL sinh thái Nam Ô.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng.

Chuẩn bị nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ: Triển khai Kế hoạch nguồn nhân lực du lịch năm 2023; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho  lao động du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tiếp tục triển khai thực hiện các bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch. Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí "Chuẩn chất lượng cao đối với sản phẩm, dịch vụ du lịch" áp dụng trên địa bàn thành phố.

Tiếp tục chiến lược truyền thông điểm đến với thông điệp "Tận hưởng Đà Nẵng - Enjoy Đà Nẵng". Tổ chức thực hiện Kế hoạch xúc tiến thị trường, xúc tiến phát triển đường bay quốc tế trực tiếp, khôi phục du lịch đường biển, đường bộ, đẩy mạnh mở rộng liên kết hợp tác trong nước và quốc tế để quảng bá, trao đổi nguồn khách và kết nối khai thác  sản phẩm.

Thực hiện công tác quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch, đảm bảo môi trường du lịch an ninh an toàn; quản lý và khai thác tài nguyên du lịch theo hướng bền vững, nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai dịch bệnh, biến đổi khí hậu trong hoạt động kinh doanh  du lịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để hoạt động kinh doanh du lịch lành mạnh, đúng quy định pháp luật. Nâng cao nhận thức cộng đồng để giữ gìn thương hiệu điểm đến Đà Nẵng đặc sắc, an toàn và mến khách.

Golf-Da-Nang

Đà Nẵng ưu tiên phát triển dòng sản phẩm/dịch vụ cao cấp và siêu sang. Ảnh: BTC.

Hướng đến sản phẩm "chất lượng cao"

Nhắc đến sản phẩm du lịch, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển nhóm sản phẩm nào để có thể phát huy tối đa thế mạnh, thưa bà?

Định hướng chất lượng sản phẩm/dịch vụ hướng đến đạt chuẩn "chất lượng cao" ở tất cả các loại hình sản phẩm/dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố. Ưu tiên phát triển dòng sản phẩm/dịch vụ cao cấp và siêu sang.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng khẳng định.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: Sản phẩm du lịch là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên lợi thế cạnh tranh cho điểm đến, để thu hút khách; trong thời gian đến ngành du lịch thành phố sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển và quảng bá các nhóm sản phẩm có lợi thế, đồng thời bổ sung, làm mới các sản phẩm phù hợp nhu cầu xu hướng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm.

Trong đó: Định hướng phát triển sản phẩm du lịch đồng thời, theo thứ tự ưu tiên với 3 nhóm sản phẩm: Sản phẩm đặc trưng (gồm du lịch biển và nghỉ dưỡng cao cấp - gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi giải trí và du lịch M.I.C.E, golf, sự kiện, lễ hội mang tầm quốc tế; du lịch văn hoá, lịch sử; du lịch sinh thái), sản phẩm chính (gồm du lịch ban đêm, du lịch đường thủy, du lịch ẩm thực, du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp nông thôn) và sản phẩm bổ trợ (gồm du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe; du lịch cưới; du lịch giáo dục) trên cơ sở tài nguyên, tiềm năng, vị trí địa hình và lợi thế của Đà Nẵng.

Kết hợp du lịch với tư duy sáng tạo đột phá, ứng dụng công nghệ, gắn với thiên nhiên, văn hóa lịch sử truyền thống để hình thành và đa dạng các sản phẩm/dịch vụ xanh, thông minh, đặc sắc, khác biệt thu hút khách, cạnh tranh điểm đến, có thể khai thác liên mùa, khắc phục hạn chế không thuận lợi của thời tiết. 

Đà Nẵng định hướng chất lượng sản phẩm/dịch vụ hướng đến đạt chuẩn "chất lượng cao" ở tất cả các loại hình sản phẩm/dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, ưu tiên phát triển dòng sản phẩm/dịch vụ cao cấp và siêu sang.

Nguồn: Thành Vân (Theo nhadautu.vn)