ĐÀ NẴNG ĐÓNG VAI TRÒ ĐẦU TÀU TRONG LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN VÙNG

2 năm trước

Đà Nẵng ngày càng đóng vai trò đầu tàu trong liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vốn có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh đối với cả khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

 

Quy hoạch tạo tính liên kết thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong ảnh: Tuyến đường ven biển phía đông thành phố (Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa) kết nối với tỉnh Quảng Nam, hình thành tuyến đường phát triển du lịch - dịch vụ chất lượng cao cho hai địa phương. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Quy hoạch tạo tính liên kết thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. TRONG ẢNH: Tuyến đường ven biển phía đông thành phố (Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa) kết nối với tỉnh Quảng Nam, hình thành tuyến đường phát triển du lịch - dịch vụ chất lượng cao cho hai địa phương. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Tạo động lực tăng trưởng

Ngày 16-8-2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 (Nghị quyết số 39-NQ/TW). Sau đó, ngày 2-8-2012, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 25-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW. Nghị quyết số 39-NQ/TW và quy hoạch của Chính phủ chia vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thành 3 tiểu vùng gồm: tiểu vùng Nam Trung Bộ, tiểu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tiểu vùng Bắc Trung Bộ.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định thành lập vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐ), gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Vùng này có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với cả khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế; đồng thời là điểm trung chuyển hàng hóa với các tỉnh Tây Nguyên và là cửa ngõ ra biển thuận tiện nhất đối với các địa phương thuộc vùng nam Lào, đông bắc Thái Lan và đông bắc Campuchia thông qua Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Để thực hiện các mục tiêu đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số quyết định, quy chế, chỉ thị nhằm tổ chức, vận hành và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển vùng KTTĐ miền Trung. Các tỉnh, thành phố  trong vùng KTTĐ miền Trung đã ký kết thành lập bộ máy tổ chức vùng. Hội đồng vùng KTTĐ miền Trung được thành lập tại Quyết định số 2059/QĐ-TTg ngày 24-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020, gồm chủ tịch UBND 5 tỉnh trong vùng; Chủ tịch Hội đồng vùng được bầu luân phiên trong 5 tỉnh thuộc vùng.

Các quyết định trên đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương và giữa các chính quyền địa phương trong vùng KTTĐ miền Trung, bảo đảm tính thống nhất trong xây dựng và thực thi chính sách quốc gia. Các địa phương thuộc vùng KTTĐ miền Trung đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, tổ chức thực hiện, liên kết phát triển tiểu vùng và vùng theo 6 lĩnh vực trọng tâm về quy hoạch; xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển; phối hợp trong đầu tư phát triển; phối hợp tổ chức xúc tiến đầu tư, huy động vốn đầu tư trong và ngoài nước; đào tạo và sử dụng lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng.

Nhờ đó, trong những năm qua, vùng KTTĐ miền Trung đã đạt những thành tựu quan trọng về tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn 2001-2019, tốc độ tăng GRDP bình quân toàn vùng luôn được duy trì ở mức tăng trưởng cao (10,25%/năm).

Giai đoạn 2011-2019 có sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng đáng kể so với thời kỳ trước (8,14%), song vẫn cao hơn mức tăng trưởng trung bình chung của cả nước  6,2%/năm). Các địa phương nội vùng duy trì được mức tăng trưởng cao.

Thành phố Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng, bình quân 12,05%/năm; tiếp đến là Quảng Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,58%/năm. Quảng Ngãi đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong thời kỳ dài đạt 11,19%/năm. Tỉnh Bình Định có tốc độ tăng trưởng khoảng 8,73%/năm.

Quy hoạch tạo tính liên kết thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong ảnh: Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam quy hoạch đầu tư phát triển tuyến sông Cổ Cò, thúc đẩy kinh tế hai địa phương cùng tăng trưởng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Quy hoạch tạo tính liên kết thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. TRONG ẢNH: Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam quy hoạch đầu tư phát triển tuyến sông Cổ Cò, thúc đẩy kinh tế hai địa phương cùng tăng trưởng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Cú hích mới từ quy hoạch tỉnh, thành phố

Thành phố Đà Nẵng được định vị là trung tâm và là hạt nhân của vùng KTTĐ miền Trung, vai trò của Đà Nẵng trong liên kết vùng giai đoạn mới càng quan trọng hơn. Tại tọa đàm khoa học “Liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới” do Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh chia sẻ: “Trong quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng định hình liên kết khu vực miền Trung - Tây Nguyên thông qua tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, Hành lang kinh tế Đông - Tây 2, tuyến cao tốc, ven biển và đặc biệt là thông qua hạ tầng hàng không. Vì vậy, Đà Nẵng đang đẩy nhanh đầu tư Cảng biển Liên Chiểu, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng”.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, quy hoạch phát triển của địa phương không đơn lẻ mà cần có sự kết nối liên vùng nên phải thay đổi, tạo sự khác biệt. “Quy hoạch Quảng Nam lần này sẽ không là những phép cộng đơn thuần mà thể hiện sự “đột phá, khác biệt, toàn diện, bền vững”, không na ná các tỉnh, thành phố khác nhưng vẫn mang tính liên kết hài hòa, bền vững”. Ông Lê Trí Thanh thông tin thêm, từ hạ tầng giao thông sẽ tạo ra sự liên kết các lĩnh vực khác, đó là liên kết tiềm năng mà các địa phương đang sở hữu.

Ví dụ, Thừa Thiên Huế là thế mạnh về du lịch, Đà Nẵng là thu hút đầu tư công nghệ cao, công nghệ thông tin và Quảng Nam với thế mạnh về công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ và trung chuyển hàng không… 

Trong quy hoạch tỉnh Bình Định tầm nhìn đến 2050, theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, yếu tố liên kết vùng được lưu ý ngay từ đầu với đơn vị tư vấn. Trước tiên là đặt Bình Định trong mối liên kết với vùng KTTĐ miền Trung, rộng hơn là liên kết theo tam giác quốc gia Việt Nam - Lào - Campuchia. Để liên kết thực chất và hiệu quả, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đối ngoại quan trọng đã được Bình Định đầu tư đưa vào sử dụng như quốc lộ 19 nối Khu kinh tế Nhơn Hội - cảng Quy Nhơn - sân bay Phù Cát - quốc lộ 24 lên Tây Nguyên…

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực cho vùng chính là chìa khóa để mở cánh cửa liên kết, phát triển thực chất và bền vững. Ban Kinh tế Trung ương đang hoàn thiện Đề án tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư các chủ trương, định hướng nhằm phát triển theo hướng liên kết vùng thời gian tới.

Nguồn: Triệu Tùng (Theo baodanang.vn)