ĐÀ NẴNG: ĐỘNG LỰC XÂY DỰNG "THÀNH PHỐ THÔNG MINH"

1 năm trước

Theo Công văn số 293/2022/VINASA và Công văn số 294/2022/VINASA ngày 31-10-2022 của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) gửi UBND thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng được trao giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2022 - giải thưởng danh giá và duy nhất dành cho nhóm các thành phố/đô thị. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng đạt giải thưởng trên.

Xây dựng “Thành phố thông minh” là mục tiêu đã và đang được Đà Nẵng triển khai nhằm đưa những thành tựu về khoa học công nghệ vào ứng dụng,  bảo đảm chất lượng sống tốt nhất cho người dân. Ảnh: HUY TUẤN

Xây dựng “Thành phố thông minh” là mục tiêu đã và đang được Đà Nẵng triển khai nhằm đưa những thành tựu về khoa học công nghệ vào ứng dụng, bảo đảm chất lượng sống tốt nhất cho người dân. Ảnh: HUY TUẤN

Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn được trao 3 giải thưởng chuyên đề, bao gồm: thành phố giao thông và logistics thông minh; thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các lĩnh vực ứng dụng thành phố thông minh đã và đang triển khai trên thực tế, đem lại hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

“Quả ngọt” từ triển khai đề án thành phố thông minh

Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam (Smart City Award Vietnam) là giải thưởng thường niên được VINASA tổ chức từ năm 2020 nhằm ghi nhận, tôn vinh các đô thị, tổ chức, doanh nghiệp có những đóng góp giúp các thành phố trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, giải thưởng cũng khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo sản phẩm, giải pháp công nghệ tiên tiến; là kênh kết nối cung cầu, hợp tác xây dựng những mô hình kiểu mẫu phù hợp để đẩy nhanh phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam. Như vậy, kể từ khi giải thưởng được VINASA tổ chức lần đầu tiên đến nay, Đà Nẵng đều được vinh danh là thành phố thông minh (3 năm liên tiếp 2020, 2021, 2022).

Kết quả trên cũng tương ứng với khoảng thời gian gần 4 năm kể từ khi UBND thành phố ban hành Quyết định số 6439/QĐ-UBND ngày 29-12-2018 về đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030. Trong giai đoạn 2019-2021, đề án thành phố thông minh có 13 mục tiêu và thành phố đã hoàn thành 12/13 mục tiêu.

Cụ thể là mạng đô thị MAN được mở rộng, kết nối đến các cơ quan Đảng và các đơn vị sự nghiệp; trung tâm dữ liệu thành phố bảo đảm nâng cao năng lực cài đặt, triển khai các cơ sở dữ liệu (CSDL) và ứng dụng thông minh; hình thành trung tâm giám sát, điều hành và xử lý tập trung, đa nhiệm giai đoạn 1 để kết nối và phân tích dữ liệu liên ngành, cung cấp các chỉ số kinh tế - xã hội và đô thị (KPI). Tiếp đó, hoàn thiện cơ bản hệ thống giám sát giao thông qua camera thông minh, điều khiển đèn tín hiệu tự động và tập trung; hoàn thành cổng thông tin giao thông trực tuyến giai đoạn 1...

Nhiều giải pháp về công nghệ cũng đạt mục tiêu như hoàn thiện cơ bản CSDL ngành y tế và hồ sơ điện tử sức khỏe công dân gắn với mã bệnh án điện tử (ID), hoàn thiện các bệnh viện điện tử và triển khai 1 bệnh viện thông minh; bắt đầu triển khai mô hình thành phố thông minh khu vực quận Liên Chiểu cùng với một số cụm đô thị thông minh như: Khu Công nghệ cao; Khu công viên phần mềm số 2, Khu công nghệ thông tin tập trung. Riêng mục tiêu cuối đã đề ra là triển khai thí điểm thẻ du lịch thông minh dự kiến sẽ công bố, đưa vào sử dụng cuối năm 2022 để sớm hoàn thành 13/13 mục tiêu.

Xây dựng thành phố thông minh thống nhất, xuyên suốt

Ông Phạm Sỹ Nguyên, Giám đốc Công ty CP Giáo dục và Công nghệ Innova (quận Hải Châu) đánh giá, thời gian qua, chính quyền Đà Nẵng đã có những bước chuyển rất nhanh trong việc xây dựng thành phố thông minh. Đà Nẵng liên tiếp được vinh danh là thành phố thông minh sẽ tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ nhỏ và vừa phối hợp với những doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn cùng hợp tác, tham gia, xây dựng thành phố.

Ông Nguyên gợi ý, Đà Nẵng cần phát triển thêm những tiêu chuẩn về thành phố thông minh, có khung pháp lý rõ ràng để bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân, có chiến lược lâu dài nhưng phải rõ ràng, kế hoạch cụ thể; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật số 5G, 4G... Ngoài ra, cần phải xác định đối tượng để phát triển hệ sinh thái này là Nhà nước, chính quyền, khối tư nhân cung cấp công nghệ dịch vụ và các cơ quan liên quan khác, giúp thành phố thông minh đi vào hoạt động hiệu quả.

“Việc xây dựng, chuyển đổi một hệ sinh thái cũ qua một hệ sinh thái tiên tiến, hiện đại cần được sự ủng hộ từ cả hệ thống chính trị. Innova cũng đang tham gia vào những hội nghề nghiệp với từ 2.000 - 5.000 kỹ sư công nghệ chất lượng cao, đây sẽ là nguồn lực cực kỳ lớn thúc đẩy thành phố trong lĩnh vực chuyển đổi số. Vì vậy Đà Nẵng cần có kế hoạch cụ thể kết hợp với công ty và hội, hiệp hội doanh nghiệp như vậy khi xây dựng thành phố thông minh ở các lĩnh vực”, ông Nguyên thông tin.

Đà Nẵng liên tiếp được vinh danh thành phố thông minh sẽ tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ nhỏ và vừa phối hợp với những doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn cùng hợp tác, tham gia, xây dựng thành phố. Trong ảnh: Nhân viên tại Công ty TNHH Phần mềm FPT miền Trung đang làm việc. Ảnh: M.Q

Đà Nẵng liên tiếp được vinh danh thành phố thông minh sẽ tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ nhỏ và vừa phối hợp với những doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn cùng hợp tác, tham gia, xây dựng thành phố. TRONG ẢNH: Nhân viên tại Công ty TNHH Phần mềm FPT miền Trung đang làm việc. Ảnh: M.Q

Ông Đoàn Đức Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông và Công nghệ Conando (quận Hải Châu) cho rằng, Đà Nẵng hoàn toàn xứng đáng khi 3 năm liên tiếp được vinh danh là thành phố thông minh. Ông kỳ vọng thành phố sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững cho các doanh nghiệp trên địa bàn, cùng với đó, các vấn đề như môi trường, an ninh, an sinh xã hội... sẽ được chú trọng nhiều hơn trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Cùng với những kỳ vọng đó, vẫn còn hạn chế khi thành phố chưa có giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh một cách phù hợp dựa trên nền tảng công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo AI, xu hướng S.M.A.C… Bên cạnh đó, việc xây dựng thành phố thông minh cần mang tính thống nhất, xuyên suốt các lĩnh vực; phát triển thành phố thông minh là việc phức tạp, lâu dài, tốn kém do đó cần phát huy nguồn lực từ địa phương cũng như sự tham gia tích cực, hiệu quả của người dân và các doanh nghiệp.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, nhằm tiếp tục xây dựng thành phố thông minh, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 934/QĐ-UBND ngày 7-4-2022 về kế hoạch thực hiện đề án thành phố thông minh trong năm 2022-2025, trong đó ưu tiên một số nhiệm vụ như phát triển hạ tầng mạng di động 5G, hạ tầng Internet vạn vật (IoT); hoàn thành nâng cấp, mở rộng trung tâm dữ liệu thành phố với nền tảng điện toán đám mây; xây dựng quy hoạch mạng lưới hệ thống camera giám sát trên địa bàn thành phố, hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung bảo đảm khả năng xử lý đa dạng các loại dữ liệu; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các trung tâm giám sát chuyên ngành; hình thành hệ thống CSDL hạ tầng đô thị đồng bộ, thống nhất trên hệ thống thông tin địa lý GIS với đầy đủ các lớp dữ liệu đất đai, xây dựng, giao thông…

Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp các đơn vị, địa phương triển khai sử dụng, khai thác hiệu quả các ứng dụng, CSDL chuyên ngành, dịch vụ công trực tuyến; đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, thu hút nguồn lực và công nghệ, giải pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia để hỗ trợ triển khai thành phố thông minh; tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, người dân thành phố để tạo sự ủng hộ, tham gia, đồng hành trong triển khai thành phố thông minh.

Nguồn: Mai Quế - Chiến Thắng (Theo baodanang.vn)