XÂY DỰNG ĐÀ NẴNG TRỞ THÀNH TRUNG TÂM TÀI CHÍNH KHU VỰC: ĐỘNG LỰC CHO KINH TẾ BỨT PHÁ

3 năm trước

Tầm nhìn trở thành trung tâm tài chính khu vực sẽ là động lực lớn để nền kinh tế Đà Nẵng bứt phát trong giai đoạn tới.

Nằm ở điểm giữa của đất nước, nếu lấy Đà Nẵng làm tâm, chỉ khoảng 3 giờ bay là đến các nền kinh tế năng động ở châu Á như Singapore, Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc)… Trước khi xảy ra dịch COVID-19, mỗi tuần có khoảng 500 chuyến bay quốc tế kết nối 35 thành phố của 9 quốc gia vùng lãnh thổ đến Đà Nẵng. Dự kiến đến năm 2030, sân bay Đà Nẵng  sẽ được mở rộng với công suất đạt khoảng 30 triệu lượt khách/năm.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng có quy mô nền kinh tế lớn nhất vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với tốc độ tăng trưởng và quy mô GRDP/đầu người thuộc nhóm cao nhất cả nước. Đặc biệt, Đà Nẵng có môi trường sống an toàn, ổn định, là trung tâm giáo dục đào tạo ở miền Trung với hơn 25 trường đại học, cao đẳng và đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 xác định, xây dựng TP. Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế xã hội của cả nước và khu vực, với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại và tài chính.

Cuối tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu, lập Đề án xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính khu vực. Đây là cơ hội rất tốt để cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng và miền Trung tiếp cận nguồn vốn, đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh mẽ hơn và là động lực thúc đẩy nền kinh tế Đà Nẵng trở nên sôi động.

da-nang-flycam

Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu, lập Đề án xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính khu vực.

Ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký kết với Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xuất khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) ông Johnathan Hạnh Nguyễn về tài trợ xây dựng đề án “Xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực”. Theo đó, IPPG cam kết bàn giao đề án cho UBND thành phố trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký kết thỏa thuận (không kể thời gian lấy ý kiến các cơ quan có liên quan và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt). Công ty Sherman (Anh) được lựa chọn là nhà tư vấn chính cho đề án.

Đồng thời, UBND TP. Đà Nẵng quyết định thành lập Tổ công tác lập đề án do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh làm tổ trưởng; Giám đốc Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ phó. Tổ công tác do Sở Tài chính làm cơ quan thường trực, có nhiệm vụ tham mưu UBND thành phố trong việc lập và trình cấp có thẩm quyền ban hành đề án “Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính khu vực”.

a-2-jpg-1617158222-2443-1617158509

Lễ ký kết ghi nhớ giữa IPPG và UBND TP. Đà Nẵng vào cuối tháng 3/2021.

Ý tưởng xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính của khu vực đã được ấp ủ từ lâu. Song, để điều này trở thành hiện thực, TP. Đà Nẵng sẽ còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có thể kể đến những yếu tố then chốt như: Hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực và những chính sách đặc thù… nhằm thu hút các nhà đầu tư đến với thành phố trọng điểm của miền Trung này.

Hiện nay, câu hỏi nhiều người đặt ra tại sao chưa có ngân hàng nào đặt hội sở tại Đà Nẵng, mà Đà Nẵng đã đặt vấn đề xây dựng trung tâm tài chính khu vực. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, nhiều người nhầm tưởng, trung tâm tài chính phải có các hội sở, các tổ chức tài chính, các văn phòng của ngân hàng. Tuy nhiên, trung tâm tài chính là làm sao phải có “đại bàng chúa” nắm giữ các nguồn tiền hàng ngàn tỷ USD. Khi các “đại bàng chúa” đã vào làm “tổ” thì tự động các “bồ câu”, “đại bàng con”… bay về, nhưng không nhất thiết đặt trụ sở tại đây.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, đúng là chưa có ngân hàng nào chọn Đà Nẵng đặt hội sở, nhưng nếu đi theo tuần tự chờ các ngân hàng đến đặt hội sở rồi mới xây dựng trung tâm tài chính thì cả trăm năm nữa Đà Nẵng vẫn chưa làm được.

"Với những lợi thế, thuận lợi của Đà Nẵng, cùng cơ chế đặc thù mà Trung ương đã định hướng, cũng như Đà Nẵng đã xây dựng đề án để xin Trung ương tạo điều kiện thuận lợi, tôi nghĩ Đà Nẵng có thể bỏ qua, có thể vượt lên được. Sau khi Thủ tướng đã đồng ý cho Đà Nẵng xây dựng trung tâm tài chính, hiện đã có liên danh nhà tài trợ do IPPG và các bạn bè doanh nghiệp đầu tư ở Mỹ, và một công ty tư vấn quốc tế nổi tiếng ở Anh để tài trợ thì mong rằng Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm tài chính khu vực”, ông Minh cho hay.

Cơ hội cho kinh tế Đà Nẵng bứt phá

Việc Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực sẽ thu hút được nguồn vốn khổng lồ từ các tập đoàn lớn trên thế giới vào đầu tư. Từ đó, mở ra nhiều việc làm cho người lao động, kích thích kinh tế thành phố phát triển, tạo thu nhập nhiều hơn cho người dân.

Ông Lê Trường Kỹ, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Kỹ thuật DINCO nhận định, điểm mạnh của Đà Nẵng là ngành kinh tế dịch vụ, trong đó dịch vụ đỉnh cao là tài chính và thị trường vốn. Nói đến trung tâm tài chính thì sẽ nghĩ ngay đến ngân hàng, các sàn giao dịch, bảo hiểm, trung tâm giao dịch về vốn… Do đó, việc thành lập trung tâm tài chính khu vực ở Đà Nẵng sẽ đem cơ hội lớn cho các doanh nghiệp địa phương.

“Thành lập trung tâm tài chính sẽ thu hút nguồn vốn đổ về đây để giao dịch, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Từ đó, tiền sẽ chảy vào các dịch vụ khác, đặc biệt, sẽ giúp thu nhập của người dân tăng mạnh trong 10 năm sau khi thành lập trung tâm tài chính”, ông Kỹ nói.

Ông Kỹ cho biết thêm, đề án này còn tạo ra khí thế cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy cho các doanh nghiệp phát triển. Cùng với đó, sẽ thu hút được nguồn lao động chất lượng cao về Đà Nẵng, cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp cận được với nguồn lao động này. “Khi doanh nghiệp có 2 nguồn lực về tiền và con người sẽ thúc đẩy phát triển trong tương lai dài hạn và bền vững”, ông Kỹ cho hay.

Theo ông Kỹ, để hiện thực hoá đề án, trước hết Đà Nẵng cần có các quy hoạch định hướng về cơ sở hạ tầng, vật chất khi thu hút nguồn lao động chất lượng cao; cơ chế chuyển dịch dòng vốn đến và đi; quy hoạch quỹ đất, trung tâm để đón các nhà đầu tư.

Theo Sở Tài chính, xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực sẽ là một tiếp cận mới trong quá trình phát triển thành phố trong thời gian tới để tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và thu hút đầu tư. Trung tâm tài chính khu vực sẽ hướng đến mục tiêu thu hút các ngân hàng lớn trong và ngoài nước, công ty tài chính truyền thống và tài chính dựa vào nền tảng công nghệ, các quỹ đầu tư, bảo hiểm, các công ty chứng khoán thành lập, hội sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại thành phố; phát triển hệ thống tổ chức tài chính, tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả, vững chắc với cấu trúc đa dạng về quy mô, loại hình.

Nguồn: Thành Vân (Theo nhadautu.vn)