XÂY DỰNG ĐÀ NẴNG TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ TRUNG TÂM, MANG TẦM VÓC KHU VỰC

4 năm trước

Cách làm khác biệt của Đà Nẵng trong chiến lược quy hoạch và xây dựng thành phố đã mang đến nét riêng biệt cho diện mạo đô thị. Năm 2020, Đà Nẵng hoàn thành nhiệm vụ thực hiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành đô thị trung tâm, mang tầm vóc khu vực.

Thành phố phát triển khu trung tâm theo hướng mô hình đô thị nén hiện đại để mở rộng không gian công cộng. Ảnh: XUÂN SƠN

Thành phố phát triển khu trung tâm theo hướng mô hình đô thị nén hiện đại để mở rộng không gian công cộng. Ảnh: XUÂN SƠN

Không gian đô thị được mở rộng

Đà Nẵng đã đạt hiệu quả từ chiến lược “hạ tầng đi trước, dự án theo sau” hay “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, mang lại nền tảng cho sự phát triển đô thị. Qua mỗi chặng đường phát triển, tầm vóc về một đô thị lớn ở miền Trung-Tây Nguyên và khu vực được định hình.

5 năm qua, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 và Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24-1-2019 về xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đã tập trung xây dựng điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030 nhằm bảo đảm phát triển thành phố nhanh, bền vững. Đồng thời, thực hiện quy hoạch chi tiết cảnh quan hai bên bờ sông Hàn để tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị, phát triển chuỗi du lịch đường sông và 7 đồ án quy hoạch phân khu.

Thành phố triển khai lập thiết kế đô thị khu vực ven biển tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê và Liên Chiểu và khu vực đô thị cũ tại các quận Hải Châu, Thanh Khê và một phần Sơn Trà, Cẩm Lệ; định hướng phát triển khu vực ven đô thị và nông thôn về không gian phát triển.

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, điều chỉnh, khắc phục những bất cập trong quy hoạch, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phục vụ tốt hơn cho cộng đồng; chú trọng thực hiện công tác kiểm tra, xử lý các dự án chậm đưa đất vào sử dụng. Thành phố đã chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô; rà soát tình hình triển khai các dự án ven biển, đầu tư một số lối xuống biển, công viên, đường đi bộ và xe đạp dọc bãi biển…, xây dựng quy định quản lý đặc biệt đối với bán đảo Sơn Trà.

Thành phố đã xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp và chỉnh trang đô thị được tập trung chỉ đạo, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị tiếp tục được nâng cấp và cải thiện, cơ sở hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, diện mạo đô thị có bước phát triển mới. Các công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào sử dụng hiệu quả, nhất là việc triển khai thực hiện các dự án động lực, trọng điểm và các dự án dư luận xã hội quan tâm theo hướng phục vụ tốt cộng đồng và sự phát triển bền vững của thành phố. Việc thực hiện đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường - một nội dung trong đột phá thứ hai đã đạt được những kết quả tích cực gắn với quy hoạch chất thải rắn đô thị, quy hoạch thoát nước.

Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách thành phố giai đoạn 2015-2020 là 43.481 tỷ đồng. Từ đòn bẩy cơ sở hạ tầng đã hình thành các khu đô thị mới như phía bắc có khu đô thị Golden Hill…; phía nam có Khu đô thị Hòa Xuân. Sự chuyển mình ngoạn mục của bờ đông từ một vùng đất nghèo khó vươn vai trở thành đô thị phồn vinh vẫn luôn là câu chuyện tuyệt đẹp trong ký ức của người Đà Nẵng. Hệ thống các trục giao thông huyết mạch bao gồm cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông, các tuyến đường Trần Đại Nghĩa, Võ Chí Công, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cùng tuyến đường biển và tuyến sông Cổ Cò… đã kích thích một làn sóng đô thị hóa, kéo theo sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ và du lịch.

Tầm vóc về một đô thị lớn

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã hoàn thiện nội dung và đang được Hội đồng thẩm định quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho hay, định vị chiến lược thúc đẩy sự phát triển Đà Nẵng đến năm 2030 gồm thành phố là một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu; cổng vào của Hành lang kinh tế Đông - Tây; tham gia mạng lưới thành phố thông minh ASEAN; điểm đến phong cách sống toàn cầu; trung tâm du lịch, dịch vụ và kinh tế biển.

Không gian đô thị Đà Nẵng ngày càng được mở rộng. Trong ảnh: Phát triển đô thị về hướng tây bắc. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Không gian đô thị Đà Nẵng ngày càng được mở rộng. Trong ảnh: Phát triển đô thị về hướng tây bắc. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Cấu trúc cảnh quan đô thị Đà Nẵng sẽ bao gồm: vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và một vùng sinh thái. Đà Nẵng cũng sẽ thiết lập hai vành đai kinh tế gồm vành đai phía bắc - vành đai công nghiệp công nghệ cao và cảng biển - logistics; vành đai phía nam - vành đai đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Về định hướng hạ tầng kỹ thuật, thành phố phải tiếp tục nâng cấp, mở rộng sân bay Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách/năm. Đồ án có bổ sung quy hoạch hầm chui xuyên qua sân bay Đà Nẵng. Đà Nẵng cũng định hướng hình thành mới bến xe phía bắc, bến xe phía tây (cửa ngõ lên Tây Nguyên), đồng thời tiếp tục phát triển bến xe phía nam. Bến xe Trung tâm hiện tại sẽ được chuyển đổi phục vụ giao thông công cộng. Một đường hầm xuyên qua ga đường sắt mới và đường cao tốc kết nối về phía tây cũng được đưa vào đồ án lần này.

Từ năm 2021, nhiệm vụ đối với thành phố Đà Nẵng là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch tổng thể thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, tập trung thực hiện tốt quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030 và quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo hướng xác lập, phát huy vai trò, vị trí trung tâm của Đà Nẵng. Đồng thời, chú trọng công tác quản lý đô thị, tổ chức không gian đô thị hiện đại, hài hòa với thiên nhiên, bảo tồn và phát triển bản sắc đặc trưng của đô thị biển - sông - núi; nghiên cứu mở rộng không gian và phát triển các khu đô thị mới về hướng tây, tây bắc theo hướng đô thị sinh thái, đô thị xanh; đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phát triển khu trung tâm thành phố theo hướng mô hình đô thị nén hiện đại để mở rộng không gian công cộng. Thành phố sẽ thực hiện thí điểm tái thiết đô thị ở một số khu vực quận Hải Châu, Thanh Khê, chấn chỉnh trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, rà soát các dự án không còn khả thi, mạnh dạn đề xuất hủy bỏ để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho cộng đồng. Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đô thị, đất đai, tài nguyên, môi trường và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh triển khai Đề án Xây dựng thành phố thông minh; hoàn thành Trung tâm giám sát, điều hành và xử lý tập trung, đa nhiệm, tích hợp chức năng phân tích dữ liệu và dự đoán thông minh để phục vụ quản lý đô thị dựa trên dữ liệu số.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đồ án quy hoạch quốc gia: Chú trọng yếu tố bản sắc kiến trúc đô thị Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước. Hồ sơ đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã tuân thủ đúng theo các trình tự, thủ tục quy định của pháp luật, được nghiên cứu, xây dựng công phu, kế thừa những kết quả tích cực trong quá trình thực hiện quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013.

Đà Nẵng cần tuân thủ đúng tầm nhìn và định hướng đã được nêu trong Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời nâng chỉ số phát triển không gian đô thị theo chiều cao, bảo đảm quốc phòng - an ninh cũng như chú trọng yếu tố bản sắc kiến trúc đô thị thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là khu vực hai bên bờ sông Hàn, bán đảo Sơn Trà, khu vực trung tâm.

Nguồn: Triệu Tùng (Theo baodanang.vn)