Xây dựng Đà Nẵng thành thành phố xanh, hiện đại

6 năm trước

Theo “Quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đà Nẵng phấn đấu trở thành thành phố xanh, hiện đại – thông minh, mang tính toàn cầu và có bản sắc. Đến năm 2030, Đà Nẵng phải đảm bảo vị thế trung tâm kinh tế lớn và cực tăng trưởng mạnh của vùng duyên hải miền Trung – Tây Nguyên.

Các chuyên gia cho rằng, Đà Nẵng cần có chính sách phát triển không gian đô thị dựa trên lợi thế dòng sông Hàn. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Các chuyên gia cho rằng, Đà Nẵng cần có chính sách phát triển không gian đô thị dựa trên lợi thế dòng sông Hàn. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Chiều 11-6, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì Hội thảo “Quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh và các chuyên gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các sở, ngành các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Kon Tum…

Theo “Quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đà Nẵng phấn đấu trở thành thành phố xanh, hiện đại, thông minh, mang tính toàn cầu và có bản sắc. Đến năm 2030, Đà Nẵng phải đảm bảo vị thế trung tâm kinh tế lớn và cực tăng trưởng mạnh của vùng duyên hải miền Trung – Tây Nguyên.

Đồng thời, Đà Nẵng cần phát triển xanh và bền vững, có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh. Bản quy hoạch cũng đề ra các mục tiêu cụ thể về kinh tế, văn hoá – xã hội, môi trường.

Trong khuôn khổ định hướng các ngành kinh tế - xã hội, việc lựa chọn các lĩnh vực được thực hiện chủ yếu theo nguyên tắc “thị trường lựa chọn trước, Nhà nước hỗ trợ sau”…

Tại hội thảo đã có nhiều ý kiến đóng góp cũng như đưa ra các giải pháp liên quan đến quy hoạch thành phố trong tương lai.

Về “Định hướng Chiến lược bảo tồn và phát triển không gian đô thị thành phố Đà Nẵng”, theo TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn (Chủ tịch Công ty tư vấn Thiết kế Ngô Viết), đô thị Đà Nẵng cần được phát triển theo 8 định hướng chiến lược: phát triển vai trò đô thị hạt nhân trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; bảo tồn và phát triển bản sắc đặc trưng của đô thị biển – sông – núi; quy hoạch xanh – kiến trúc xanh; phát triển thành đô thị văn minh, hiện đại; phát triển thành đô thị đáng sống hàng đầu tầm quốc gia và quốc tế; phát triển theo hướng đô thị thông minh; phát triển thành đô thị toàn cầu; phát triển thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo.

KTS Ngô Viết Nam Sơn trình bày Định hướng Chiến lược Bảo tồn và Phát triển không gian đô thị thành phố Đà Nẵng.
KTS Ngô Viết Nam Sơn trình bày Định hướng Chiến lược Bảo tồn và Phát triển không gian đô thị thành phố Đà Nẵng.

TS Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thay vì dàn trải trên 5 trụ cột phát triển kinh tế, Đà Nẵng nên tập trung vào 1-2 lĩnh vực sau khi đã lựa chọn kỹ; ngoài ra, cần xác định rõ lợi thế của thành phố trong tương quan với miền Trung, cả nước và khu vực.

Trong khi đó, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung,  Đà Nẵng cần đột phá hơn nữa, thoát khỏi vỏ bọc “thành phố hướng nội” để mở rộng liên kết với bên ngoài. Đà Nẵng phải xây dựng các chương trình cụ thể như phát triển du lịch, phát triển khu đô thị sân bay, xây dựng thành phố khởi nghiệp… trước khi đề xuất cơ chế, chính sách đối với Trung ương nhằm tăng tính thuyết phục, hiệu quả.

Ông Doughlas Foo, Chủ tịch Liên đoàn Sản xuất Singapore cũng nhận định, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao – yếu tố quan trọng nhất khi thành phố xây dựng bất kỳ chương trình phát triển nào.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đặt vấn đề, để vươn tới hình ảnh “thành phố đáng sống” tầm khu vực, Đà Nẵng không thể dừng lại ở khai thác lợi thế cảnh quan thiên nhiên, mà phải tạo ra cơ hội việc làm có giá trị gia tăng, thu hút nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc.

Còn ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam khẳng định, trong 20 năm qua, Đà Nẵng đã thực hiện một “giấc mơ đô thị”, biến một nơi từng là căn cứ quân sự khổng lồ thành một đô thị hiện đại hàng đầu cả nước.

Theo đó, lợi thế và cũng là điều kiện tiên quyết của thành phố trong việc phát triển không gian đô thị chính là dòng sông Hàn. Nếu được quy hoạch cẩn thận, đây có thể là nơi tạo ra động lực phát triển mới cho Đà Nẵng

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đề nghị nhóm tư vấn cần ghi nhận, chọn lọc, tiếp thu các đề xuất, giải pháp tại hội thảo; qua đó, tập trung bổ sung đánh giá năng lực cạnh tranh ở cấp độ địa phương và doanh nghiệp; làm rõ tầm nhìn, quan điểm và mục tiêu phát triển, lựa chọn phương án tăng trưởng mang tính đột phá cho thành phố đến năm 2030.

Ngoài ra, định hướng phát triển không gian đô thị cần bám sát quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cân nhắc kỹ việc lựa chọn 5 trụ cột phát triển kinh tế. Việc đề xuất các chính sách, cơ chế tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững cần bám sát việc tổng kết Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và  phát triển Đà Nẵng, dự kiến sẽ được thông qua trong tháng 9-2018. Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cũng đề nghị nhóm tư vấn xây dựng phương án triển khai các chương trình quy hoạch đô thị, quy hoạch du lịch, quy hoạch khu công nghệ cao phù hợp…

KHANG NINH - BAODANANG.VN