Vì lòng yêu mến Đà Nẵng

7 năm trước

Sau một năm triển khai, hệ thống camera công cộng của nhóm “Phát triển Đà Nẵng” trở thành công cụ hữu hiệu giúp người dân theo dõi một số nút giao thông quan trọng của thành phố, đồng thời góp phần ngăn chặn tội phạm và tệ nạn xã hội. Đây là thành quả ban đầu của một nhóm bạn trẻ tình nguyện “có lòng yêu mến Đà Nẵng”.

Các thành viên nhóm Phát triển Đà Nẵng trình bày dự án camera công cộng với Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ vào ngày 10-2 vừa qua. Ảnh: Ngọc Đoan
Các thành viên nhóm Phát triển Đà Nẵng trình bày dự án camera công cộng với Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ vào ngày 10-2 vừa qua. Ảnh: Ngọc Đoan

Từ sự bức thiết của thành phố

Điểm đặc biệt của dự án này là bất kỳ người dùng Internet nào cũng có thể theo dõi hình ảnh trực tiếp trên camera. Người dân có thể truy cập vào trang web có địa chỉ  http://camera.0511.vn và chọn vị trí muốn quan sát như cầu Sông Hàn, bãi biển Phạm Văn Đồng, cầu Rồng, cầu vượt ngã ba Huế…

Nhờ chức năng cho phép, người xem được quan sát hình ảnh trực tiếp, hệ thống camera sẽ giúp người tham gia giao thông tránh được các địa điểm đang ùn tắc hay có công trình thi công, từ đó giảm bớt tình trạng kẹt xe. Trong trường hợp có tai nạn, các cơ quan chức năng cũng có thể xem lại tình huống giao thông để có phương án xử lý thích hợp.

Trưởng nhóm “Phát triển Đà Nẵng” Trần Hữu Đức Nhật chia sẻ, ý tưởng về dự án lắp đặt camera công cộng xuất hiện vào khoảng cuối năm 2015. Lúc đó, anh đang là thành viên trên trang Facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp”. Anh nhớ lại: “Một hôm tôi thấy trên trang Facebook này có đăng bài viết rất tâm huyết của tài khoản mang tên Trần Nguyên Duy Thịnh, nói về tác dụng của hệ thống camera công cộng. Bài viết này đúng với những gì tôi đang suy nghĩ, vì vậy tôi liên lạc ngay với anh Thịnh để bàn nhau biến dự án này thành hiện thực ngay tại thành phố Đà Nẵng”.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, chiếc camera đầu tiên đã được anh Thịnh và anh Nhật lắp đặt tại địa chỉ 130 đường Quang Trung (quận Hải Châu). Anh Nhật cho biết, đây là khu vực thường xảy ra nạn trộm cắp mũ bảo hiểm, khiến người dân bức xúc. Hơn nữa, nằm sâu trong con hẻm bên cạnh là một tụ điểm của người nghiện ma túy, cũng là một “bãi rác tự phát”. Rất bất ngờ, sau khi camera hoạt động 1 tháng, “ổ ma túy” tự động… tan rã.  Từ cuối năm 2016 đến nay, khu vực này cũng không còn tình trạng trộm mũ bảo hiểm nữa.

Đến nay, hệ thống camera của nhóm “Phát triển Đà Nẵng” có 12 chiếc camera được lắp đặt tại khu vực đường Quang Trung, đường Hồ Nghinh, bãi biển Phạm Văn Đồng, cầu Rồng, cầu Sông Hàn và cầu vượt ngã ba Huế. Mỗi vị trí đều có 2 camera cùng đầu nén (có thể lưu trữ hình ảnh trong 7 ngày), sử dụng công nghệ hoàn toàn của Việt Nam, thuận lợi cho việc bảo mật, thêm tính năng hay khắc phục sự cố. Hình ảnh phát trực tiếp trên trang web htpp://camera.0511.vn khá nét, chuyển động mượt, có thể quan sát được biển số xe và giám sát trong đêm với phạm vi 40m. Trên trang web có nút gọi khẩn cấp và hệ thống trò chuyện trực tuyến, giúp người xem có thể nhanh chóng báo với cơ quan chức năng hoặc đại diện nhóm “Phát triển Đà Nẵng” khi phát hiện sự cố.

Anh Nhật chia sẻ, sau một thời gian đưa vào hoạt động, các chiếc camera còn phát huy nhiều “tác dụng phụ” như lượng người xem thường tăng cao vào thời điểm…cầu Sông Hàn quay hay cầu Rồng phun lửa, nước. Có lẽ nhiều người xem camera như một phương tiện phục vụ... du lịch từ xa.

Chị Trần Thị Hoàng Giang (SN 1993) đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, mỗi lần nhớ Đà Nẵng, chị vẫn thường vào xem hình ảnh camera trực tuyến để tận hưởng chút hơi thở chuyển động quê nhà. “Có khi mình làm việc mà vẫn mở hình ảnh cầu Sông Hàn ở một góc màn hình máy tính, xem cho vui nhưng cũng thấy vơi bớt nỗi nhớ nhà”, chị Giang nói.

Cần đầu tư về nhân lực

Đầu tháng 2 vừa qua, tại buổi tiếp công dân của lãnh đạo thành phố, nhóm trình bày trực tiếp dự án lắp đặt camera công cộng theo hình thức xã hội hóa với  Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ. Ngay tại đây, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đồng ý hỗ trợ 50 triệu đồng để nhóm có kinh phí tiếp tục phát triển dự án, đồng thời đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông giúp kết nối hệ thống camera này với hệ thống máy chủ của thành phố.

Anh Nhật cho biết, hiện tại, các cuộc gọi báo từ người xem hình ảnh camera sẽ được chuyển trực tiếp đến tổng đài dịch vụ công 1022 của thành phố. Với hệ thống này, tất cả các sở, ngành có thể sử dụng chung dữ liệu để đơn giản hóa việc trao đổi thông tin.

Hiện nay, nhóm “Phát triển Đà Nẵng” có khoảng 20 thành viên “cốt cán” thường xuyên hoạt động, thuộc đủ độ tuổi, công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau. “Chúng tôi chia nhau ra làm, ai có sức góp sức, ai có ý tưởng góp ý tưởng. “Dân” công nghệ thông tin thì lo xây dựng trang web, các bạn trẻ thì giúp lắp đặt, sửa chữa khi camera gặp sự cố. Chỉ cần xem camera, phát hiện ra sự cố như cúp điện, rớt mạng,… chẳng hạn rồi báo lại cho tổng đài, thì mỗi người cũng đang giúp đỡ dự án tiếp tục phát triển rồi”, anh Thịnh chia sẻ.

Trong năm 2017, “Phát triển Đà Nẵng” đặt mục tiêu lắp đặt thêm 100 camera trên toàn địa bàn thành phố bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Ngoài ra, dự án sẽ tích hợp dữ liệu thời tiết, độ ẩm, mức độ ô nhiễm không khí… để đưa vào hệ thống. Anh Nhật cho biết, vấn đề cấp bách nhất bây giờ là nguồn nhân lực thiếu. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự hỗ trợ trong việc khảo sát vị trí lắp đặt, thực hiện lắp đặt, phát triển thêm các tiện ích trên trang web… Theo anh Nhật, nhóm đang kêu gọi các bạn sinh viên ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin tại các trường đại học, cao đẳng trên toàn thành phố để cùng chung tay giúp sức. “Chỉ cần có lòng yêu mến Đà Nẵng thì ắt sẽ làm được”, anh Nhật nói.

KHANG NINH