TRUNG TÂM TÀI CHÍNH QUỐC TẾ ĐÀ NẴNG SẼ HOẠT ĐỘNG THẾ NÀO?

2 năm trước

Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng dự kiến sẽ hướng đến thúc đẩy phát triển tài chính cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hỗ trợ hoạt động tài chính, đầu tư cho khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây và một số quốc gia khác trong khu vực.

Trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực

Chiều 4/3, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính (TTTC) khu vực.

Theo dự thảo đề án, nếu như TP.HCM đặt mục tiêu trở thành một TTTC được xếp hạng trong nhóm 50 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới của Chỉ số TTTC toàn cầu vào năm 2030 và trong nhóm 20 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới vào năm 2045, thì Đà Nẵng xác định mục tiêu phát triển thành TTTC quốc tế và gia nhập mạng lưới các trung tâm tài chính khu vực vào năm 2045. 

Theo tầm nhìn và mục tiêu đó, trong khi TTTC quốc tế tại TP.HCM sẽ có bước phát triển nhanh để vươn lên một TTTC toàn cầu thì Đà Nẵng hướng đến thúc đẩy phát triển tài chính cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hỗ trợ hoạt động tài chính, đầu tư cho khu vực hành lang kinh tế Đông-Tây và một số quốc gia khác trong khu vực. Trong quá trình phát triển TTTC quốc tế tại Đà Nẵng vừa hỗ trợ, bổ sung, tăng cường sức cạnh tranh cho TTTC quốc tế tại TP.HCM.

Do đó, Đà Nẵng lựa chọn mô hình TTTC phi truyền thống. Trước mắt sẽ giới hạn phạm vi hoạt động của các nhà đầu tư tài chính trong một khu vực có ranh giới xác định với các quy định về thuế, điều tiết giám sát mang tính mở và cạnh tranh phục vụ cho việc cung ứng dịch vụ offshore tài chính để có thể thu hút một phần giao dịch tài chính trong khu vực.

da-nang

Đà Nẵng có quỹ đất sạch (khoảng 6,17 ha) đã được quy hoạch phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính.

Sau năm 2030, hoặc khi Đà Nẵng có được những điều kiện phát triển nhất định sẽ hỗ trợ nhà đầu tư chiến lược mở rộng khu trung tâm tài chính để trở thành một TTTC khu vực. Các nhà đầu tư trong TTTC có thể xem là nhà đầu tư trong nước và trực tiếp đầu tư vào thị trường trong nước, không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn các lĩnh vực kinh tế khác.

Bên cạnh đó, TTTC quốc tế Đà Nẵng còn hướng đến việc tạo lập môi trường thử nghiệm các giải pháp, công nghệ đổi mới sáng tạo trong hoạt động tài chính; hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp tài chính tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên…

Tại dự thảo đề án, các ngành nghề hoạt động trong TTTC quốc tế Đà Nẵng gồm hai nhóm chính. Cụ thể: Thứ nhất là nhóm các ngành nghề trực tiếp liên quan đến tài chính - ngân hàng. Trong nhóm này bao gồm các dịch vụ tài chính truyền thống (dịch vụ tài chính offshore) và nhóm các ngành công nghệ tài chính (fintech).

Thứ hai là nhóm các ngành nghề phụ trợ như kiểm toán, luật, xếp hạng tín dụng và các dịch vụ tiện ích cao cấp như khu nghỉ dưỡng, casino, vui chơi giải trí cao cấp, khu tổ chức hội nghị quốc tế, triển lãm, văn phòng hạng A.

Nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư

Dự thảo đề án cũng nêu ra một loạt ưu đãi lớn dành cho nhà đầu tư chiến lược như ưu đãi về thuế và tiền thuê đất trong thời gian dài, được tạo điều kiện nhận quyền sử dụng đất để phát triển khu nghỉ dưỡng tích hợp casino và bất động sản.

Cụ thể, để trở thành nhà đầu tư chiến lược thì phải cam kết có mức đầu tư từ 5 tỷ USD, cam kết đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án TTTC Đà Nẵng sau 5 năm được cấp phép; thu hút từ 2-3 tổ chức tài chính hàng đầu thế giới theo danh sách của Fortune Global 500 thành lập tổ chức kinh tế tại trung tâm tài chính Đà Nẵng.

Nhà đầu tư chiến lược được đề xuất hưởng một loạt ưu đãi đặc biệt như: hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 7%/năm trong thời gian 33 năm, miễn thuế 6 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 12 năm tiếp theo. Được miễn tiền thuê đất 20 năm và giảm 65% tiền thuê đất cho thời gian còn lại.

Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư có thể dài hơn nhưng không quá 70 năm. Ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược được tạo điều kiện thuận lợi nhận quyền sử dụng đất để phát triển khu nghỉ dưỡng tích hợp casino và các bất động sản có liên quan đến TTTC.

Đối với các nhà đầu tư thứ cấp, đề án xây dựng các cơ chế nhằm giảm thiểu hoặc miễn trừ các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa và sự tự do kinh doanh của các tổ chức kinh tế trong TTTC tại Đà Nẵng và được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập thấp hơn mức thuế suất thông thường. 

Dự thảo cũng nêu các tổ chức tín dụng nước ngoài được tăng quyền sở hữu cao hơn quy định hiện hành tại Việt Nam về giới hạn sở hữu nước ngoài. Đồng thời đề xuất thành lập sàn chứng khoán mới và chuyên biệt cho các tổ chức kinh tế trong TTTC niêm yết và giao dịch.

Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trong nước có thể huy động vốn trực tiếp từ TTTC Đà Nẵng thay vì phải thông qua các tổ chức tài chính tại Singapore hay Hong Kong như trước đây...

Để thực hiện mục tiêu này, dự thảo đề án nêu TP. Đà Nẵng cần đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết về phát triển TTTC quốc tế quốc tế tại Việt Nam, trong đó lựa chọn Đà Nẵng là một trong những địa phương được định hướng trở thành TTTC quy mô khu vực.

Trước đó, ngày 29/3/2021, UBND TP. Đà Nẵng đã ký Bản thỏa thuận với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (TPPG) về việc tài trợ lập “Đề án xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành TTTC quy mô khu vực”. 

Nguồn: Thành Vân (Theo nhadautu.vn)