Thu hồi dự án “treo” ở Đà Nẵng: Nhiệm kỳ này làm không được thì nhiệm kỳ sau!

8 năm trước

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nói: “Cử tri và các đại biểu thông cảm, thấy dự án chậm triển khai cứ sờ sờ ra đó mà không thu hồi thì sốt ruột, nhưng làm theo luật thì có những dự án phải đến 2019 – 2020 mới xử lý được!”

Nhiều dự án ven biển “treo” nhiều năm, tại sao không thu hồi?

Sáng 10/8, kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX tiến hành phiên thảo luận tại hội trường. 

Tại đây, Đại tá Huỳnh Minh Chức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP cho hay cán bộ, đảng viên và nhân dân Đà Nẵng mong muốn lãnh đạo TP xử lý quyết liệt hơn nữa đối với một số vấn đề, trong đó có vấn đề thu hồi các dự án ven biển chậm triển khai.

Đại tá Huỳnh Minh Chức: "Có nhiều dự ven biển treo nhiều năm, tại sao không thu hồi?" (Ảnh: HC) 

Theo ông Chức, có tình trạng nhiều nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư 2014 trong việc góp vốn, mua cổ phần để sở hữu đất ven biển Đà Nẵng. Dù đất đó không thuộc sở hữu cá nhân người nước ngoài nhưng vẫn thuộc sở hữu của công ty nước ngoài nên họ toàn quyền quyết định sử dụng, họ làm gì trong đó thì chính quyền địa phương không biết, không kiểm tra được.

“Cử tri đề nghị quản lý chặt chẽ quy hoạch đất đai dọc tuyến ven biển. Hiện nay có 22 dự án bất động sản du lịch được cấp phép, trong đó có nhiều dự treo nhiều năm nhưng tại sao không thu hồi? Phải bảo vệ môi trường biển Đà Nẵng, không được để xảy ra sự cố như ỏ một số địa phương thời gian qua!” - Đại tá Huỳnh Minh Chức nói.

Theo ông, khách du lịch đến với Đà Nẵng là nhờ môi trường trong lành, biển không ô nhiễm, an ninh trật tự bảo đảm, con người thân thiện. Bãi biển Đà Nẵng vốn có tiềm năng phát triển du lịch nhưng cũng là địa bàn, là hướng quan trọng trong thế trận phòng thủ không chỉ của TP mà cả miền Trung – Tây Nguyên. Vì vậy cử tri đề nghị sớm thu hồi các dự án không triển khai.

“Và khi cấp phép đầu tư các dự án có yếu tố nước ngoài cần cân nhắc kỹ các khu vực nhạy cảm về an ninh quốc gia ở dọc tuyến ven biển, bán đảo Sơn Trà, núi Ngũ Hành Sơn, đèo Hải Vân... Nên tranh thủ ý kiến các cơ quan có chức năng cùng tham gia thẩm định về môi trường, về an ninh quốc gia để thuận lợi trong phát triển kinh tế mà không ảnh hưởng đến thế trận quốc phòng và an ninh!” – Đại tá Huỳnh Minh Chức nêu ý kiến.

Kiến nghị công khai việc xử lý các dự án chậm triển khai

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thanh ủy Đà Nẵng cũng nhắc lại thông tin từ báo cáo thẩm tra của ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng cho hay, đối với các dự án chậm triển khai ở khu vực ven biển, đến nay chỉ mới thu hồi được 01 dự án vào năm 2015. Theo bà, đây là vấn đề mà người dân TP đang rất quan tâm.

Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng Trần Văn Sơn: Thu hồi dự án chậm triển khai phải theo luật! (Ảnh: HC)

“Thành ủy đã chỉ đạo hồi tháng 7/2015, HĐND TP khóa VIII có Nghị quyết số 111 về việc xử lý thu hồi các dự án ven biển chậm triển khai. Tôi biết thời gian qua UBND TP đã có những nỗ lực và động thái tích cực để xử lý, đã mời đại diện Bộ KH-ĐT, Tư pháp, TN-MT, Đại học Luật... để tư vấn cho TP vì đây là vấn đề khó. Nhưng tôi nghĩ dù khó đến mấy thì chúng ta cũng phải làm. Người dân sẽ đồng tình, đồng hành cùng với chính quyền trong việc này. Vấn đề là TP có quyết tâm, quyết liệt hay không?” – bà Lê Thị Mỹ Hạnh nói.

Theo bà, trong thời gian tới, TP cần tiếp tục đôn đốc các dự án này triển khai, nếu họ vẫn không có động thái gì thì cần quyết liệt đến cùng để thu hồi. Đồng thời HĐND TP tăng cường giám sát đến cùng việc xử lý vấn đề này. Đặc biệt, bà kiến nghị công khai hóa việc xử lý các dự án nêu trên cho người dân biết, giám sát và cùng chính quyền TP đương đầu với vấn đề khó khăn này.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, quyết tâm thu hồi các dự án ven biển chậm triển khai là có nhưng làm mãi chưa được khiến cử tri sốt ruột. Vì vậy ông đề nghị Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Văn Sơn nói cho rõ cử tri biết việc thu hồi các dự án kể trên như thế nào, có dễ hay không, có phải muốn thu là thu được liền nhưng lại không tiến hành, nhất là với những dự án nhà đầu tư đã nộp tiền đất và đã được cấp sổ đỏ...

Ông Trần Văn Sơn cho hay, trong 22 dự án bất động sản du lịch có 14 dự án ở ven biển, 08 dự án ở khu vực ven đô và trung tâm TP. Đến nay đã có 08 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm và tạo diện mạo đô thị cho Đà Nẵng rất tốt. 14 dự án còn lại thuộc diện chậm tiến độ thì thời gian qua Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo rất quyết liệt, thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát tất cả các thủ tục pháp lý về đất đai, chứng nhận đầu tư... đối với từng dự án, yêu cầu tất cả chủ đầu tư của các dự án này ký cam kết tiến độ.

Có những dự án đến hết nhiệm kỳ này mới... xử lý được!

“Chúng ta cứ nói thu hồi nhưng bây giờ phải thu theo luật. Theo quy định hiện hành của Luật Đất đai, Luật Môi trường thì khi dự án chậm triển khai cho phép gia hạn 24 tháng. TP cũng đã mời đại diện các Bộ, ngành hữu quan và một số cơ quan pháp luật để tư vấn. Các Bộ đều đồng tình cho phép các dự án chậm triển khai gia hạn 24 tháng. Sau thời hạn đó, nếu dự án nào cố tình không triển khai thì TP sẽ chấm dứt hoạt động và có biện pháp thu hồi. Còn vấn đề đền bù như thế nào thì tùy theo mức độ mà TP sẽ xử lý tiếp sau khi thu hồi!” – ông Trần Văn Sơn nói.

Ông Nguyễn Xuân Anh: "Thà mình công bố công khai để nhiệm kỳ này làm không được thì nhiệm kỳ sau làm!" (Ảnh: HC)

Theo đó, đến thời điểm này, hầu hết các dự án chậm triển khai đều đã ký cam kết gia hạn tiến độ với TP Đà Nẵng, trừ một vài dự án chưa thực hiện do điều chỉnh quy hoạch. UBND TP Đà Nẵng cũng giao Sở KH-ĐT kiểm tra tiến độ trong thời gian ký cam kết, yêu cầu các dự án phải báo cáo thường xuyên. Cứ đến thời điểm mà không triển khai thì tiến hành thu hồi theo quy định.

Ông Nguyễn Xuân Anh đề nghị thực hiện như đề xuất của đại biểu Lê Thị Mỹ Hạnh là công bố công khai danh sách các dự án đã được gia hạn 24 tháng và sau thời hạn này sẽ tiến hành thu hồi nếu vẫn không triển khai (có mốc thời gian ngày, tháng, năm cụ thể). Ông Trần Văn Sơn cho hay đã có báo cáo chi tiết cho HĐND TP về tình hình của từng dự án.

“Nhiều dự án có nhiều tiến độ khác nhau. Ví dụ có dự án đến 2017 là hết hạn, họ được gia hạn thêm 2 năm tức là đến 2019. Có dự án 2019 hết hạn phải gia hạn đến 2021. Và trong đó TP có yêu cầu các nhà đầu tư phải nộp phạt cho 24 tháng gia hạn đó, tức là thu thêm tiền sử dụng đất tương đương với mức mà TP đã thu trước đây đối với dự án đó!” – ông Trần Văn Sơn cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Anh chốt lại: "Nói như vậy là có những dự án mà đến hết nhiệm kỳ HĐND này mới có thể xử lý vì phải theo cam kết tiến độ và quy định gia hạn của luật. Không thể làm trái được vì luật quy định như thế, nếu làm trái sẽ bị người ta kiện. Rất kẹt ở chỗ đó, nhưng cũng phải công bố công khai. Thà mình công bố công khai để người ta thấy nhiệm kỳ này làm không được thì nhiệm kỳ sau làm. Nhiệm kỳ sau thấy dự án này đã gia hạn đến 2021 thì chiếu theo đó mà xử lý. Trách nhiệm của mình đến mức độ nào thì mình làm đến mức độ đó!”.

HẢI CHÂU