Thống nhất cơ chế ưu đãi đầu tư, tài chính, ngân sách cho Đà Nẵng

8 năm trước

* Nâng mức huy động vốn từ 30% lên 40%

Chiều 11-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp thứ 50 để xem xét một số nội dung về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Về phía lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại phiên họp.                      Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tăng tính đột phá để phát triển

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình của Chính phủ xin ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

Tờ trình nêu rõ: Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Kết luận số 75-KL/TW (khóa XI) ngày 12-11-2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Bộ Chính trị đã giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hiện hành; kiểm tra, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, ban hành các cơ chế chính sách mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thành phố Đà Nẵng phát triển.

Nhất là về thẩm quyền quyết định đầu tư, tài chính, ngân sách, tạo cơ sở để giải quyết các khó khăn về nguồn lực; huy động nguồn lực để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được đặt ra nhằm xây dựng Đà Nẵng là thành phố động lực của khu vực, trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Chính phủ cho rằng, để tạo thuận lợi cho Đà Nẵng trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư phát triển thì cần tăng tính đột phá về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý để phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

Phát biểu tại phiên họp, các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển đều thống nhất việc xem xét, ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng là rất xứng đáng và cần thiết trong thời điểm hiện nay, bởi thành phố rất cần những nguồn lực quan trọng về tài chính, ngân sách để phát triển xứng tầm với vai trò, vị trí thành phố động lực khu vực miền Trung - đô thị hiện đại của đất nước. Hai nội dung lớn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận là thống nhất nâng huy động vốn và mức hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho thành phố tương ứng 70% số tăng thu so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố còn lại…

Nâng mức huy động vốn từ 30% lên 40%

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, thành phố Đà Nẵng phát triển trong thời gian qua một phần nhờ huy động nhiều nguồn lực và sử dụng vốn phát huy hiệu quả rõ nét. Về những vấn đề trọng tâm nêu trong dự thảo Nghị định, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề xuất để có nguồn lực lớn phục vụ đầu tư phát triển, cần nâng mức huy động vốn hơn 30% tổng thu ngân sách thành phố Đà Nẵng được hưởng theo phân cấp quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Nẵng cần có những quy định cao hơn Luật Ngân sách 2015 bởi vai trò, vị trí của Đà Nẵng rất quan trọng. Đà Nẵng đã phát triển rất nhanh và xứng đáng được đầu tư mạnh hơn, ưu đãi hơn để xây dựng và phát triển gắn đột phá mới, sáng tạo hơn nữa. Việc ban hành Nghị định về cơ chế ưu đãi đặc thù sẽ có ý nghĩa then chốt, tạo thuận lợi bằng sự tranh thủ các nguồn lực và động lực quan trọng để phát triển Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW và Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, một số nội dung trong dự thảo Nghị định, thẩm quyền Chính phủ xem xét theo đúng tinh thần của các luật hiện hành. Bên cạnh đó, Đà Nẵng phải cân đối giữa vay và bảo đảm nguồn tài chính trả nợ vay.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quan đểm cần nâng mức huy động vốn từ 30% lên 40% và đề nghị kiểm soát chặt chẽ nợ công và bội chi. Huy động vốn tốt nhưng phải đi liền các phương án trả nợ vay tốt.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thống nhất các ý kiến của Ủy viên Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng sẽ được Chính phủ hoàn thiện và ban hành trong thời gian đến, áp dụng từ ngày 1-1-2017.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nâng mức huy động vốn từ 30% lên 40% tổng thu ngân sách thành phố Đà Nẵng được hưởng theo phân cấp quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. Bổ sung có mục tiêu cho thành phố tương ứng 70% số tăng thu so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố còn lại và 70% số tăng thu so với dự toán các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100%.  

Những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định bao gồm cơ chế huy động nguồn vốn đầu tư cho phát triển. Trong đó, tổ chức huy động vốn đầu tư trong nước thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức huy động khác. Tổng nguồn vốn huy động không vượt quá 100% tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong ngân sách địa phương. Từ năm 2017, ngân sách của thành phố được phép bội chi và mức dư nợ vay thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. Ưu tiên hỗ trợ một phần vốn từ nguồn ngân sách Trung ương để tham gia thực hiện các dự án PPP mang tính chất phục vụ cấp vùng trên địa bàn thành phố. Ưu tiên bố trí đủ vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các dự án mang tính chất khu vực miền Trung - Tây Nguyên...

VIỆT DŨNG