TẠO ĐỘNG LỰC THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO ĐÀ NẴNG

4 năm trước

Một trong những thành tựu quan trọng của thành phố trong giai đoạn 2015-2020 là thu hút đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục có hiệu quả, góp phần phát huy các nguồn lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển, tạo thế và lực mới cho những giai đoạn tiếp theo.

Với hạ tầng được đầu tư đồng bộ, Đà Nẵng được kỳ vọng tiếp tục là điểm sáng thu hút đầu tư trong cả nước.  Ảnh: KIM LIÊN

Với hạ tầng được đầu tư đồng bộ, Đà Nẵng được kỳ vọng tiếp tục là điểm sáng thu hút đầu tư trong cả nước. Ảnh: KIM LIÊN

Nhiều diễn đàn thu hút đầu tư hiệu quả

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Phước Sơn cho biết, phát huy vai trò là cơ quan tham mưu trong công tác thu hút đầu tư, tiếp nối thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và Diễn đàn đầu tư 2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu lựa chọn chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, tổ chức thành công Tọa đàm mùa Xuân 2018 và 2019, để lại ấn tượng tốt đẹp với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về một Đà Nẵng năng động, hiện đại, giàu tiềm năng, nâng cao vai trò, vị thế của thành phố.

Trong 5 năm qua, thành phố thu hút 52 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 68.419 tỷ đồng. Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), thành phố đã thu hút 521 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 1,042 tỷ USD; có 60 dự án tăng vốn, tổng vốn tăng thêm đạt 144,5 triệu USD và có 605 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng vốn 211,812 triệu USD.

Hoạt động đầu tư của các thành phần kinh tế diễn ra khá sôi động và có bước khởi sắc. Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước cơ bản hoàn thành. Khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn có bước phát triển mới; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố. Lũy kế đến nay, thành phố có 700 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 145.646 tỷ đồng (trong đó: 339 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp vốn đầu tư 120.898 tỷ đồng) và 867 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 3,517 tỷ USD.  

Kết quả này cho thấy các chính sách, hành động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính và đặc biệt là công tác hỗ trợ, xử lý vướng mắc, kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư mà Đà Nẵng triển khai trong những năm qua là hiệu quả và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực, nhất là các chương trình Tọa đàm mùa Xuân, Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư cũng như việc ban hành và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Có thể khẳng định, một khi thực hiện cải thiện môi trường đầu tư của thành phố theo hướng thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thì ở đó khu vực kinh tế tư nhân được khơi dậy và có sự phát triển và dần trở thành động lực quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Các dự án ODA về xây dựng cơ sở hạ tầng, môi trường đô thị đã và đang góp phần không nhỏ trong việc thay đổi bộ mặt đô thị thành phố Đà Nẵng thông qua việc cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường tại các khu vực ô nhiễm, thoát nước thải, nước mưa; cung cấp các dịch vụ cơ sở hạ tầng cho cộng đồng dân nghèo; cải thiện điều kiện y tế cho Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, mang lại hiệu quả gián tiếp lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và khu vực. 5 năm qua, thành phố huy động tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt hơn 187.000 tỷ đồng, tăng 3,7%/năm. Những con số trên đã minh chứng cho thay đổi về môi trường kinh doanh ngày một thuận lợi, đặc biệt là thu hút đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại thành phố.

Đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0

Trong giai đoạn tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư theo định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân cho các dự án, đặc biệt đối với các dự án gắn với giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép xây dựng... Đồng thời, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hiện hữu, tạo niềm tin của nhà đầu tư vào chính sách đầu tư của thành phố qua đó tranh thủ mời gọi các nhà đầu tư mới, các nhà đầu tư chiến lược.

Tiếp tục hỗ trợ các dự án đang hoạt động trên địa bàn thành phố mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng vốn đầu tư và tích cực tìm kiếm các dự án tiềm năng để làm cơ sở cho hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư trong những năm tiếp theo. Đi liền với đó là tiếp tục phối hợp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó sau Covid-19; rà soát, đánh giá hiệu quả và đề xuất cụ thể đối với các chính sách triển khai không hiệu quả.

Ông Trần Phước Sơn cho biết, từ phục hồi kinh tế đến phát triển kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư xác định lĩnh vực thu hút đầu tư làm nhiệm vụ trọng tâm để đón đầu những thời cơ cho sự phát triển mới của thành phố trong xu thế “làn sóng” dịch chuyển đầu tư; định vị lại thị trường cùng xây dựng chuỗi giá trị kinh tế. Trên cơ sở đó, thời gian đến Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu UBND thành phố ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghiệp công nghệ thông tin, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới, các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ... Ưu tiên xúc tiến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững.

Thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ chất lượng cao, các dự án dịch vụ (trung tâm thương mại, cửa hàng miễn thuế, trường quốc tế, bệnh viện quốc tế...), góp phần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại các thị trường quan trọng để thu hút làn sóng đầu tư; tiếp cận và mời gọi các công ty xuyên quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ..., nhất là trong bối cảnh các quốc gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư trên thế giới có xu hướng dịch chuyển thị trường đầu tư sau tác động của đại dịch Covid-19. 

Một số giải pháp khác cũng được thực hiện như sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển dài hạn Khu Công nghệ cao theo đúng định hướng trở thành một Khu Công nghệ cao đa chức năng cấp quốc gia, các dịch vụ phát triển theo hướng tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; chú trọng nâng cấp chất lượng cung cấp dịch vụ cho các chuyên gia, nhà khoa học, người lao động làm việc tại Khu Công nghệ cao.

Tiếp đó, rà soát, cập nhật danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư để phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các dự án đầu tư mới, không cấp phép các dự án đầu tư sử dụng hoặc đưa vào công nghệ và thiết bị lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc làm giảm tính cạnh tranh, làm chậm tốc độ phát triển và hội nhập của nền kinh tế. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư theo nhiều hình thức phù hợp, nhất là tập trung trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục - thể thao, du lịch.

Tăng cường chuyển giao cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội có đủ năng lực đảm nhiệm một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính mà các cơ quan hành chính Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá về thành phố Đà Nẵng thông qua các phương tiện truyền thông, diễn đàn, hội thảo, hội nghị, kết hợp xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong các sự kiện nhằm tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư vào thành phố.

5 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất vào thành phố Đà Nẵng hiện nay lần lượt là: Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ, đảo British Virgin (Quần đảo Virgin thuộc Anh) và Hàn Quốc. Riêng giai đoạn từ 2015 đến nay, Nhật Bản (424,65 triệu USD), Singapore (207,69 triệu USD), Hàn Quốc (137,92 triệu USD) là 3 đối tác lớn nhất đầu tư vào Đà Nẵng.

Nguồn: D.M (Theo baodanang.vn)