Tản mạn về Đà Nẵng

8 năm trước

Tôi sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo thuộc xã Hoà Đa, huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (Nay là phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Huyện Hoà Vang và thành phố Đà Nẵng là hai vùng đất có tên gọi khác nhau nhưng cùng chung "một cội". Chính vì thế, năm 1997, khi thành phố Đà Nẵng tách ra và trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương thì huyện Hoà Vang trở thành đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng chứ không phải là huyện Điện Bàn, thị xã Hội An, đó là lẽ thường tình.

 Nói như thế để thấy rằng: Khi nhận xét về Đà Nẵng, tôi là người trong cuộc. Bởi vì, xã Hoà Đa là vùng đất giáp ranh của nội thành Đà Nẵng và trong kháng chiến chống Mỹ, thôn Trung Lương, xã Hoà Đa được xem như là căn cứ lõm của Cách mạng. Mà đã là người trong cuộc thì sẽ nhìn nhận cụ  thể, toàn diện và xác thực hơn.

Tôi là lứa đầu tiên của thế hệ 5X. Trước ngày giải phóng Đà Nẵng 29/3/1975, là thanh niên phơi phới tuổi thanh xuân, nhà tuy nghèo nhưng được học hành, có hiểu biết, ít nhiều cũng có tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, được ăn ở, học tập tại thành phố Đà Nẵng.
 
Từ sau ngày giải phóng Đà Nẵng cho đến nay, tôi là cán bộ, công chức nhà nước, đã sống và chứng kiến những bước thăng trầm của thành phố qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn: Thời kỳ bao cấp, thời kỳ đổi mới; thời kỳ thành phố trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương.
 
Tuổi tác, quá trình sống, học hành và làm việc ở Đà Nẵng với ngần ấy thời gian, qua nhiều thời kỳ khác nhau sẽ giúp cho tôi có được sự nhìn nhận, so sánh Đà Nẵng xưa và nay một cách khách quan, cụ thể hơn, dẫu biết rằng: mọi sự so sánh đều khập khiểng.
 
Theo thông lệ, để làm luận cứ cho một vấn đề nào đó mà mình cần phân tích, đánh giá, kết luận thì người ta thường hay trích dẫn những quan điểm trong các Nghị quyết của Đảng; các bài viết, bài phát biểu của các vị lãnh đạo. Nhưng trong nội dung luận bàn này về Đà Nẵng, tôi xin được trích dẫn nhận xét của cha tôi, một nông dân nghèo, chất phác, trình độ "đại học chữ to". Năm 2008, ông 87 tuổi và đã mất cách đây 07 năm, nhận xét về sự đổi thay của Đà Nẵng như sau: "Cha năm nay đã 87 tuổi, sống qua nhiều chế độ, nhưng không có chế độ nào bằng chế độ Cách Mạng, chỉ có Cách Mạng mới làm cho dân mình đổi đời thôi con ơi!". Rồi ông nói tiếp: "Con thấy không, hồi xưa làm gì có đầu để thắp, con phải đi hái trái mù u về xắt lát xâu dây thép phơi khô, tối đến đốt để thắp sáng. Bây giờ đèn điện sáng choang từ thành phố đến thôn quê. Đường sá quê mình là đường đất, đến mùa mưa bão, bùn lội đến đầu gối. Bây giờ đường bê tông, đường nhựa láng đến tận nhà. Khi xưa, cha mẹ làm 7 sào ruộng, cực "thấy cha, thấy ông" nhưng không đủ gạo để ăn, đói lên, đói xuống. Bây giờ em của con chỉ làm 2 sào ruộng nhưng giống mới, thuỷ lợi, phân bón, kỹ thuật...dư ăn, dư để...."
 
Từ những câu nói mộc mạc, chân thành của cha tôi, tôi nghiệm ra một điều: chân lý bao giờ cũng cụ thể. Bác Hồ đã từng trăn trở "Độc lập tự do rồi mà dân vẫn đói, dân vẫn rét, dân vẫn không được học hành thì độc lập tự do ấy không có ý nghĩa gì cả..."
 
Đà Nẵng xưa và nay - một sự đổi thay diệu kỳ. Bước phát triển nhảy vọt có sự thay đổi về chất trong quá trình vận động, phát triển của thành phố Đà Nẵng. Tuy không phân tích, lý giải rườm rà nhưng qua nhìn nhận của cha tôi, tôi đã hiểu: Sự đổi thay diệu kỳ đó vì sao mà có - đó chính là do Cách mạng, Bác và Đảng ta đem lại.
 
 
Đà nẵng- bến bạch đằng 3/1975
 
Cảnh nhà chồ bờ đông sông hàn trước năm 1997
 
Có lẽ do sống, ăn ở, làm việc, sinh hoạt tại Đà Nẵng quá lâu nên cảm nhận của tôi về Đà Nẵng không giống như những người con Đà Nẵng xa quê hương lâu ngày về lại. Có những người xa quê từ trước ngày giải phóng Đà Nẵng hay trước ngày chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nay về lại quê hương họ hết sức ngạc nhiên, ngỡ ngàng: Sao Đà Nẵng đổi thay diệu kỳ đến thế! Đổi thay từng con đường, mái nhà, góc phố cho đến từng con người...
 
 
Biển Đà Nẵng xanh – sạch, với những con đường rộng rãi và rợp bóng cây
 
Đường sá nhiều hơn, rộng rãi, khang trang, sạch đẹp hơn. Những hàng cây xanh hai bên đường toả mát. Những dãi phân cách, trục giao thông rợp cây cảnh và hoa. Đường Phạm Văn Đồng, đường Sơn Trà - Điện Ngọc, đường Nguyễn Tất Thành, đường Điện Biên Phủ...lúc nào cũng thông thoáng, mỹ quan do bàn tay chăm chút tận tình của những người công nhân Công ty cây xanh, Công ty vệ sinh  ngày đêm hết lòng vì công việc. Sông Hàn giữa lòng thành phố với 02 đường ven sông thơ mộng, là nơi bách bộ, thư giãn, giải trí cho nhân dân sau một ngày lao động mệt nhọc. Không còn cảnh chật chội; rác rưởi; chen lẫn bán hàng ở dọc bờ sông. Không còn cảnh nhà chồ tạm thời, nhếch nhác, bẩn thỉu tồn tại  khá lâu trên sông Hàn...
 
Không gian đô thị Đà Nẵng được mở rộng ra khoáng đảng hơn, những nhà cao tầng vừa mới mọc lên xen kẽ với những dãy phố mới hình thành với dáng vẻ kiến trúc vừa mang dáng dấp hiện đại, vừa mang bản sắc văn hoá Đà Nẵng. Không xô bồ, pha tạp như kiểu: "Em ơi Hà Nội chóp", không còn cảnh "đứng bên ni sông Hàn ngó qua bên tê sông Hàn nước xanh như tàu lá. Đứng bên ni sông Hàn ngó qua bên tê sông Hàn thấy  phố xá nghênh ngang"; không còn cảnh chờ phà, nhất là về mùa đông "mỏi mòn cả mắt".
Bây giờ những "nhịp cầu đã nối những bờ vui". Những cây cầu xinh đẹp, hiện đại, thuận tiện cho người dân đi lại, xoá dần khoảng cách đời sống mọi mặt của người dân nội thành, ngoại thành; không còn cái cảnh "con gái Quận Ba bằng  bà già Quận Nhất"...
 
Đà nẵng đẹp lung linh ngày nay
 
Ban đêm, nhìn những sắc màu lung linh của ánh sáng đèn điện trang trí dọc theo tuyến đường hai bên bờ sông Hàn và trên các cây cầu sông Hàn, Thuận Phước, cầu Rồng, Cầu Trần Thị Lý... làm cho tâm hồn người dân thành phố cũng như du khách rộn ràng, lâng lâng khó tả....
Lưu lượng xe đạp trên các ngã đường thành phố ít và thưa dần, thay vào đó, xe mô tô đời mới, xe ô tô biển số "trắng - đen" xuất hiện ngày càng nhiều...Các khách sạn, nhà hàng, các quán cà phê, các siêu thị, các shop, các cửa hàng ngày càng nhộn nhịp.
Chương trình thành phố "5 không" “3 có” tiếp tục triển khai  hiệu quả. Ai đến với Đà Nẵng cũng đều có chung một nhận xét: Đà Nẵng - Thành phố sạch - Thành phố an ninh - Thành phố an toàn. 
 
Đường bạch đằng năm 1971 và bây giờ
 
Trụ sở UBND Thành phố Đà Nẵng 'năm 65 & nay’
 
Kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng ngày càng khởi sắc và phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Chỉ số cạnh tranh nhiều năm đứng đầu cả nước. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tăng lên hàng năm, nằm trong "topten" của cả nước. Nếu xếp chỉ số HDI thì có lẽ Đà Nẵng không nằm ngoài "topten" đó.
 
Cái được của Đà Nẵng qua 40 năm giải phóng, 29  năm đổi mới và nhất là qua 18 năm tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng là khá lớn. So với thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng thì Đà Nẵng là thành phố trẻ, đang ở độ tuổi "tằm ăn lên". Vì thế, sẽ không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót, thậm chí sai lầm, khuyết điểm trong quá trình xây dựng, phát triển đi lên, âu đó cũng là chuyện  thường tình. Vấn đề quan trọng là ở chỗ: "Biết nhận ra và sửa chữa".
 
Quy hoạch, xây dựng Đà Nẵng chưa mang tầm chiến lược, chưa gắn kết với quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái như: Sự bất hợp lý trong quy hoạch xây dựng Công Viên Nước để bây giờ phải phá bỏ; Siêu thị 29/3 chưa phát huy hiệu quả; Kè đường Nguyễn Tất Thành bị hư hỏng nặng. Tiến độ thi công một số công trình trọng điểm, các khu tái định cư chậm so với yêu cầu. Chất lượng một số công trình chưa đảm bảo. Những nhà hàng, Resort quy hoạch xây dựng quá sát biển, ảnh hưởng đến đường biển du lịch Sơn Trà - Điện Ngọc và sẽ làm ô nhiễm môi trường biển. 
 
Vị trí địa lý của Đà Nẵng thuận lợi nhưng chưa quy hoạch xây dựng được những điểm dịch vụ vui chơi, giải trí mang tầm cỡ quốc tế như: Chenting Malaixia; Bali Indonexia, Pattaya Thái Lan, Đại Nam của Bình Dương, Suối Tiên, Đầm Sen của thành phố Hồ Chí Minh...
 
Một số dự án trong nước cũng như nước ngoài triển khai quá chậm như: Dự án Vũ Châu Long bên cạnh nhà hát Trưng Vương; các dự án ở đường Phạm Văn Đồng gần sát biển, đường 2/9...đó là chưa đề cập đên chuyện "sang tên đổi chủ"....
 
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp bắt đầu từ năm 2010 nhưng chuẩn bị cho sự chuyển dịch này thì lại quá chậm. Nhân lực trên lĩnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại...thiếu về số lượng và kém về chất lượng. Chưa xác định rõ các ngành dịch vụ mà thành phó có lợi thể để từ đó có sự đầu tư hiệu quả cả về tài chính, cơ sở vật chất, con người...
 
Chưa xây dựng được các điểm dịch vụ vui chơi, giải trí; dịch vụ thương mại mang thương hiệu Đà Nẵng để lôi cuốn khách du lịch trong và ngoài nước.
 
Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn khó khăn và thách thức nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố Đà Nẵng vẫn ổn định và khá cao, đây là tín hiệu đáng mừng, thế nhưng chưa vững chắc, quy mô kinh tế nhỏ, chất lượng thấp, phát triển kinh tế chủ yếu vẫn theo chiều rộng. Sự phân hoá giàu, nghèo của nhân dân thành phố có xu hướng ngày càng dãn ra: tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới vẫn còn nhiều.
 
Lĩnh vực văn hoá - xã hội vẫn còn bức xúc như: giáo dục đạo đức, truyền thống ở các nhà trường còn hạn chế, tình trạng học sinh, thiếu niên hư tuy không nhiều nhưng vẫn còn, đang là mối quan tâm của toàn xã hội.Đầu tư cho văn hoá, văn nghệ, nhất là đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá còn ít...
 
Mặc dù triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an sinh xã hội nhưng do tác động của suy giảm kinh tế nên việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là người làm công ăn lương, đối tượng chính sách, người nghèo, nông dân và đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng giải toả vẫn còn khó khăn...
 
Những "cái được" và  "cái chưa được" trên đây tạo thành một bức tranh tổng thể về Đà Nẵng với những gam màu sáng, tối khác nhau, nhưng trong đó, nổi trội vẫn là những gam màu sáng, rực rỡ và tràn đầy hy vọng về một tương lai tươi sáng của thành phố biển xanh - sạch - đẹp và hiện đại, văn minh./.
Trần Văn Thiết