Quảng Nam-Đà Nẵng-Thừa Thiên Huế: Liên kết hợp tác cùng phát triển

6 năm trước

Để thúc đẩy liên kết hợp tác cùng phát triển, từ đầu năm 2018 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức các buổi làm việc để tăng cường hợp tác, tạo động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Thời gian tới, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế sẽ triển khai nhiều hoạt động hợp tác cụ thể, đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực, trong đó đẩy mạnh phối hợp thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan.         Ảnh: T. Lê
Thời gian tới, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế sẽ triển khai nhiều hoạt động hợp tác cụ thể, đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực, trong đó đẩy mạnh phối hợp thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan. Ảnh: T. Lê

Sát cánh cùng phát triển

Hơn 20 năm kể từ ngày chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, hai địa phương vẫn luôn giữ gìn truyền thống gắn bó mật thiết anh em ruột thịt. Tuy có những điều kiện và định hướng phát triển khác nhau, nhưng lãnh đạo cả hai địa phương đều thống nhất quan điểm “sự phát triển của Đà Nẵng cũng là của Quảng Nam và sự phát triển của Quảng Nam cũng là của Đà Nẵng”.

Trên tinh thần đó, cách đây 10 năm, Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng ban hành Kết luận số 08-KL/TUĐN-TUQN về các nội dung hợp tác cùng phát triển. Hai địa phương đã triển khai nhiều hình thức giao lưu, hợp tác, liên kết, hỗ trợ phát triển đạt kết quả rất cụ thể về kinh tế-xã hội.

Kết quả nổi bật về hợp tác phát triển trong 10 năm qua là hai địa phương đã cùng kiến nghị Trung ương và chủ động đầu tư, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng.

Nhiều công trình kết nối về giao thông đã đưa vào sử dụng, như: các đường nối Đà Nẵng-Hội An; quốc lộ 1A, 14B nâng cấp, đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đã mở ra cơ hội phát triển tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương… Đà Nẵng và Quảng Nam thực hiện thành công chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Thừa Thiên Huế, thống nhất tên gọi “Ba địa phương-Một điểm đến”, tổ chức chương trình giới thiệu tiềm năng du lịch. 3 địa phương cùng khai thác “Con đường di sản miền Trung”, tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, các tour du lịch, lịch sử văn hóa, sinh thái… góp phần tăng du khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế.

Cho đến nay, Văn phòng Đà Nẵng tại Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ Quảng Nam tăng cường quan hệ, hợp tác quốc tế, xúc tiến đầu tư vào Khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc, Khu kinh tế mở Chu Lai và hỗ trợ giới thiệu các dự án phi chính phủ về giáo dục, tổ chức các hội thảo chuyên đề.

Hai bên đã phối hợp để lập, quản lý quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng giữa hai địa phương; phối hợp kiểm soát nghiêm ngặt về môi trường các vùng giáp ranh; phối hợp quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên của hai địa phương, nhất là khai thác cát sạn trên sông. Đà Nẵng đã hỗ trợ gần 200 tỷ đồng giúp Quảng Nam thực hiện công tác an sinh xã hội.

Lãnh đạo hai địa phương đều nhấn mạnh nội dung khớp nối quy hoạch không gian đô thị, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là khu vực giáp ranh Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An. Hai địa phương đặc biệt quan tâm đến dự án khơi thông sông Cổ Cò và dự án Làng đại học Đà Nẵng.

Theo đó, hai địa phương thống nhất đi cùng với nạo vét lòng sông, cần phải thuê một đơn vị tư vấn quốc tế tầm cỡ thực hiện quy hoạch đô thị hai bên sông cho cả Quảng Nam và Đà Nẵng. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa khẳng định, việc khớp nối quy hoạch tạo sự giao thoa không gian đô thị giữa hai địa phương rất cần thiết cho sự phát triển.

“Với Đà Nẵng, Quảng Nam luôn là anh em một nhà, luôn đồng hành trong sự phát triển của mình”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nói. Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cho biết, Quảng Nam đang nghiên cứu quy hoạch đô thị hai bên sông Vĩnh Điện kết nối với thị xã Điện Bàn và đề xuất Đà Nẵng cùng phối hợp hình thành một trục kết nối đô thị mới giữa hai địa phương.

Đến dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Đặc Khu ủy Quảng Đà (21-10-1967 - 21-10-2017) do Thành ủy Đà Nẵng phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh bài học về việc thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà là để Đảng có thể sát dân, sát cơ sở qua đó lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, trúng và đúng.

Cũng như sau này, vào năm 1997, Đảng và Nhà nước lại quyết định chia tách Quảng Nam-Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng để tạo điều kiện cho hai địa phương này cùng phát triển. “Dù đã 20 năm chia tách nhưng lòng người dân xứ Quảng không chia, vì cả Quảng Nam và Đà Nẵng đều có cùng một nền văn hóa, cùng nhịp đập trái tim.

Đặc biệt là gần đây, hai địa phương đã phối hợp để cùng phát triển du lịch, cùng xử lý những vấn đề đặt ra, cùng sử dụng hạ tầng chung. Đó là truyền thống đáng quý đối với Quảng Nam-Đà Nẵng và cũng rất đáng quý trong hiện tại khi đoàn kết là sức mạnh để phát triển. Tách hai địa phương mà không phối hợp tốt thì sẽ ảnh hưởng lẫn nhau”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ.

Mở rộng liên kết vùng

Mối quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế ngày càng được thắt chặt với nhiều hoạt động hợp tác cụ thể trên nhiều lĩnh vực như phát triển kinh tế, du lịch, giáo dục, phối hợp bảo đảm an ninh quốc phòng…

Trong hợp tác phát triển du lịch, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều chương trình cụ thể như Chương trình liên kết du lịch ba địa phương Quảng Nam-Đà Nẵng-Thừa Thiên Huế được ký kết từ năm 2006. Qua hơn 10 năm triển khai hợp tác liên kết đã mang lại hiệu quả tốt với thuận lợi về khai thác vị trí địa lý của ba địa phương.

Đặc biệt, vào tháng 8-2016, ba địa phương tiếp tục mở rộng liên kết với Hà Nội thông qua Chương trình hợp tác phát triển du lịch Hà Nội-Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam giai đoạn 2016-2020. Thông qua đó, các hoạt động liên kết quảng bá du lịch được thực hiện ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả, tiết kiệm được ngân sách cho từng địa phương.

Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng luôn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc vùng giáp ranh có nguyện vọng được vào học tại các trường lân cận của thành phố Đà Nẵng.

Công tác phối hợp bảo đảm quốc phòng-an ninh giữa hai địa phương được tăng cường nhằm bảo đảm an ninh, trật tự các vùng giáp ranh giữa hai địa phương, gồm: huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu thuộc thành phố Đà Nẵng.

Đặc biệt, hai địa phương hợp tác chặt chẽ, hoàn thiện thủ tục để công nhận Hải Vân quan là di tích cấp quốc gia; từ đó có cơ sở để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa-lịch sử tại di tích này.

Để tiếp tục nâng tầm quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế trong thời gian tới, hai địa phương thống nhất tiếp tục đẩy mạnh liên kết, hợp tác, kết nối các chương trình phát triển du lịch, dịch vụ, xúc tiến thương mại của hai địa phương; hợp tác phát triển thương mại trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây; kiểm soát quản lý thị trường; thực hiện Chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch gắn kết giữa ba địa phương Quảng Nam-Đà Nẵng-Thừa Thiên Huế; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của hai địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trao đổi, giao lưu, hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh, khuyến khích tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn mỗi địa phương.

Hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cộng tác, đồng thuận trong liên kết Vùng duyên hải miền Trung và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.


SƠN TRUNG-QUỐC KHẢI - baodanang.vn