PHÁT TRIỂN ĐÀ NẴNG THÀNH TRUNG TÂM TÀI CHÍNH KHU VỰC MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

3 năm trước

Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Đà Nẵng  đề xuất Trung ương quyết định chủ trương xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực. Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, để phát triển Đà Nẵng thành trung tâm tài chính khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần có sự đầu tư đồng bộ từ cơ sở hạ tầng và nhân lực cùng cơ chế, chính sách phù hợp. Đây cũng là nội dung được đề cập trong Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Thúc đẩy hình thành cơ sở hạ tầng phục vụ cho các tổ chức tài chính là bước đầu để thu hút các công ty tài chính tới Đà Nẵng.  Trong ảnh: Tuyến đường Nguyễn Văn Linh được xem là “phố tài chính” của Đà Nẵng vì tập trung nhiều tổ chức tín dụng. Ảnh: MAI QUẾ

Thúc đẩy hình thành cơ sở hạ tầng phục vụ cho các tổ chức tài chính là bước đầu để thu hút các công ty tài chính tới Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Tuyến đường Nguyễn Văn Linh được xem là “phố tài chính” của Đà Nẵng vì tập trung nhiều tổ chức tín dụng. Ảnh: MAI QUẾ

Bài 1: Nhiều lợi thế để hình thành trung tâm tài chính khu vực

Để trở thành trung tâm tài chính (TTTC) của khu vực cần có những yêu cầu nhất định, bao gồm cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh, môi trường sống tốt, nguồn nhân lực nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính cùng với các yêu cầu khác. Đối chiếu với những điều kiện trên, Đà Nẵng đang có những lợi thế để xây dựng và phát triển thành TTTC khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Đà Nẵng phát triển mạnh về tài chính

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng, tính đến ngày 15-10, trên địa bàn thành phố có 61 chi nhánh tổ chức tín dụng và 248 phòng giao dịch với sự đa dạng về loại hình hoạt động và hình thức pháp lý (14 chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 36 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần, 5 chi nhánh ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 2 chi nhánh ngân hàng liên doanh, 2 chi nhánh công ty tài chính và 1 chi nhánh công ty cho thuê tài chính). Ngoài ra, còn có các định chế tài chính phi ngân hàng như các quỹ, đại lý chứng khoán, đại lý bảo hiểm... Các đơn vị này được phân bố đều khắp ở các quận, huyện, tạo thuận lợi cho giao dịch của người dân và doanh nghiệp. Các hoạt động cho vay và huy động vốn trên thị trường tài chính đều có kết quả tăng trưởng tốt.

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ... Theo đó, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Như vậy, ngoài ngành du lịch, thành phố đặt mục tiêu phát triển mạnh hơn các ngành dịch vụ có tiềm năng, còn dư địa phát triển lớn, cụ thể là hình thành TTTC khu vực.

TS. Đặng Tùng Lâm, Trưởng khoa Tài chính - Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết, không có một định nghĩa duy nhất về TTTC. Một cách khái quát, TTTC có thể được định nghĩa là nơi cung cấp các dịch vụ tài chính (như dịch vụ huy động vốn, đầu tư, tiết kiệm, thanh toán, phát hành sản phẩm tài chính, quản lý rủi ro và các dịch vụ hỗ trợ như tư vấn, định giá, xếp hạng tín nhiệm...) để đáp ứng nhu cầu dịch vụ tài chính của một quốc gia hay một khu vực. TTTC thường được hình thành ở những nơi có hoạt động kinh tế phát triển hoặc ở những nơi có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các vùng lân cận. Đặc trưng của một TTTC là sự hiện diện của các định chế tài chính lớn, các công ty cung cấp các dịch vụ kiểm toán, tư vấn, định giá, luật uy tín. So sánh với những tiêu chí này, Đà Nẵng đang có những tiềm năng, lợi thế nhất định.

Theo Giám đốc Sở Tài chính thành phố Nguyễn Văn Phụng, mặc dù chỉ chiếm 0,39% về diện tích cả nước (1.285 km2/331.212km2) nhưng Đà Nẵng là một đô thị lớn tập trung khoảng 1,2% về dân số, đóng góp 1,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 2,62% số thu ngân sách, thu hút 1,5% nguồn vốn FDI của cả nước. Tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng sản phẩm (GRDP) của thành phố đạt hơn 109.000 tỷ đồng; tốc độ tăng bình quân trong 5 năm gần nhất là 7,48%/năm. Các hoạt động cho vay và huy động vốn trên thị trường tài chính đều có kết quả tăng trưởng tốt. Quy mô dư nợ tín dụng cho nền kinh tế đạt khoảng 171 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân của hoạt động huy động vốn là 15,3%/năm, cho vay là 20,9%/năm trong giai đoạn 2015- 2019. Với nền tảng đó, Đà Nẵng hiện đang là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Hệ thống các tổ chức tín dụng phân bố khắp các quận, huyện, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Người dân đến giao dịch tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Đà Nẵng. 				Ảnh: M.QUẾ

Hệ thống các tổ chức tín dụng phân bố khắp các quận, huyện, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Người dân đến giao dịch tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Đà Nẵng. Ảnh: M.QUẾ

Nhiều lợi thế để hình thành trung tâm tài chính khu vực

Là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, Đà Nẵng có hạ tầng giao thông, viễn thông phát triển, hệ thống tổ chức tín dụng rộng khắp, môi trường kinh doanh thuận lợi, nguồn nhân lực có chất lượng... Cụ thể, về hạ tầng giao thông, Đà Nẵng có lợi thế về nhiều loại hình: đường bộ, đường sắt, đường thủy và đặc biệt đường hàng không với sân bay quốc tế Đà Nẵng có khả năng đáp ứng 17 triệu lượt khách/năm (và đến năm 2030 khoảng 30 triệu lượt khách/năm), kết nối trực tiếp tới nhiều nơi trên thế giới với hơn 480 chuyến bay mỗi tuần (tính đến cuối năm 2019). Ngoài ra, Đà Nẵng chỉ cách khoảng 2-3 giờ bay đến các nền kinh tế năng động của châu Á như:  Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia... và xa hơn một chút là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Đà Nẵng hiện có cảng container lớn nhất miền Trung và trong tương lai gần, thành phố sẽ phát triển bến du thuyền, tăng cường giao thông kết nối và trải nghiệm của nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư tài chính quốc tế thượng lưu. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang xúc tiến để triển khai dự án Danang Gateway, xây dựng trên tổng diện tích khoảng 8,4ha tại đường Võ Văn Kiệt, với nhiều khu chức năng kèm theo như: khách sạn, khu vui chơi giải trí, casino..., được kỳ vọng là điểm nhấn để thu hút các tổ chức tài chính quốc tế đến tham quan, giao lưu và đầu tư vào thành phố Đà Nẵng.

Về hạ tầng viễn thông, Đà Nẵng là 1 trong 39 điểm kết nối của tuyến cáp quang cập bờ. Đà Nẵng đã triển khai công nghệ 4G phủ sóng toàn thành phố, hệ thống wifi công cộng thành phố bao gồm 430 điểm thu phát sóng chuyên dụng, phủ sóng các khu vực trung tâm thành phố. Đà Nẵng đã và đang xây dựng các khu công viên phần mềm đáp ứng nhu cầu mặt bằng và thu hút đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin và phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, Đà Nẵng có 11 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (2009-2019). Riêng về mảng công nghệ thông tin, nhiều chuyên gia cho rằng Đà Nẵng có chất lượng không thua kém nước ngoài, các ứng dụng công nghệ mới trên thế giới đều có thể đưa về áp dụng tại Đà Nẵng.

Việc xây dựng Đà Nẵng trở thành TTTC quy mô khu vực còn giúp liên kết các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố lại với nhau. Trong xu thế các nền kinh tế phát triển đang tăng trưởng không ngừng, đặt ra những yêu cầu hiện đại hóa các dịch vụ tài chính, nhất là các dịch vụ thanh toán điện tử. Quá trình này được diễn ra trên cơ sở của sự chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin. Đây đều là các ngành dịch vụ có tiềm năng và tỷ trọng nhất định trong cơ cấu khu vực dịch vụ của Đà Nẵng, đóng góp nhiều vào quá trình tăng trưởng kinh tế thành phố trong 10 năm gần đây. Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, 6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh khó khăn do Covid-19 bùng phát và lan rộng khắp thế giới, ngành thông tin và truyền thông của thành phố vẫn tăng trưởng 6,21% so với cùng kỳ năm trước và ngành tài chính - ngân hàng vẫn tăng trưởng 6,88% so với cùng kỳ.

Về môi trường kinh doanh, Đà Nẵng vốn được cộng đồng doanh nghiệp địa phương cũng như trong nước đánh giá là một trong những điểm đến đầu tư, kinh doanh khá thuận lợi và hấp dẫn ở Việt Nam, dẫn chứng là Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng luôn nằm trong nhóm “rất tốt”. Đây là một lợi thế của thành phố, là nguồn thông tin hữu ích, đáng tin cậy cho các nhà đầu tư tham khảo khi lựa chọn đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang thực hiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm các cơ chế chính sách cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cùng với nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin hiện có, thành phố có những điều kiện tốt để thu hút các startup trong lĩnh vực tài chính, các công ty công nghệ tài chính (fintech) trong và ngoài nước.

Theo TS. Đặng Tùng Lâm, Đà Nẵng là thành phố có nguồn nhân lực được đào tạo tốt so với các tỉnh lân cận. Với dân số hơn 1,1 triệu người, lực lượng lao động chiếm hơn 55% dân số, đa số trẻ, năng động, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng 63%. Đây là nguồn nhân lực dồi dào cho thời kỳ phát triển mới của thành phố. Hiện trên địa bàn thành phố có 3 trường đại học đào tạo chuyên ngành tài chính - ngân hàng, trong đó có nhiều chương trình liên kết quốc tế với thời gian học ngoài nước từ 1 - 2 năm. Riêng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) hằng năm cung ứng hơn 250 sinh viên chuyên ngành được đào tạo tốt; đội ngũ giảng viên đào tạo, nghiên cứu của trường có trình độ, năng lực và kinh nghiệm. Bên cạnh nguồn nhân lực được đào tạo tại chỗ, Đà Nẵng còn được biết đến là một trong những địa phương có khả năng thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao với những chính sách ưu tiên vượt trội.

Nguồn: Mai Quế (Theo baodanang.vn)