Nỗi lo nơi an nghỉ

6 năm trước

Đà Nẵng hiện có 3 nghĩa trang nhân dân nằm ở các xã Hòa Khương, Hòa Ninh và Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) nhưng phần lớn đã khai thác hết quỹ đất. Từ thực tế này, những năm gần đây xuất hiện tình trạng lén lút mua bán, sang nhượng trái phép đất nghĩa trang để trục lợi, dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau…

Việc giao dịch, mua bán đất mộ diễn ra có phần kín đáo hơn tại nghĩa trang Hòa Sơn. Ảnh: H.L
Việc giao dịch, mua bán đất mộ diễn ra có phần kín đáo hơn tại nghĩa trang Hòa Sơn. Ảnh: H.L

 “Chạy mộ”

Với nỗi lo đất nghĩa trang ngày càng khan hiếm, không ít người sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để được sở hữu miếng đất ưng ý, chuẩn bị trước mồ mả cho người thân hoặc chính mình khi “nằm xuống”.

Anh N.H.N, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà cho biết, trước đây dòng họ nhà anh định cư ở huyện Hòa Vang trước khi chuyển xuống Đà Nẵng làm ăn sinh sống. Vì thế nhiều người thân trong dòng tộc đang yên nghỉ tại nghĩa trang Gò Cà.

“Hiện nay, ba mẹ tôi đều gần 80 tuổi và có nguyện vọng được nằm cạnh ông bà nhưng điều này rất khó bởi các ngôi mộ phần lớn đã bị phân tán rải rác sau nhiều lần quy hoạch, ít tập trung thành cụm. Thời gian trước, tôi không nghĩ đến việc đất nghĩa trang sẽ khan hiếm vì tin rằng thành phố sẽ có quy hoạch để bảo đảm nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, mới đây, khi thực sự tìm hiểu, tôi mới tá hỏa khi nhiều vị trí đất nghĩa trang được “cò” rao bán với giá tầm 5 triệu đồng/m2”, anh N. chia sẻ.

Theo lời một số người dân sống quanh khu vực nghĩa trang Gò Cà, chừng hơn chục năm trước, muốn sang nhượng một khu đất mộ rộng khoảng 100m2 tại nghĩa trang Gò Cà, xã Hòa Khương chỉ mất chừng 5-6 triệu đồng. Nay, giá đất ở đây đã tăng gấp nhiều lần. Không chỉ ngang nhiên sang nhượng, tại nghĩa trang này cũng từng rộ lên tình trạng bảo kê xây mộ, mồi chài, chèo kéo, đòi tiền phí vệ sinh, chăm sóc, hương khói mộ của một nhóm người dân địa phương.

Trong khi đó, theo lời một cán bộ Ban Nghĩa trang thành phố Đà Nẵng, đối với người dân có hộ khẩu ở Đà Nẵng, khi có người nhà mất, chỉ cần đến Ban Nghĩa  trang thành phố xin giấy giới thiệu thì với mỗi phần mộ, người dân chỉ phải đóng phí 200.000 đồng theo quy định của Nhà nước.

“Hiện nay, quỹ đất xây mộ tại nghĩa trang cho người dân thành phố vẫn còn, tuy nhiên không thể quy về từng cụm cho từng gia tộc vì khó có thể biết được nhu cầu thực tế của người dân. Riêng phần chăm sóc, quét vôi hương khói, nếu gia đình nào có nhu cầu thì các đội quản trang tại địa phương cũng đảm nhận, chăm sóc hộ.

Do người dân không có thông tin, hoặc mong muốn mua luôn một khoảnh đất rộng để tập trung mộ phần gia tộc nên tạo cơ hội cho giới “cò” đất nghĩa trang lộng hành, dễ rơi vào cảnh tiền mất, tật mang”, vị cán bộ này khuyến cáo.

Trưởng Công an xã Hòa Khương Nguyễn Hữu Hòa cho biết, đây là vấn đề nổi cộm ở địa phương nhiều năm qua nhưng khó quản lý do việc giao dịch, mua bán diễn ra nhanh chóng. Được biết, từ năm 2009, Công an xã Hòa Khương đã tham mưu chính quyền địa phương thành lập “Tổ tự quản an ninh trật tự tại nghĩa trang Gò Cà”, gồm công an, dân phòng thôn và phu xây mộ.

Tổ tự quản thường xuyên “cắm chốt” 3 người tại nghĩa trang để tiếp nhận thông tin, giải quyết những mâu thuẫn phát sinh; tổ chức tuần tra, truy quét đối tượng “xin đểu” và thông tin đến lực lượng công an những biểu hiện nghi vấn tội phạm. Cùng với đó, địa phương cũng tiến hành rà soát, củng cố lại 3 tổ xây dựng mộ để quản lý nền nếp hơn.

Anh Lê Bằng, một người dân xã Hòa Ninh cho biết, thời gian qua, tại khu nghĩa trang Hòa Ninh xuất hiện một số đối tượng bảo kê vật liệu xây dựng cho các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng nằm ngay đường vào khu nghĩa trang.

Các đối tượng này ngăn chặn không cho người xây dựng mồ mả chuyên chở vật liệu từ nơi khác đến, có hành vi đe doạ, đập phá xe chở vật liệu, đập phá các ngôi mộ mà chủ không chịu mua vật liệu của cửa hàng mà các đối tượng đó bảo kê. Sự việc này đã từng bị chính quyền địa phương xử lý hành chính nhưng đâu lại vào đó. “Trong lúc tang gia bối rối mà người ta còn nỡ chặt chém, làm khó, dọa nạt thì thật là đau xót”, anh Bằng thở dài, nói.

“Chỉ là tạm lắng”

Nghĩa trang Hòa Sơn bắt đầu được triển khai từ năm 2001, do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng làm chủ đầu tư, chủ yếu phục vụ cho công tác di dời mồ mả tại các dự án trên địa bàn thành phố. Sau đó ở nghĩa trang này xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất diễn ra rầm rộ; cuối năm 2017, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ giao trách nhiệm cho Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với UBND huyện Hòa Vang, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai và Sở Nội vụ vào cuộc làm rõ để xử lý trách nhiệm.

Được biết, quá trình thanh tra đã chỉ ra rằng, dù Nghĩa trang Hòa Sơn xây dựng nhằm mục đích phục vụ cho công tác di dời mồ mả tại các dự án trên địa bàn thành phố nhưng Ban Quản lý Nghĩa trang Hòa Sơn bố trí cho 111 trường hợp không có hồ sơ giải tỏa là không đúng đối tượng.

Ngoài ra, Ban Nghĩa trang đã báo cáo không trung thực về diện tích thực tế bố trí mộ (9m²/mộ), bố trí không đúng, sai lệch về số lượng dẫn đến sai lệch lớn về thông tin diện tích đất nghĩa trang chưa được sử dụng.

Anh H.Đ, đang sinh sống tại thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn cho hay, nhà anh nằm trong khu vực vành đai, sát nghĩa trang nên không lạ gì cảnh chào mời, mua bán đất nghĩa trang đang diễn ra tại đây. Anh Đ. khẳng định:

“Thời gian này, khi thành phố đang làm căng thì việc mua bán có vẻ tạm lắng chứ không hết hẳn, mọi giao dịch diễn ra kín đáo hơn. Một số “cò” còn “ôm” nhiều khu đất đồi ven nghĩa trang có xu hướng hạ giá đất để thu hồi nguồn vốn bỏ ra trước đó”.

Cũng theo anh Đ, vài năm trở lại đây, các mộ phần được xây dựng mới tại nghĩa trang Hòa Sơn chỉ cách giếng nước nhà anh chưa đến 20 mét khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước càng diễn ra nghiêm trọng.  

Để hiểu thêm vấn đề anh H.Đ đề cập, trong vai người cần mua đất xây dựng nghĩa trang gia tộc, chúng tôi tiếp cận bà H., một người dân đang sinh sống tại thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn. Biết chúng tôi có nhu cầu, bà H. khoe có hai người cháu đang có đất đồi đã phân lô tại khu vực nghĩa trang Hòa Sơn, người mua cần bao nhiêu cũng có.

Khi thấy chúng tôi tỏ ra do dự trước thông tin thành phố đang “làm căng”, bà N. tiếp: “Anh chị cứ yên tâm mua, đất đó là đất đồi của gia đình nhưng trước nhu cầu chôn cất ngày càng cao, nên gia đình mới bạt đồi phân lô để bán. Còn chuyện mua bán này đã diễn ra từ hơn chục năm nay, thành phố làm căng thời gian rồi lại hết thôi, lo gì”.

Có thể nói, cùng với việc quỹ đất nghĩa trang ngày càng thu hẹp thì câu chuyện buông lỏng quản lý, mua bán, xây mộ tràn lan không theo quy hoạch kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan trong khu vực. Chưa kể, việc quá tải ở nghĩa trang cũng gây nên không ít phiền toái cho người dân trong quá trình tổ chức đám tang như thiếu chỗ dựng rạp hay làm lễ cúng trước khi hạ huyệt, xây dựng mộ phần…

HUỲNH LÊ - BAODANANG.VN