Nói cho rõ về Sơn Trà 

7 năm trước

Theo KTS Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Đà Nẵng), một số thông tin trên báo chí sau hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng” tỏ ra phiến diện và thiếu chính xác!

 
Hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng” tổ chức ngày 28/4 (Ảnh: Bùi Huy Trí)

KTS Bùi Huy Trí “Trong những ngày qua, dư luận Đà Nẵng đang rất nóng về chủ đề Sơn Trà. Vì vậy, hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Nhóm nghiên cứu – Giảng dạy Môi trường & Tài nguyên sinh vật (DN-EBR) thuộc Đại học Đà Nẵng cùng phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Đại học Đà Nẵng, TP Đà Nẵng vào sáng 28/4.

Đây là một hoạt động rất ý nghĩa và đúng thời điểm. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là sau hội thảo, nhiều thông tin đã được đăng tải trên các mặt báo một cách phiến diện và thiếu tính chính xác.

Đơn cử như Báo Công an TP.HCM ngày 02/5 có bài “Tâm thư  xin nhận hiến kế bảo vệ Sơn Trà của Bí thư Đà Nẵng nhận được bão like của dư luận” với phần kết đã trích dẫn ý kiến của KTS Hoàng Sừ, nguyên văn như sau:

“…Đà Nẵng có thực sự cần thiết phải biến 40% bán đảo Sơn Trà từ đất rừng chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp, thành các khu đô thị, resort, khách sạn…đồng nghĩa với rừng xanh biến thành rừng bê tông?...”

Hay như báo Tuổi trẻ online ngày 02/5 có bài với tiêu đề  “Sơn Trà mất 41% diện tích vì một quyết định của Đà Nẵng”; Báo Nhân dân điện tử ngày 28/4 có bài với tiêu đề “41% diện tích rừng Sơn Trà bị cắt giảm chuyển đổi mục đích sử dụng”; Báo Bảo vệ Môi trường ngày 29/4 cũng có bài với tiêu đề như vậy. Ngoài ra một số báo mạng khác cũng đăng tải các thông tin tương tự. Vậy thực tế là thế nào?

Đến dự hội thảo với tư cách đại diện cơ quan quản lý nhà nước, tôi đã đề nghị chủ tọa cho phép phát biểu cuối cùng. Gần 12 giờ trưa, khi các diễn giả đã trình bày xong các tham luận, tôi đã có bài phát biểu nhận định về một số giải pháp đã đưa ra, đồng thời dành thời gian để giải thích các thông tin được viện dẫn không chính xác. Tuy nhiên không một báo nào đưa tin về chi tiết này. Phải chăng lúc đó các phóng viên không còn có mặt tại hội thảo?

Trong các nhận định mà các báo nêu trên đã đưa tin có hai vấn đề cần làm rõ.

Thứ nhất: Con số 41% là ở đâu ra?

KTS Hoàng Sừ đã viện dẫn rằng văn bản của UBND TP Đà Nẵng năm 2008 về việc phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn giai đoạn 2008-2020 chỉ ghi có một loại rừng duy nhất là rừng đặc dụng với diện tích 2.591,1 ha, như vậy diện tích rừng bị cắt giảm hơn 1840 ha, chiếm 41% so với tổng diện tích rừng Sơn Trà (theo ông Sừ là 4439 ha). 

Thực sự thì sao?

Theo Quyết định số 41-TTg Ngày 24/01/1977 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, gọi Sơn Trà là rừng cấm quốc gia có diện tích khoảng 4.000 ha. Theo Quyết định số 447/LN - KL do Bộ Lâm nghiệp ban hành ngày 02/10/1992, đổi tên là Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có tổng diện tích là 4.439 ha. 

Qua kiểm tra trên bản đồ số hóa, thực chất con số 4.439 ha tương ứng với diện tích toàn bộ bán đảo Sơn Trà và bao gồm cả các đơn vị Vùng 3 hải quân, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Trạm rada và một số diện tích khác vùng chân bán đảo (gọi chung là đất bố trí một số đơn vị). Ngoài ra còn là một phần đất thuộc phường Thọ Quang quản lý, nay thuộc khu vực quy hoạch đầu tuyến đường ven biển. Như vậy có thể hiểu Khu bảo tồn tồn thiên nhiên Sơn Trà không đồng nghĩa với rừng Sơn Trà mà bao gồm cả một phần diện tích vùng đệm ngoại vi. Cũng qua kiểm tra trên bản đồ, con số 4.000 ha rừng theo Quyết định số 41-TTg là tương đồng với thực tế.

Ta hãy xem diện tích Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có biến động gì trong thời gian từ 1992 đến nay.

 Dưới đây là bản đồ tích hợp giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch rừng cập nhật đến thời điểm hiện nay.  

Nhìn bản đồ có thể thấy mảng màu xanh là rừng đặc dụng chiếm 2559,1 ha. Các mảng màu tím là đất đã bố trí một số đơn vị chiếm 130 ha. Các mảng màu đỏ là đất dự án du lịch chiếm 1.025 ha. Các mảng trắng gồm sườn núi, vách đá và các khoảng hở giữa ranh giới rừng đặc dụng với các dự án du lịch chiếm 685 ha. tổng diện tích xấp xỉ 4.439 ha. (Còn một số rẻo đất khác dưới chân bán đảo).

Như vậy không có phần diện tích nào biến đi đâu cả. Sự sai lệch chỉ xuất phát từ việc nhầm lẫn khái niệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và rừng đặc dụng Sơn Trà.

Bản đồ tổng thể bán đảo Sơn Trà

 (Ảnh: Bùi Huy Trí)

Riêng với phần diện tích sườn núi, vách đá và các khoảng hở giữa ranh giới rừng đặc dụng với các dự án du lịch hiện chưa được đưa vào mục đích quy hoạch cụ thể. Theo tôi, trong đợt rà soát quy hoạch bán đảo Sơn Trà sắp tới, phần diện tích này cần được bổ sung vào quy hoạch với chức năng là rừng phòng hộ để đảm bảo yếu tố pháp lý cho việc gìn giữ và bào tồn (mặc dù không hoàn toàn là rừng).

Một câu hỏi đặt ra là diện tích rừng Sơn Trà có bị giảm đi không và nó bị giảm ở chỗ nào?

Tôi khẳng định là có và nó chính là 1.025 ha thuộc 18 dự án du lịch. Nếu theo cách tính của KTS Hoàng Sừ thì con số 1.025 ha này đem so với tổng diện tích bán đảo Sơn Trà 4439 ha sẽ tương đương 23%. Việc bớt đi phần diện tích rừng này để phát triển du lịch là tốt hay không tốt cần phải trao đổi sâu hơn trong các chuyên đề tiếp theo. Ở đây tôi chỉ muốn nêu rõ rằng con số 41% là không đúng với thực tế. Thậm chí bằng trực quan cũng thấy ró điều này trên bản vẽ.

Thứ hai: Với số 6758/QĐ-UBND, theo KTS Hoàng Sừ “là một quyết định trái thẩm quyền vì thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng đặc dụng sang loại khác là của Thủ tướng chứ không phải của UBND TP Đà Nẵng”.

Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, Điều 17 về Trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng nêu rõ “UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của địa phương”.

Tại Điều 28 về Thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, Khoản 2 có nêu rõ “Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định chuyển mục đích sử dụng toàn bộ hoặc một phần khu rừng do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác lập.”

Quy trình thực hiện quy hoạch 3 loại rừng năm 2008 của TP Đà Nẵng đã được thực hiện đúng theo quy định với các bước như sau: Sở NN-PTNT phối hợp với tư vấn lập hồ sơ quy hoạch, báo cáo UBND TP Đà Nẵng trình Bộ NN-PTNT thẩm định. Sau khi có kết quả thẩm định của Bộ NN-PTNT, HĐND TP Đà Nẵng thông qua, giao Chủ tịch UBND TP phê duyệt, ban hành.

Như vậy không có chuyện UBND TP Đà Nẵng tự tung, tự tác trong việc ban hành Quyết định 6758/QĐ-UBND.

Thực tế ai cũng biết rừng tự nhiên Sơn Trà chủ yếu nằm ở khu vực đỉnh và sườn phía Bắc, phía Đông bán đảo. Ở sườn phía Nam và phía Tây, rừng nghèo hơn. Hiện nay ngoại trừ Khu nghỉ dưỡng Inter Continental ở phía Bắc, còn lại các dự án chủ yếu nằm ở sườn Nam và phía Tây và ở cao độ từ 200m trở xuống. Ranh giới các dự án không nằm vào khu vực rừng đặc dụng do vậy cũng không có chuyện Đà Nẵng tự chuyển đổi rừng đặc dụng sang mục đích sử dụng khác.

Hiện nay lãnh đạo TP đã chỉ đạo cho Sở xây dựng, Viện Quy hoạch phối hợp với các ngành thực hiện tổng rà soát quy hoạch bán đảo Sơn Trà để có cái nhìn tổng quan từ nhiều góc độ quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn sinh thái, an ninh quốc phòng…, từ đó đưa ra đề xuất về các chỉ tiêu và giải pháp. Quá trình rà soát sẽ có sự tham gia của các chuyên gia đa ngành cũng như tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân. Do vậy có thể nói quy hoạch Sơn Trà sẽ là câu chuyện mở của toàn thể cộng đồng. 

Trong tình hiện nay, việc có nhiều tổ chức và cá nhân quan tâm đến Sơn Trà, quan tâm đến lợi ích chung của thành phố là điều rất đáng mừng. Từ đó việc tranh luận nhằm tìm ra các giải pháp bảo vệ một di sản thiên nhiên là tất yếu. Tuy nhiên việc tranh luận cần được diễn ra trên một nền thông tin xác thực, có vậy mới đảm bảo tính khoa học của các luận điểm.

Nguồn: http://enternews.vn/noi-cho-ro-ve-ban-dao-son-tra-da-nang-110594.html