NHỮNG 'LỰC ĐẨY' CHO BẤT ĐỘNG SẢN MIỀN TRUNG NĂM 2022

2 năm trước

Bất động sản tại Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế được kỳ vọng sẽ bắt đầu có sự phục hồi nhẹ từ năm 2022 khi nhà đầu tư bắt đầu quan tâm hơn đến khu vực còn nhiều tiềm năng này hậu đại dịch Covid-19.

 

Những ‘lực đẩy’ cho bất động sản miền Trung năm 2022

Dấu hiệu từ Thừa Thiên Huế

Nhằm tạo cơ sở hạ tầng đủ tốt phục vụ cho phát triển khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2025, tỉnh miền Trung này đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030.

Cụ thể, đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân tại địa phương đạt 26,5m2 sàn/người. Diện tích nhà ở bình quân khu vực đô thị đạt 29m2 sàn/người, khu vực nông thôn đạt 24m2 sàn/người, trong 5 năm tới, Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng mới trên 8,56 triệu mét vuông sàn, đưa chất lượng nhà ở kiên cố đạt 98,5%.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh dự kiến là 63.158 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn phát triển nhà ở xã hội khoảng 2.670 tỷ đồng; nhà ở công vụ khoảng 19,5 tỷ đồng; nhà ở để phục vụ tái định cư khoảng 883,5 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2022 sẽ là năm bản lề để Huế thực hiện kế hoạch tiến lên thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp để tập trung thu hút đầu tư, đặc biệt để phát triển hạ tầng, đô thị tạo cơ sở để phát triển kinh tế.

Trong đó, Huế sẽ tập trung đẩy nhanh thủ tục đầu tư các dự án phát triển đô thị ở khu vực Đô thị mới An Vân Dương, các khu đô thị mới trên địa bàn thành phố, thị xã Hương Thủy; các khu đô thị mới, các khu phức hợp đô thị du lịch ở huyện Phong Điền để sớm đưa huyện Phong Điền lên thị xã; các khu phức hợp dân cư kết hợp du lịch ven biển ở Hải Dương, thành phố Huế, ở xã Vinh An, Vinh Xuân, Vinh Thanh và Phú Diên thuộc huyện Phú Vang; ở Quảng Công, huyện Quảng Điền; ở Vinh Hiền, Giang Hải, huyện Phú Lộc để sớm hình thành các khu đô thị du lịch ven biển.

Du lịch ven đầm phá cũng là trọng tâm thu hút đầu tư. Các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa như các khu văn hoá đa năng ở Đô thị mới An Vân Dương, Cầu gỗ Lim và bãi bồi Lương Quán thuộc dịa bàn thành phố Huế, Độn Sầm ở Hương Thủy; thí điểm xã hội hóa quyền khai thác di sản, di tích cố đô Huế để tăng thu ngân sách và góp phần quản lý bền vững di sản cũng là những nội dung quan trọng trong thu hút đầu tư của năm 2022.

Công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao cũng là những lĩnh vực trọng tâm. Dự án phát triển cảng Điền Lộc, huyện Phong Điền để sớm hình thành trung tâm logistics ở phía bắc tỉnh Thừa Thiên Huế; phát triển các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để hình thành khu vực chuyên biệt về sản phẩm đặc sản nông nghiệp ở khu vực Phong Điền, Phú Lộc là những trọng tâm trong công tác xúc tiến đầu tư của Huế năm 2022.

Đối với địa bàn Khu kinh tế Chân Mây, các Khu công nghiệp, Huế sẽ tập trung tăng tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp tỉnh, Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô bằng việc thu hút các dự án sản xuất công nghiệp như khu liên hợp sản xuất công nghiệp kính, dự án sản xuất tấm nền sillicon, chíp bán dẫn, sản xuất hydrogen, nhà máy sản xuất dược phẩm; nhà máy sản xuất men frit; nhà máy gia công thạch anh Chân Mây; dự án trung tâm logistics Chân Mây…

Một góc Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: Nhân Tâm

Phục hồi bất động sản cả vùng miền Trung

Theo các chuyên gia, những thông tin trên tại Thừa Thiên Huế nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Họ cho rằng Thừa Thiên Huế với định hướng đến năm 2025 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa đặc trưng.

Theo đó, Thừa Thiên Huế đã và đang đẩy mạnh đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị, tập trung xây dựng bản đồ phát triển bất động sản để thu hút đầu tư. Đồng thời, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông liên vùng, trong đó ưu tiên thực hiện các dự án kết nối trực tiếp đến Đà Nẵng và Hội An.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ bên cạnh không gian “Huế Xưa”, Thừa Thiên Huế sẽ có thêm không gian “Huế Mới” với các vùng đô thị hiện đại văn minh, với nhà cao tầng, dịch vụ vụ thương mại quốc tế, cũng như hệ thống hạ tầng hiện đại bao gồm sân bay, đường cao tốc, tuyến metro,…

“Chúng ta có thể kỳ vọng các khu đô thị mới sẽ mang bản sắc thế kỷ 21 của Thừa Thiên Huế và đây sẽ là nơi an cư lạc nghiệp với môi trường đô thị đáng sống tầm cỡ quốc tế cho các thế hệ tương lai”, ông Sơn nói và cho hay việc khuyến khích phát triển những dự án khu đô thị với hạ tầng hiện đại tại các vùng đất mới vừa đáp ứng nhu cầu phát triển tương lai, vừa giúp giảm áp lực phát triển lên khu đô thị hiện hữu. Nhờ đó, vừa có thể tăng trưởng đô thị, vừa gián tiếp góp phần cho việc bảo tồn di sản Huế.

Dưới góc nhìn của đơn vị nghiên cứu và tư vấn đất động sản, đại diện Công ty cổ phần DKRA Việt Nam cho rằng từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, một số tín hiệu cho thấy sự khởi đầu cho một thời kỳ mới đã xuất hiện không chỉ trên thị trường bất động sản Huế mà còn Đà Nẵng và Quảng Nam sau khoảng thời gian yên ắng do tác động của dịch Covid-19.
Không chỉ các chủ đầu tư chuẩn bị đón “sóng”, nhiều nhà đầu tư khắp cả nước cũng đang hướng trở lại khu vực miền Trung.

Theo dự báo từ DKRA, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2022 có thể tăng so với năm 2021, tập trung chủ yếu ở Quảng Nam trong khi Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng tiếp tục duy trì sự khan hiếm. Sức cầu có sự hồi phục so với năm 2021. Mặt bằng giá thứ cấp giữ ổn định trong năm 2022.

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới toàn thị trường duy trì mức tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2021, dao động từ 1,200 – 1,500 căn. Các dự án mới tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng, riêng Quảng Nam có thể tiếp tục thiếu vắng nguồn cung mới. Giá bán và thanh khoản thị trường thứ cấp có thể phục hồi khi các tỉnh, thành từng bước khôi phục kinh tế, hoạt động du lịch mở cửa trở lại.

Bất động sản tại Quảng Nam đang nóng lên ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng gắn liền với kinh tế xanh. Ảnh: Nhân Tâm

Nguồn cung mới phân khúc nhà phố/biệt thự duy trì mức ổn định, tương đương năm 2021. Thừa Thiên Huế có thể tiếp tục dẫn đầu nguồn cung mới trong khi Đà Nẵng tiếp tục duy trì sự khan hiếm trong năm 2022. Những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông hỗ trợ gia tăng thanh khoản, giá bán thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp, tuy nhiên vẫn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Với bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới có thể tăng so với năm 2021. Trong đó, Đà Nẵng là thị trường tiếp tục dẫn dắt nguồn cung mới ở hầu hết các loại hình, Thừa Thiên Huế tiếp tục khan hiếm nguồn cung. Xu hướng dịch chuyển sang chương trình ủy thác cho thuê theo dạng chia sẻ lợi nhuận tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng.

Bên cạnh đó, chia sẻ tại sự kiện Báo cáo toàn cảnh thị trường Bất động sản Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam năm 2021 được Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam tổ chức cuối tháng 2 vừa qua, các chuyên gia cho rằng với sự hội tụ nhiều điều kiện tương đồng về địa lý, tiềm năng du lịch, hạ tầng giao thông, kinh tế – xã hội,… Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam có khả năng cộng hưởng giá trị, tạo ra động lực phát triển mới cho toàn khu vực với sự hình thành của cụm đô thị liên kết Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam.

Trong đó, Đà Nẵng được định vị là điểm đến của bất động sản cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng. Đặc biệt, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, Đà Nẵng sẽ tập trung xây dựng, phát triển dựa trên 3 trụ cột chính là: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển,…
Không chỉ là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng còn là điểm đến du lịch sở hữu hệ thống bất động sản nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Với định hướng quy hoạch này, dự báo thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ tiếp tục thu hút nhiều chủ đầu tư lớn đến triển khai các dự án cao cấp và hạng sang.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng và Quảng Nam cũng bắt tay triển khai dự án khơi thông lòng sông Cổ Cò và đưa vào sử dụng hệ thống giao thông kết nối các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng ven biển và phố cổ Hội An,… Là tuyến giao thông đường thủy và du lịch quan trọng nối liền Đà Nẵng và Hội An, việc xây dựng thành phố ven sông Cổ Cò theo quy hoạch được xem là động lực kinh tế, kích thích sự phát triển cho cả Quảng Nam và Đà Nẵng. Tính chất cộng hưởng qua lại của dự án này sẽ tạo sức bật kinh tế cho cả 2 thị trường.

Nguồn: Nhân Tâm - Kinh tế Sài Gòn online (Theo reatimes.vn)