Nhà đầu tư đổ bộ về Đà Nẵng

8 năm trước

KTNT - Từ đầu năm 2016 đến nay, Đà Nẵng chứng kiến hàng loạt đại gia tên tuổi đầu tư với nhiều dự án siêu khủng. Thêm vào đó, hạ tầng ngày càng hoàn thiện khiến nhiều nhà đầu tư đang nghĩ đến cơn sốt đất mới nổi tại thành phố này.

Sức bật từ hạ tầng

Nhiều nhà đầu tư đang đổ bộ vào bất động sản Đà Nẵng khiến giá đất tại đây tăng lên chóng mặt.

Trong buổi làm việc mới đây với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã báo cáo: Ba đột phá mà Đà Nẵng thực hiện trong nhiệm kỳ mới, đột phá về hạ tầng được xếp thứ 2, sau dịch vụ, du lịch.  

Theo đó, Đà Nẵng sẽ ưu tiên cho những dự án ven sông Hàn. Không chỉ các dự án cầu, hầm nối 2 bờ sông Hàn, nhiều dự án hạ tầng khác đang được gấp rút triển khai cũng sẽ mở đường cho bất động sản phát triển, như dự án mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Đà Nẵng, hay dự án di dời ga đường sắt…

Tại một hội thảo gần đây do Savills tổ chức tại Đà Nẵng, công ty này này nhận định, Đà Nẵng đang có nhiều ưu thế với nhiều chuyến bay quốc tế, lượng khách quốc tế và khách nội địa đều tăng, số ngày lưu trú cũng tăng lên. Trong khi đó, báo cáo của CBRE Việt Nam cũng cho thấy làn sóng đổ bộ của nhà đầu tư Hà Nội và khu vực phía Bắc vào Đà Nẵng. Trong những tháng đầu năm 2016, khách hàng từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thống trị thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng, chiếm 75-85% giao dịch thành công.

Làn sóng đổ bộ của các nhà đầu tư

Từ đầu năm 2016 đến nay, Đà Nẵng đã chứng kiến sự xuất hiện của những siêu dự án khủng như Dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp Ánh Dương - Soleil Đà Nẵng (vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng) của CTCP PPC An Thịnh, Dự án Khách sạn Grand Tourane Đà Nẵng (khách sạn 5 sao đầu tiên trên bãi biển Mỹ Khê, chính thức hoạt động từ tháng 2/2016), do Datraco làm chủ đầu tư, Dự án Cocobay Đà Nẵng (vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng), do Tập đoàn Empire làm chủ đầu tư và sắp tới là Dự án Ariyana Beach Resort & Suites Đà Nẵng của Sovico Holding.

Ngoài ra, còn phải kể đến các dự án đang được chủ đầu tư gấp rút thực hiện như Dự án Khu đô thị Đa Phước (tổng vốn 300 triệu USD) do Công ty TNHH Dae Won Cantavil (Hàn Quốc) kết hợp với một số nhà đầu tư trong nước thực hiện; Dự án Toà tháp đôi Blooming Tower Đà Nẵng (vốn đầu tư 90 triệu USD) do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hàn Quốc làm chủ đầu tư, Dự án FPT City Đà Nẵng (hơn 1 tỷ USD)…

Có một điều dễ nhận ra, các đại gia đều chọn những vị trí đắc địa để xây dựng dự án. Theo quan sát của giới đầu tư, giá đất nhiều khu vực cũng đang có dấu hiệu tăng giá. “Đơn cử như giá đất ven biển Sơn Trà đang giao động khoảng 15-30 triệu/m2, dự kiến đến 2017 tăng lên ngang bằng các tuyến đường ven biển Mỹ Khê (70-100 triệu/m2) khi Công viên Đại Dương khởi công trong năm nay. “Xung quanh khu vực Công viên Đại Dương Sơn Trà, giá đất đang được đẩy lên từng ngày”, một nhà đầu tư cho hay.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Savills Hà Nội, nhận định, đặt trong bối cảnh hiện nay, quỹ đất Đà Nẵng không tăng, nhưng nhu cầu vẫn tăng lên nhanh chóng; thị trường bất động sản Đà Nẵng không chỉ hấp dẫn với nhà đầu tư trong nước, mà cả với người nước ngoài...

Cũng theo bà Hằng, việc chuẩn bị tốt các yếu tố hạ tầng, chủ đầu tư cân đối sản phẩm, phân kỳ đầu tư phù hợp, định vị phù hợp, tìm kiếm nhiều hơn  bài học thành công của các địa phương trên thế giới, tìm kiếm thêm các loại hình bất động sản mới, tìm kiếm thêm các nguồn cầu, định hướng và tìm giải pháp cải thiện môi trường bất động sản, Đà Nẵng là một trong những giải pháp ngăn ngừa nguy cơ bong bóng. Cùng các yếu tố đó, việc Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi với việc mở rộng điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà ở đi vào cuộc sống, chắc chắn sẽ giúp thị trường bất động sản Đà Nẵng trở nên hấp dẫn hơn và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Minh Tuấn