Nâng cấp rạp Lê Độ: Lại chờ!

8 năm trước

Quyết định nâng cấp, cải tạo rạp Lê Độ có từ năm 2014. Tuy nhiên, đến nay rạp Lê Độ vẫn hoạt động trong tình trạng cũ kỹ, lạc hậu; trong khi đây là một trong những địa điểm diễn ra Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 - năm 2017.

Theo quy hoạch tổng thể mặt bằng nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn thì rạp Lê Độ sẽ bị thu hồi toàn bộ mặt tiền rạp (121m2). 	         					                Ảnh: NGỌC HÀ
Theo quy hoạch tổng thể mặt bằng nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn thì rạp Lê Độ sẽ bị thu hồi toàn bộ mặt tiền rạp (121m2). Ảnh: NGỌC HÀ

Nguyên bản của rạp phim thời “bao cấp”

Khi được hỏi về hiện trạng của rạp Lê Độ, thay vì trả lời, ông Lê Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đà Nẵng, cho chúng tôi xem thông tin một công ty sản xuất phim từ thành phố Hồ Chí Minh xin mượn rạp quay cảnh trong phim Cô gái đến từ hôm qua, bởi lý do: Đây là rạp phim duy nhất trên cả nước còn giữ nguyên bản từ thời bao cấp!

Theo ông Khánh, hơn 20 năm qua, kể từ đợt tu sửa rạp lần đầu tiên vào năm 1993, rạp Lê Độ không nhận được sự đầu tư nào khác của thành phố. Khó khăn lớn nhất của rạp hiện nay là hệ thống kỹ thuật, thiết bị quá lạc hậu. Rạp có 2 phòng chiếu, công suất phòng 1 có 400 chỗ và phòng 2 có 98 chỗ. Hai phòng này được trang bị máy chiếu phim nhựa 35 ly, sản xuất vào năm 1997 và 2001. Nhưng do nhu cầu thị trường phim hiện nay, máy chiếu phim nhựa 35 ly hầu như không sử dụng. Để đáp ứng yêu cầu phục vụ khán giả, trung tâm phải thuê máy chiếu công nghệ HD. Ngoài ra, ghế xem phim vẫn dùng loại ghế đôi dài, không còn phù hợp với các rạp chiếu phim ngày nay.

“Với cơ sở vật chất như thế làm sao cạnh tranh với các rạp phim tư nhân được đầu tư hàng chục tỷ đồng, với hệ thống phòng chiếu hiện đại, quầy bar, kho phim phong phú. Muốn chúng tôi đẩy mạnh hoạt động, tạo doanh thu thì ít nhất cũng phải có nền móng ban đầu vững chắc”, ông Khánh nói.

Lại chờ!

Cải tạo, nâng cấp rạp Lê Độ là một trong những công trình quan trọng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất thành phố từ năm 2014. UBND thành phố cũng đã có Công văn số 9342 ngày 16-10-2014 về phê duyệt quy mô đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, cải tạo rạp Lê Độ và Công văn số 9057 ngày 13-11-2015 quyết định đầu tư, nâng cấp rạp Lê Độ. Tuy nhiên, công trình chưa được khởi công thì vướng quy hoạch tổng thể mặt bằng nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn và theo kết quả đo đạc vào ngày 20-4-2016 của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố thì rạp Lê Độ sẽ bị thu hồi toàn bộ mặt tiền (121m2).

Ông Lê Đức Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Văn hóa-Thể thao cho biết, điều này khiến đề án cải tạo, nâng cấp đã được thành phố phê duyệt không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, Sở Văn hóa-Thể thao sẽ sớm kiến nghị thành phố cho phép điều chỉnh quy mô đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, cải tạo rạp Lê Độ. Trong đó, xem xét thiết kế cải tạo phù hợp với phần diện tích bị thu hồi.

Cũng theo ông Hoàng, cái khó hiện nay đối với công trình này là vẫn chưa tìm được nguồn vốn đầu tư, trong khi đây là công trình dự kiến phục vụ sự kiện APEC 2017 và Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 năm 2017 tại Đà Nẵng. Cụ thể, tại công văn ngày 13-11-2015 gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố đề nghị đầu tư nâng cấp rạp chiếu phim Lê Độ phục vụ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 năm 2017 tại Đà Nẵng bằng nguồn ngân sách Trung ương (với mức hơn 8,5 tỷ đồng), dựa trên Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 9-1-2013 về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa giai đoạn 2012-2020”, Quyết định số 3181/QĐ-BVHTTDL về kế hoạch thực hiện “Chiến lược và quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Tuy nhiên, đến nay, bộ máy vẫn chưa có phản hồi.

“Trước tình hình này, ngày 24-6, Văn phòng UBND thành phố có công văn gửi Sở Văn hóa-Thể thao đề nghị sở tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Trung ương để được bố trí vốn triển khai, nâng cấp rạp Lê Độ. Trong trường hợp ngân sách Trung ương không bố trí, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa-Thể thao và các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án hợp tác công, tư theo mô hình đầu tư tư - sử dụng công cho rạp Lê Độ”, ông Hoàng nói.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao: Xã hội hóa lĩnh vực văn hóa thì trả giá nhất định

Sau giải phóng, thành  phố có 8 rạp chiếu phim, đến nay chỉ còn một rạp Lê Độ. Nếu xã hội hóa (XHH) sẽ vừa khó kêu gọi, vừa khó trong việc thực hiện công tác tuyên truyền. Hơn nữa, các doanh nghiệp làm văn hóa chú ý lời, lãi mà không chú ý đến định hướng giá trị văn hóa. Nếu XHH rạp Lê Độ, tôi cam đoan, người ta sẽ chiếu những bộ phim mang lại doanh thu lớn, còn phim cách mạng, phim mang tính chất tuyên truyền không “có cửa” vào rạp. XHH  lĩnh vực văn hóa thì trả giá nhất định.

Ông  Lê Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đà Nẵng: Cần xem xét đầu tư bằng ngân sách thành phố

Rạp Lê Độ có địa thế tốt, nếu được đầu tư khang trang, hiện đại theo tiêu chuẩn rạp loại 2 hoặc loại 3, kết hợp dịch vụ kèm theo như bán hàng, bán đồ lưu niệm... chắc chắn sẽ tạo được sự cạnh tranh với các rạp tư nhân và có doanh thu. Tôi cho rằng thành phố cần xem xét đầu tư bằng ngân sách thành phố để tạo sự hưởng thụ cho người dân, phát huy nhiệm vụ tuyên truyền chính trị và theo đúng tinh thần tại thông báo kết luận về giải pháp đẩy mạnh phổ biến phim tại rạp của Trung tâm (Công ty) Phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hồi tháng 6 vừa qua.

NGỌC HÀ