Nan giải phát triển du lịch đường thủy tại Đà Nẵng

6 năm trước

Đà Nẵng đang vào mùa du lịch cao điểm. Song, việc khai thác du lịch đường thủy nội địa lâu nay vẫn là bài toán nan giải.

Hoạt động du lịch đường thủy nội địa ở Đà Nẵng giàu tiềm năng, nhưng đến nay khai thác chưa hiệu quả.
Hoạt động du lịch đường thủy nội địa ở Đà Nẵng giàu tiềm năng, nhưng đến nay khai thác chưa hiệu quả.

Tháng 8-2017, UBND thành phố ban hành Quyết định số 4597/QĐ-UBND về việc công bố 3 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa (gọi tắt là Quyết định 4597). Sau thời gian “cấm cửa” các tàu thuyền vận tải hành khách du lịch trên sông Hàn ra khỏi cửa Hàn (cầu Thuận Phước) kể từ sự cố tàu Thảo Vân 2 ngày 4-6-2016, quyết định nói trên giúp các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đường thủy nội địa có điều kiện vươn dài quãng đường hoạt động trên sông, biển.

Thế nhưng, quyết định này bị cho là khắt khe bởi giới hạn số lượng vận chuyển của phương tiện và quy định “cứng” về thời gian hoạt động của các tàu du lịch…

Tiềm năng du lịch đường thủy mới khai thác khoảng 10%

Theo ông Đặng Hòa, Chủ tịch Chi hội Vận chuyển du lịch thủy Đà Nẵng, hiện du lịch đường thủy Đà Nẵng khai thác chưa đến 10% so với tiềm năng. Các sản phẩm hiện có cơ bản đơn điệu và dễ nhàm chán vì chưa mở rộng không gian cũng như tìm kiếm sản phẩm theo các tour, tuyến mới.

“Đà Nẵng có sông, biển, núi và có nhiều đảo nhỏ trong vịnh Đà Nẵng là những điểm đến tuyệt vời, đưa du khách về với du lịch sinh thái cộng đồng. Bên cạnh đó, phía thượng nguồn với những sông Cổ Cò, Vĩnh Điện, Cẩm Lệ đi ngược lên đều có nhiều điểm du lịch sinh thái làng quê sông nước…”, ông Hòa nói.

Ông Nguyễn Quốc Duy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đồng Vĩnh Thịnh - đơn vị chủ quản Tàu Rồng sông Hàn cho biết:

“Hiện nay, du lịch thủy nội địa Đà Nẵng chỉ giới hạn từ chân cầu Trần Thị Lý về chân cầu Thuận Phước, cả chiều đi lẫn chiều về mất chừng hơn 30 phút. Duy chỉ tour của tàu du lịch Tàu Rồng sông Hàn kéo dài đến hơn một giờ đồng hồ để khách có thể sử dụng dịch vụ đi kèm (như ăn uống, nghe nhạc) cũng như có thời gian ngắm cảnh, thưởng lãm vẻ đẹp về đêm của thành phố. Còn đa phần các tàu du lịch khác đều đi và về chưa đến 1 giờ đồng hồ”.

Cần điều chỉnh những bất cập quy định

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Duy, với Quyết định 4597, có 3 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa trên sông Hàn, cụ thể các tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý, thời gian hoạt động từ 7 giờ 30 đến 22 giờ 30 hằng ngày; riêng thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ kết thúc lúc 23 giờ.

Tuyến thứ 2 có lộ trình: cảng, bến xuất phát - cầu Thuận Phước - bán đảo Sơn Trà - cảng, bến xuất phát (đích đến cuối cùng); thời gian hoạt động từ 7 giờ 30 đến 17 giờ 30; riêng tàu khách (nhà hàng nổi) kết thúc trước 21 giờ.

Tuyến thứ 3 có lộ trình: cảng, bến xuất phát - cầu Thuận Phước - bãi Sũng Cỏ - hòn Chảo - cảng, bến xuất phát (đích đến cuối cùng); thời gian hoạt động từ 7 giờ 30 đến 17 giờ 30; riêng tàu khách (nhà hàng nổi) kết thúc trước 21 giờ.

“Đành rằng chuẩn hóa chất lượng và tiêu chuẩn tàu thuyền vận chuyển du khách là điều tốt và cần thiết. Thế nhưng, với quy định phương tiện hoạt động trên tuyến sông Hàn - Trần Thị Lý phải có khả năng khai thác từ 50-250 khách, thành ra tàu tải trọng dưới 50 chỗ phải dừng hoạt động. Số lượng này khá lớn so với trên 20 tàu hiện hoạt động trên sông Hàn hiện nay.

Theo quy hoạch, đến tháng 8 tới, các loại tàu dưới 50 chỗ dù bảo đảm các tiêu chuẩn đăng kiểm cũng sẽ phải lùi xa lên khai thác các tuyến du lịch đường sông phía thượng nguồn sông Hàn”, ông Duy nói. 

Mặt khác, quy định phương tiện hoạt động trên tuyến sông Hàn - cửa biển - bán đảo Sơn Trà phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận vùng hoạt động SB và có khả năng khai thác từ 30-250 khách; kích thước phương tiện phù hợp với cấp I - cấp kỹ thuật đường thủy nội địa cũng là một bất cập.

Theo đại diện các hãng tàu du lịch trên sông Hàn, nếu phương tiện bảo đảm các quy chuẩn, điều kiện theo quy định, luật định thì không nên quy định giới hạn về số lượng vận chuyển của phương tiện. Ngoài ra, quy định “cứng” về thời gian hoạt động các tàu du lịch trên sông, biển cũng quá khắt khe.

“Rất nhiều đoàn du khách muốn ngồi trên tàu để ngắm cầu Sông Hàn quay, có đoàn muốn qua đêm trên vịnh Đà Nẵng để ngắm nhìn thành phố, nhưng với khung thời gian không quá 21 giờ (ra biển) và 23 giờ (trên sông) thì các “sản phẩm” du lịch này không thể thực hiện”, ông Đặng Hòa lý giải. Đây cũng là kiến nghị chung của Chi hội Vận chuyển du lịch thủy do ông Hòa làm đại diện đang trình các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, đại diện Chi hội Vận chuyển du lịch thủy cũng kiến nghị thành phố và các cơ quan chức năng sớm xây dựng các bến tàu, điểm neo đậu tàu vận tải du lịch một cách cố định để các doanh nghiệp khai thác du lịch yên tâm.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY - baodanang.vn