KỲ VỌNG ĐẾN NĂM 2022, BĐS DU LỊCH SẼ PHỤC HỒI

2 năm trước

Hiện tại, các doanh nghiệp đang chờ đến thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, để mở cửa đón khách du lịch nội địa cũng như du khách quốc tế trở lại. Đó là niềm vui chớm nở chúng ta kỳ vọng có thể đón khách du lịch nội địa vào dịp Noel, Tết Tây, Tết Nguyên đán và đặc biệt là cao điểm hè sắp tới.

Kỳ vọng đến năm 2022, BĐS du lịch sẽ phục hồi

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội BĐS du lịch tại toạ đàm mới đây. Theo ông Thọ, Covid-19 đã gây nên một tác động rất lớn không chỉ riêng với Việt Nam chúng ta mà còn các nước trên thế giới. Nhưng đây chỉ là một dịch bệnh xảy ra trong ngắn hạn. 

Thời gian qua, dịch bệnh rất nguy hiểm, không đơn giản như chúng ta nghĩ, nhưng nó không thể quét sạch những thành tựu về du lịch. Tốc độ tăng trưởng về doanh thu và lượng khách của Việt Nam giai đoạn trước dịch đang hàng đầu của khu vực nếu không muốn nói là hàng đầu thế giới, đạt trên 20%/năm và kéo dài liên tục trong suốt 5 năm. Mức tăng trưởng này chững lại khi chịu tác động của dịch covid-19.

Theo đó, khả năng đứng vững của du lịch Việt Nam sau Covid-19 phụ thuộc vào tiềm năng của ngành du lịch. Việt Nam sở hữu tiềm năng du lịch lớn về cảnh quan, văn hóa, lịch sử và con người rất thân thiện, mến khách. Trải qua quá trình hoạt động du lịch trong những năm vừa qua, chúng ta đã có sự chuyên nghiệp. Đặc biệt, chúng ta còn có sự hấp dẫn của văn hóa ẩm thực, đã được khu vực và thế giới công nhận. Với những cơ sở thực tiễn đó, tôi tin rằng du lịch Việt Nam sẽ lại phát triển với tốc độ dẫn đầu khu vực và thế giới như những năm qua chúng ta đã làm được.

"Theo tôi nắm được, có rất nhiều khách du lịch ở những thị trường quen của chúng ta như là châu Âu, Bắc Mỹ, khu vực Thái Bình Dương... đang rất mong chờ Việt Nam mở cửa để quay trở lại. Khách nội địa cũng vậy, sau thời gian bị nhốt ở nhà, mọi người đều có nhu cầu đi du lịch trở lại. Cái đó là một quy luật không chỉ riêng ở Việt Nam mà cả các nước trong khu vực", Chủ tịch Hiệp hội BĐS du lịch Việt Nam cho biết.

 
Kỳ vọng đến năm 2022, BĐS du lịch sẽ phục hồi  - Ảnh 1.

Ông Thọ hi vọng vào đầu năm 2022, khi vắc-xin đã được bao phủ trên thế giới cũng như Việt Nam đã đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam có thể mở cửa đón lại khách quốc tế. Khi đó, Việt Nam đã an toàn và mạnh dạn đón khách quốc tế, thì ngành du lịch Việt Nam sẽ bùng nổ trở lại và có những bước tiến cao hơn trước rất nhiều.

Còn theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp sao Savills Việt Nam, thời gian qua, thị trường chứng kiến sự sôi động trở lại của rất nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển. Tuy vậy, các dự án này đều chỉ mới trong giai đoạn triển khai. Và một dự án từ giai đoạn triển khai cho đến khi ra được sản phẩm thường mất 2-3 năm. Với những chủ đầu tư đã sẵn sàng quỹ đất, đây chính là thời cơ của họ. Hiện tại đang ở thời điểm tháng 10/2021, nhưng những chủ đầu tư này phải mấy 6 tháng đến một năm mới có giỏ hàng ra thị trường. Khi đó, Việt Nam đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh rồi.

"Còn để các dự án này đi vào vận hành thì tôi nghĩ ít nhất phải đến cuối năm 2022, nên câu chuyện cũng không có gì bất ngờ lắm. Tại một số địa phương như Bình Thuận, Nha Trang, Tuy Hòa và Quy Nhơn… có một số dự án đang triển khai. Nhưng riêng khâu xin giấy phép xây dựng, làm cơ sở hạ tầng thường đã mất 6-9 tháng", ông Khương cho biết.

Theo TS Khương, điều này cũng cho thấy sự năng động của các nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước. Bởi vì lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng đa phần đều do các doanh nghiệp nội địa đầu tư và phát triển. Các doanh nghiệp nước ngoài chiếm một tỷ lệ rất nhỏ và thường chỉ tham gia vào khâu vận hành, quản lý. 70-80% vốn phát triển các dự án này đều đến từ trong nước.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, đây là một cơ hội rất tốt cho NĐT nếu sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý, bởi vì các nhà đầu tư sẽ mất 1-2 năm để chờ thị trường du lịch hồi phục. Với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, đây là thời cơ tốt để lựa chọn sản phẩm đầu tư mà trước đây chúng ta không có cơ hội.

Hiện trên thị trường BĐS, ông Khương cho hay, khi có rất nhiều người muốn chuyển nhượng tài sản do sức ép về mặt tài chính và thị trường thì việc điều chỉnh giá là bình thường. Hiện nay, do khó khăn việc vận hành lỗ, NĐT phải điều chỉnh giá bán xuống để phù hợp với bài toán tài chính cũng là câu chuyện bình thường trong kinh doanh.

Nguồn: Hạ Vy (Theo nhipsongkinhte.toquoc.vn)