KINH DOANH KHÁCH SẠN PHỤC HỒI MẠNH MẼ

2 năm trước

Nhiều chuyên gia cho rằng từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường khách sạn trong nước đang ghi nhận tín hiệu tích cực từ công suất phòng, cải thiện về nguồn cung - cầu trong bối cảnh du lịch đang hồi phục mạnh mẽ.

Kinh doanh khách sạn phục hồi mạnh mẽ

Tỉ lệ lấp đầy tăng cao

Anh Trần Văn Minh (SN 1985, quản lý khách sạn Amore hotel Hà Nội) chia sẻ, nhiều chuỗi khách sạn tại TP.Hà Nội đang có công suất đạt 80 - 95% vào những ngày cuối tuần, dịp nghỉ lễ dài ngày sau dịch COVID-19. Các khách sạn 3 - 5 sao tại khu phố cổ đang có dấu hiệu phục hồi khoảng 30 - 50% so với thời điểm năm 2019.

Cũng theo anh Minh, khách sạn của anh chủ yếu đón các đoàn khách quốc tế, khách MICE (du lịch kết hợp hội thảo) đến từ Đông Nam Á với các thị trường Singapore, Malaysia, Thái Lan...

Tuy chưa sôi động như trước dịch COVID-19 nhưng nhiều khách sạn, các cơ sở kinh doanh vốn phụ thuộc phần lớn vào khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế như cửa hàng đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, công ty bán combo du lịch cũng đang dần nhộn nhịp trở lại.

"Là khu phố sầm uất nên lượng khách du lịch thường tập trung ở đây đông hơn các khu khác. Hiện tại, số lượng khách du lịch đặt phòng tại khách sạn đã đạt khoảng 95%, chủ yếu là khách Hàn Quốc, Ấn Độ…

Cùng với lượng khách nước ngoài, khách nội địa Việt Nam cũng ngày càng đông đúc. Doanh thu của khách sạn gần đây cũng đã ổn định trở lại” - chị Trần Hà (nhân viên khách sạn tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay.

Ngành khách sạn nỗ lực phục hồi

Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội mới đây, lượng khách du lịch nội địa đến Thủ đô đã đạt 2,8 triệu lượt khách, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến trong quý IV/2022, Thủ đô Hà Nội sẽ đón lượng khách quốc tế bật tăng, là những điều kiện tốt giúp thị trường khách sạn hồi phục mạnh mẽ.

Nhiều chuyên gia nhận định trong hai quý đầu năm 2022, thị trường khách sạn mới chỉ bước vào giai đoạn phục hồi, phải đến hai quý cuối năm, lĩnh vực này mới thực sự tăng tốc mạnh mẽ để lấy lại phong độ.

Theo đó, vấn đề về nhu cầu và tiến độ phục hồi sẽ tiếp tục được nhiều chủ khách sạn, nhà điều hành và các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, các chủ đầu tư khách sạn cũng sẽ tìm đến những giải pháp tối ưu hóa hiệu suất và dịch vụ, các công ty quản lý tài sản.

Đánh giá triển vọng thị trường khách sạn quý IV/2022, bà Võ Thị Khánh Trang - Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam cho rằng, triển vọng sau đại dịch COVID-19 của ngành khách sạn vẫn đầy hứa hẹn, với sự tham gia của các thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng.

Đặc biệt thị trường khách sạn cuối năm 2022 sẽ có cơ hội tận dụng xu hướng khách sạn hóa bất động sản thương mại ngày càng nhiều. Các khu vực đang tận dụng tốt môi trường hoạt động hiện tại để chuyển đổi và nâng cao vị thế trên thị trường du lịch, thu hút được lượng nhu cầu và đầu tư tăng trưởng vượt trội.

Bức tranh thị trường khách sạn Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại và kỳ vọng phát triển như trước khi xảy ra dịch bệnh. Đặc biệt khi Việt Nam đang nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng với trên 90% dân số được tiêm chủng vaccine vào cuối năm 2022, ngành du lịch cũng như các cơ sở lưu trú sẽ có cơ hội tốt để hồi phục mạnh mẽ trong thời gian tới.

Nihat Ercan - Giám đốc điều hành cấp cao, Trưởng phòng kinh doanh đầu tư Bộ phận Khách sạn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của JLL cũng nhận định, khả năng phục hồi của lĩnh vực khách sạn ở Châu Á - Thái Bình Dương đã đạt tốc độ tương đối nhanh trong năm 2022 do được thúc đẩy bởi nhu cầu đi du lịch của người dân, vốn đã bị dồn nén trong suốt 2 năm qua.

Kết quả, phân khúc khách sạn đã chứng kiến những thương vụ huy động vốn kỷ lục tại các thị trường cửa ngõ của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương...

Nguồn: Thu Giang (Theo laodong.vn)