KHU VỰC NỔI BẬC NHẤT Ở ĐÀ NẴNG ĐANG THU HÚT DÒNG TIỀN LỚN TỪ DOANH NGHIỆP ĐỔ VỀ ĐẦU TƯ

2 năm trước

Khu vực Tây Bắc của TP Đà Nẵng được đầu tư hạ tầng mạnh mẽ và quy hoạch bài bản về phát triển công nghiệp công nghệ cao, đô thị, cảng biển, kéo theo đó hàng loạt doanh nghiệp lớn tìm đến rót hơn tỷ USD để kinh doanh.
 
Khu vực nổi bật nhất ở Đà Nẵng đang hút dòng tiền lớn từ doanh nghiệp đổ về đầu tư - Ảnh 1.
Khu vực Tây Bắc Đà Nẵng từ vị trí sông Cu Đê nhìn về trung tâm thành phố. (Ảnh: CTV).

Tây Bắc Đà Nẵng gồm quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, liền kề núi Hải Vân, bãi biển Xuân Thiều, là cửa ngõ ra các tỉnh, thành phía Bắc.

Về hạ tầng giao thông, điểm nhấn phát triển nơi đây phải kể đến đầu tiên là Đà Nẵng đầu tư tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài hơn 3,2 km, rộng 39 m, 4 làn xe với tổng vốn đầu tư hơn 153 tỷ đồng. 

Năm 2018, tuyến đường khánh thành đưa vào sử dụng đã hoàn chỉnh việc kết nối giao thông từ tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành và Quốc lộ 1A đến đường cao tốc La Sơn – Túy Loan. Bên cạnh đó, tuyến đường đã thu hẹp khoảng cách khu vực Tây Bắc đến trung tâm Đà Nẵng từ 23 km xuống còn 11 km.

Hiện nay, Đà Nẵng đang xây dựng dự án trọng điểm là đường Vành đai phía Tây dài hơn 19 km với tổng vốn đầu tư 1.134 tỷ đồng. Dự án đi qua địa bàn 5 xã của huyện Hòa Vang, có điểm cuối tại Km 19+177 nối trục đường chính của Khu công nghệ thông tin tập trung; dự án đường Vành đai phía Tây 2 gồm hai công trình với tổng mức đầu tư 61,37 triệu USD, trong đó riêng tuyến đường dài hơn 14 km, có điểm đầu tại nút giao quốc lộ 14B (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) đến nút giao đường tránh nam hầm Hải Vân (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang).

Khu vực Tây Bắc này cũng hưởng lợi hạ tầng mạnh mẽ khi Trung ương xây dựng tuyến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan có tổng chiều dài 77,5 km, bắt đầu từ ngã ba La Sơn (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) và kết thúc tại nút giao Túy Loan (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), nối với đầu tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Dự kiến, việc nghiệm thu dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan sẽ được tiến hành trong tháng 12/2021.

Bên cạnh đường bộ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Bến cảng Liên Chiểu (giai đoạn 1) phần cơ sở hạ tầng dùng chung hơn 3.400 tỷ đồng ở quận Liên Chiểu. Hiện nay, Đà Nẵng đang khẩn trương triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công dự án vào tháng 9/2022. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng, dự án Bến cảng Liên Chiểu thuộc lĩnh vực cảng biển quốc gia có tính chất kết nối liên vùng và khu vực Đông Nam Á; thúc đẩy phát triển thông thương hàng hóa của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng miền Trung và Tây Nguyên.

Khu vực này ở Đà Nẵng đang hút dòng tiền lớn của doanh nghiệp đổ về đầu tư - Ảnh 2.

Tuyến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan ở khu vực Tây Bắc Đà Nẵng, đoạn trước Khu công nghệ cao. (Ảnh: TTXVN).

Doanh nghiệp đổ hàng trăm triệu đô đầu tư lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao

Tại khu vực này,TP Đà Nẵng cũng đầu tư Khu công nghệ cao Đà Nẵng có diện tích 1.128,4 ha. Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (Ban Quản lý) cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2021, Khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã thu hút được 21 dự án đầu tư. Trong đó có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 145,33 triệu USD và 17 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 663,4 tỷ đồng.

Luỹ kế đến nay, đã thu hút được 504 dự án, trong đó có 376 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 27.617 tỷ đồng và 128 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,837 tỷ USD.

Cụ thể, Khu công nghệ cao đã thu hút những doanh nghiệp đến đầu tư với nguồn vốn lớn, gồm: Tập đoàn Universal Alloy Corporation Asia Pte., Ltd (UAC) xây dựng Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ, vốn đầu tư 170 triệu USD để sản xuất thân máy bay và động cơ Rolls Royce xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ, EU…Dự án này đã đi vào hoạt động năm 2020.

CTCP Long Hậu đầu tư dự án Nhà xưởng cho thuê với tổng diện tích 29,6 ha, vốn đầu tư hơn 1.050 tỷ đồng; CTCP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn (SaigonTel) đầu tư dự án Nhà xưởng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng, giai đoạn 1 trên diện tích 15 ha; Công ty TNHH Fujkin Đà Nẵng đầu tư dự án Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và sản xuất Fujikin Đà Nẵng với vốn đầu tư là 35 triệu USD.

Hay ông Ha Vinh Ly và bà Nhe Thi Le (quốc tịch Mỹ) đầu tư dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises có tổng vốn đầu tư 110 triệu USD, diện tích hơn 10 ha. Dự án dự kiến khởi công xây dựng trong năm 2021 và hoạt động chính thức vào quý II/2023.

Ban Quản lý cũng đã có văn bản chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư và giới thiệu địa điểm đối với các dự án Nhà máy sản xuất máy in 3D, dịch vụ phần mềm, giải pháp thiết kế, sản xuất vật liệu và sản phẩm composite sợi carbon in 3D của Công ty Arevo (Mỹ) với tổng vốn đầu tư 135 triệu USD; Nhà máy sản xuất Bảng mạch in & Vi cơ điện tử (MEMS) của nhà đầu tư Vector Fabrication (Mỹ) với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD,...

Khu vực này ở Đà Nẵng đang hút dòng tiền lớn của doanh nghiệp đổ về đầu tư - Ảnh 3.

Một góc Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park). (Ảnh: Văn Luận).

Bên cạnh Khu công nghệ cao, CTCP Phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng làm chủ đầu tư xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung (Danang IT Park) quy mô 341 ha.

Dự án được quy hoạch theo hai giai đoạn, gồm: Giai đoạn 1 có diện tích 131 ha với tổng mức đầu tư 47 triệu USD đã đi vào hoạt động năm 2019; giai đoạn 2 có diện tích 210 ha với tổng mức đầu tư 74 triệu USD đang chờ TP Đà Nẵng bàn giao mặt bằng để xây dựng.

Ông Nguyễn Anh Huy, Giám đốc CTCP Phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng cho biết, đơn vị cũng đã thu hút được đối tác đến từ Singapore là Infracrowd Capital đã ký bản hợp tác đầu tư dự án Trung tâm dữ liệu ở Danang IT Park với tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD. Hai bên sẽ nhanh chóng hoàn thiện tất cả các thủ tục cần thiết để có thể triển khai dự án trong năm 2022 và đưa vào vận hành khai thác trong năm 2024.

"Tại Danang IT Park, chúng tôi đã xây dựng các dự án động lực như khu nhà xưởng ICT, khu chuyên gia và các tiện ích. Chính điều đó đã làm cho hình ảnh Danang IT Park trở nên sinh động hơn, hấp dẫn hơn, tiềm năng hơn trên các diễn đàn trong và ngoài nước để doanh nghiệp chọn nơi đây làm điểm đến đầu tư", ông Huy nói.

Trước đó, hồi tháng 10/2020, doanh nghiệp này cũng đã khánh thành, đưa vào hoạt động Dự án nghiên cứu sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao Surface Mount Technology với tổng vốn đầu tư 7 triệu USD.

Doanh nghiệp BĐS rót hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư vào Tây Bắc Đà Nẵng

Khu vực này ở Đà Nẵng đang hút dòng tiền lớn của doanh nghiệp đổ về đầu tư - Ảnh 4.

Một góc Khu đô thị sinh thái Golden Hills. (Ảnh: Văn Luận).

Khu vực Tây Bắc Đà Nẵng không chỉ có quỹ đất dồi dào, hạ tầng hoàn thiện thu hút doanh nghiệp rót vốn ở lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao mà đã là bến đỗ của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS nghỉ dưỡng, khu đô thị.

Cụ thể, Trungnam Land (thành viên Trungnam Group) đã đầu tư tại đây Khu đô thị sinh thái Golden Hills với diện tích gần 400 ha nằm trên trục đường Nguyễn Tất Thành nối dài và tiếp giáp sông Cu Đê (quận Liên Chiểu). Dự án có tổng vốn đầu tư 4.900 tỷ đồng.

Hồi tháng 3, UBND quận Liên chiểu và CTCP Vinpearl (thuộc Vingroup) cũng đã công bố tái khởi động dự án Làng Vân ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Dự án này có quy mô gần 1.000 ha, có tổng vốn đầu tư dự kiến 35.000 tỷ đồng.

Một ông lớn khác đang triển khai dự án BĐS nghỉ dưỡng ở Tây Bắc Đà Nẵng có vốn đầu tư lớn là CTCP Trung Thủy Đà Nẵng, thuộc Tập đoàn Trung Thủy. 

Cụ thể, Trung Thủy Đà Nẵng đầu tư dự án có tên Khu du lịch sinh thái Nam Ô, quy mô gần 25 ha, tổng mức đầu tư 4.825 tỷ đồng ở cuối đường biển Nguyễn Tất Thành, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Chủ đầu tư đã được Sở xây dựng cấp Giấy phép xây dựng ngày 13/11/2020 và đã thực hiện xong việc chọn thầu thi công để triển khai những hạng mục đầu tiên của dự án trong năm 2021.

Không chỉ có doanh nghiệp trong nước đầu tư BĐS vào Tây Bắc, một doanh nghiệp đến từ Nhật Bản là Tập đoàn Mikazuki đang đầu tư dự án Khu du lịch Mikazuki Spa & Hotel (còn gọi là khu du lịch Xuân Thiều mở rộng) quy mô 13 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD ở đường Nguyễn Tất Thành, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.

Tại dự án đầu tư nhiều hạng mục như: Khu suối nước nóng và công viên nước, khách sạn phức hợp 500 phòng ngủ, khu vườn sinh thái, khu đại dương. Hồi tháng 7/2019, làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng, lãnh đạo Tập đoàn Mikazuki cũng bày tỏ mong muốn được đầu tư thêm 50 triệu USD xây dựng chợ đêm và phố đi bộ. Lãnh đạo thành phố đã hoan nghênh việc nghiên cứu đầu tư trên.

Đà Nẵng quy hoạch dồi dào đất phát triển công nghệ cao ở Tây Bắc, chào đón doanh nghiệp đổ về đầu tư tương lai

Khu vực này ở Đà Nẵng đang hút dòng tiền lớn của doanh nghiệp đổ về đầu tư - Ảnh 5.

Khu vực này ở Đà Nẵng đang hút dòng tiền lớn của doanh nghiệp đổ về đầu tư - Ảnh 6.

Bản vẽ điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Người viết chụp một phần khu vực phía Tây Đà Nẵng. (Nguồn: danang.gov.vn).

Hồi tháng 3, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, Đà Nẵng sẽ hình thành hai vành đai kinh tế, trong đó có Vành đai phía Bắc - Vành đai công nghiệp công nghệ cao và Cảng biển - Logistics. Thành phố phát triển các trung tâm phân tán, trong đó có Trung tâm dịch vụ công nghệ cao tại khu vực Tây Bắc thành phố.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng tập trung phát triển công nghệ cao với quy mô diện tích đất khoảng 1.710 ha, gồm: Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao mở rộng; Khu công nghệ thông tin tập trung số 1, số 2,...Thành phố sẽ phát triển các trung tâm logistics và kho bãi với quy mô diện tích đất khoảng 229 ha, bao gồm: Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, trung tâm logistics ga Kim Liên mới, trung tâm logistics Khu công nghệ cao,...

Theo quy hoạch, Đà Nẵng xây dựng nhà ga đường sắt mới đạt công suất 10 triệu hành khách/năm, diện tích khoảng 30 ha, depot diện tích khoảng 60 ha, tại khu vực phía Bắc nút giao giữa đường Bà Nà - Suối Mơ với đường bộ cao tốc, gắn với việc hình thành hệ thống trung tâm thương mại dịch vụ, là động lực phát triển khu vực phía Tây thành phố. 

Bên cạnh đó, thành phố đầu tư xây dựng mới cảng Liên Chiểu công suất đạt 50 triệu tấn/năm, diện tích khoảng 450 ha (bao gồm cả phần mặt nước),...

"Thành phố Đà Nẵng là trung tâm kinh tế - xã hội của Miền Trung và Tây Nguyên, đóng vai trò là hạt nhân tạo động lực tăng trưởng cho cả khu vực. Đà Nẵng đã, đang và sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước do có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các địa phương lân cận bởi vị trí địa lý chiến lược, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, trong đó hạ tầng CNTT được đánh giá là tốt nhất ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, thành phố có nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo bài bản, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp và môi trường sống lý tưởng nhất Việt Nam", bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng chia sẻ.

Nguồn: Văn Luận (Theo doanhnghiep.kinhtechungkhoan.vn)