Khu vực Cẩm Nam 2: 6 năm vướng quy hoạch

8 năm trước

Khu vực Cẩm Nam 2 thuộc phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) nằm trong dự án “Quỹ đất dự trữ phát triển đô thị và chống ngập ven sông phía nam cầu Cẩm Lệ”. Việc quy hoạch dự án kéo dài từ năm 2010 đến nay.

Thôn Cẩm Nam 2 (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ chìm sâu dưới cốt nền khu đô thị phía nam cầu Cẩm Lệ. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Thôn Cẩm Nam 2 (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ chìm sâu dưới cốt nền khu đô thị phía nam cầu Cẩm Lệ. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Bà Nguyễn Thị Đông (tổ 40C, phường Hòa Xuân) cho biết, gia đình vốn có 3 sào đất lúa để canh tác nhưng đã được thu hồi để phát triển khu đô thị nam cầu Cẩm Lệ. Một phần đất đã san lấp mặt bằng, xây dựng khu dân cư mới, một phần còn lại do không có nguồn nước thủy lợi nên không canh tác, đất ruộng bỏ hoang, cỏ mọc ngập đầu người quanh năm. “Nói là nói vậy chứ việc thu hồi đất sản xuất của người dân để phát triển đô thị đã được sự đồng thuận của người dân, người dân được đền bù. Cái lo hiện nay là nơi ở đang trong tình cảnh quy hoạch “treo”. Đất ven nhà, đất trước mặt đường trở thành đất ở đô thị, thế nhưng người dân khắp nơi lại chuyển về đây lập nghiệp, làm nhà ở mới khang trang. Người dân thôn Cẩm Nam 2 vẫn nhà cũ, vườn xưa từ thời còn là đơn vị hành chính thôn thuộc xã Hòa Châu và nay là tổ 40C, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ”, bà Đông cho biết.

Khu vực Cẩm Nam 2 nằm trong dự án “Quỹ đất dự trữ phát triển đô thị và chống ngập ven sông phía nam cầu Cẩm Lệ”. Tên gọi của dự án đã thể hiện sự chưa cấp thiết trong triển khai với các khâu thu hồi, giải tỏa, đền bù và tái định cư (TĐC). Do đó, việc quy hoạch dự án kéo dài từ năm 2010 đến nay. Khu vực dự án đã được kiểm định, phê duyệt hồ sơ pháp lý về nhà đất. Theo đó, dự án có 362 hồ sơ giải tỏa, gồm 228 hồ sơ đất ở của 81 hộ gia đình đang có nhà ở thực sự, 92 hồ sơ đất nông nghiệp; phần còn lại là đất hoang, đất màu, đất trồng cây lâu năm, đất nghĩa địa…

Để thực hiện giải tỏa, đền bù và TĐC, dự án cần nguồn kinh phí 147 tỷ đồng, trong đó kinh phí chi trả đền bù cho 81 hộ có nhà ở thực tế chiếm 51 tỷ đồng. Tuy nhiên, giải quyết đất ở TĐC là một nhiệm vụ khó khăn khi cần đến 255 lô đất TĐC mới. Rõ ràng, nhu cầu quỹ đất TĐC phục vụ giải tỏa dự án là bài toán nan giải khi quỹ đất TĐC hiện hữu trên địa bàn phường Hòa Xuân rất khó đáp ứng cho dự án. Theo phản ánh của người dân, họ đều mong muốn được TĐC tại chỗ hoặc vùng lân cận dự án. Song, mong muốn này hoàn toàn không thể thực hiện được bởi đi ngược lại mục tiêu của dự án là tạo nguồn quỹ đất dự án phát triển đô thị. Mặt khác, quỹ đất TĐC lân cận là các khu TDC khu A, khu B đô thị nam cầu Cẩm Lệ đã hết.

Khó khăn khác diễn ra khi việc quy hoạch, kiểm định đền bù tại dự án đã được triển khai từ năm 2010. Theo đó, hộ giải tỏa được phê duyệt tính pháp lý và áp giá đền bù theo Quyết định số 70/2007/QĐ-UBND và Quyết định số 71/2007/QĐ-UBND ngày 20-7-2007. Trong lúc đó, hiện nay, chính sách đền bù giải tỏa đã có sự thay đổi, hộ giải tỏa được nâng mức giá trị đền bù thiệt hại cao hơn và các chính sách hỗ trợ khác cũng theo đó tăng thêm.

Với những khó khăn, vướng mắc trên, dự án thực sự khó được triển khai trong thời điểm này. Tuy nhiên, không vì thế mà để dự án treo, gây phiền hà cho người dân trong việc ổn định cuộc sống lâu dài.

TRIỆU TÙNG