Khát vọng từ những nhịp cầu

7 năm trước

Một Sơn Trà cũ kỹ, xộc xệch với những nóc nhà chồ, làng chài lổm nhổm ven sông, giờ chỉ còn trong ký ức. Lời nói ví von “con gái quận ba không bằng bà già quận nhất” lâu lắm rồi đã thất truyền trên cửa miệng mỗi ai đó thốt ra. Rồi một Ngũ Hành Sơn trầm mặc với cái cảnh tù mù đèn dầu, nhà không số, phố không tên, nay như “nàng tiên cá” ngoi lên ven biển, ven sông.

Cầu Sông Hàn, cây cầu đầu tiên ra đời tạo “cú hích” đưa bờ Đông phát triển.	                       Ảnh: HOÀNG NAM

Cầu Sông Hàn, cây cầu đầu tiên ra đời tạo “cú hích” đưa bờ Đông phát triển. Ảnh: HOÀNG NAM

Có được những “bộ cánh hàng hiệu” đang khoác trên mình, người dân Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, thậm chí một phần của quận Hải Châu, ai cũng hiểu rõ một điều, nhờ chính quyền thành phố hạ quyết tâm “vươn ra biển lớn”, mà cụ thể là những lần phát lệnh khởi công xây dựng các nhịp cầu, đã tạo ra “cú hích” phát triển kinh tế…

Những cây cầu mang khát vọng

Nhiều đồng nghiệp làm báo mỗi lần đến Đà Nẵng tác nghiệp cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, những sự kiện lớn của đất nước tổ chức bên dòng Hàn giang đều xuýt xoa: Tốc độ đô thị hóa của Đà Nẵng về hướng biển nhanh đến chóng mặt. Họ nhận xét đâu có sai. Những vùng đất Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn thay chiếc áo mới theo từng tháng, từng năm.

Tôi nhớ, lúc sinh thời, trong một buổi nói chuyện với cán bộ thành phố, ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Trưởng Ban nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bộc bạch: Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hầu như thành phố Đà Nẵng này bị xới tung lên tất cả.

Nhưng đó là tất yếu, vì để tương lai không xa, Đà Nẵng trở thành một đô thị đáng sống. Khoảng thời gian “xới tung thành phố”, có những lần chính quyền Đà Nẵng phát lệnh khởi công những dự án cầu nối đôi bờ sông, nhân lên niềm vui cho người dân ở bờ đông, bờ tây.

Mỗi lần phát lệnh xây cầu là một “cú hích” phát triển kinh tế, đưa khát vọng “hóa rồng” của Đà Nẵng tiến xa hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, mỗi cây cầu của thành phố mọc lên như một “con rồng nhỏ”, hiển hiện một nét kiến trúc độc đáo riêng.

Sau cây cầu đầu tiên phát lệnh khởi công khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - cầu Sông Hàn (năm 1997) và khánh thành vào ngày 29-3-2000 mang lại niềm vui vô bờ cho nhân dân “bên ni, bên tê”, rồi hàng loạt cây cầu khác lần lượt ra đời, tạo bước đột phá để Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn đổi thay.

Với thiết kế kiểu cầu quay, tổng chiều dài cầu 122,7 mét, cầu Sông Hàn trở thành biểu tượng của thành phố, thu hút vô số du khách tham quan, thưởng lãm mỗi khi đến đây.

Sau cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước hình thành như “con giao long” vươn mình ra biển và là “cánh tay nối dài” nối quận Hải Châu trung tâm với tuyến đường ven biển Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là cây cầu dây võng dài nhất nước được hoàn thành đúng vào kỷ niệm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng năm 2009.

Ngày khánh thành cây cầu này, chính quyền thành phố cũng long trọng tổ chức khởi công cầu Rồng với mẫu thiết kế hình con rồng lớn ngẩng cao đầu vươn mình ra biển, có thiết kế đài phun nước, phun lửa, trở thành điểm đến tuyệt mỹ cho du khách vào dịp lễ, Tết, cuối tuần kể từ khi hoàn thành, đưa vào sử dụng ngày 29-3-2013.

Đây cũng là ngày Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tận hưởng niềm vui nhân đôi, bởi cây cầu mang kiến trúc cánh buồm căng gió, đẹp lạ - cầu Trần Thị Lý cũng hoàn thành, đón những dòng xe từ trung tâm thành phố hướng ra bãi biển Mỹ Khê quyến rũ nhất hành tinh, tận hưởng làn gió biển mằn mặn, dải cát trắng miên man.

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải nói với tôi rằng, từ khi có những cây cầu, Đà Nẵng đã khoác lên mình một “chiếc áo hàng hiệu”. Rõ ràng, từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng chọn phát triển hạ tầng giao thông làm bước đột phá là đúng đắn. Và từ những đường mòn, đường đất, những khu nhà nhếch nhác, nhà chồ, dãy nhà không số, phố không tên còn in đậm vết giày của quân xâm lược sau giải phóng, hôm nay vùng đất Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đã trở thành những “viên ngọc” lấp lánh ven bờ biển đông với hàng loạt khu tái định cư khang trang, sạch đẹp…  

“Cú hích” đưa thành phố vươn mình

Đúng là mỗi cây cầu như một “cú hích” để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đưa Đà Nẵng vươn mình. Câu ví von “con gái quận ba không bằng bà già quận nhất”; hình ảnh nhà chồ, ổ chuột lô nhô như chiếc lược gãy răng cài nay chỉ là dĩ vãng.

Sự khác biệt giữa quận nhất, quận ba sau gần 20 năm đã gần như cân bằng. Từ một dự án khởi đầu là “vệt đường Bạch Đằng Đông” tổng số vốn cả ngàn tỷ đồng; chuyện người dân nhà chồ về với đất liền, sống trong những khu chung cư khang trang như trong mơ, tạo ra bao cảm xúc khó tả, đến những đại lộ tít tắp ven biển hàng chục cây số với vô số khu resort đẳng cấp thế giới mọc lên, như những “nàng tiên cá” vừa ngoi lên trên mặt biển.

Nơi ấy, khi bình minh ló rạng, lúc hoàng hôn buông xuống, người dân và du khách tay trong tay thong dong bách bộ thỏa thích ngắm đàn bồ câu - biểu tượng của hòa bình bay lượn yên bình, nhìn từng đoàn tàu căng buồm ra khơi, phất phới cờ đỏ sao vàng trên boong.

Cũng từ khi có những cây cầu, những tuyến đường huyết mạch Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp dọc biển Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đã có hàng chục dự án du lịch ven biển mọc lên. Khách du lịch tề tựu về đây du lịch, nghỉ dưỡng đông như trẩy hội, nhất là mùa du lịch cao điểm.

Chỉ đơn cử về tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng mà thành phố và quận Sơn Trà đã đề ra mới hiểu thấu địa phương này đã trỗi dậy thế nào. Năm 2010, ở Sơn Trà, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp theo tỷ lệ 44,5% - 47,6% - 7,9%; đến năm 2015 là 63,93% - 30,67% - 5,4%.

Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của Sơn Trà ước đạt khoảng 43 triệu đồng/năm, tăng gấp 2,26 lần vào năm 2010 và vượt 26% so với nghị quyết. Với tốc độ phát triển của Sơn Trà hiện nay, việc địa phương này đặt ra chỉ tiêu cho nhiệm kỳ 2015-2020 có tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm cho cả nhiệm kỳ là 10%; tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành dịch vụ 20,54%; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 8,64%; nông nghiệp - xây dựng tăng 6,36 hiển nhiên sẽ trở thành hiện thực.

Cùng với sự phát triển kinh tế, hàng loạt hoạt động như trình diễn pháo hoa quốc tế, tắm biển, chương trình nghệ thuật dân gian miễn phí cuối tuần… cũng đã và sẽ thu hút du khách nối đuôi nhau đến với Sơn Trà.

Ở một góc độ khác, không phải ngẫu nhiên tuyến đường ven biển Mỹ Khê này đã được tờ Sunday Herald Sun của Úc đánh giá xếp hạng là một trong số 10 bãi biển ở châu Á được yêu thích nhất thế giới. Một tạp chí khác cũng xếp hạng bãi biển này là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh.

Ở đó, có tới trên dưới 50 khu resort triệu đô, khu sân golf, khách sạn và biệt thự cao cấp san sát mọc kín trên vùng “đất chết” vốn xưa kia chỉ nhấp nhô những trảng dương cằn cỗi. Rồi một Ngũ Hành Sơn huyền thoại nhưng trầm mặc, tương lai gần sẽ trở thành khu  du lịch văn hóa tâm linh, “đặc sản” du lịch ven sông Cổ Cò.

Kể cả một thung lũng Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) vốn nghèo nàn, nay cũng trở thành khu đô thị mới với những “thửa vàng miếng”, dự án bất động sản nặng ký từ khi thành phố thực hiện chỉnh trang đô thị.

Làm nghề báo và tiếp xúc với không ít người dân của Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn qua những chuyến thực tế, tôi nghe được nhiều chia sẻ từ họ, rằng cứ mỗi cây cầu xuất hiện trên sông Hàn, là một lần giúp cho cuộc sống khốn khó, thiếu đường, điện, thông tin liên lạc của nhân dân thêm khởi sắc, no đủ hơn. Mọi người cũng hiểu rõ được rằng, từ sự đồng thuận của chính quyền thành phố và nhân dân đôi bờ sông đã góp phần tạo ra những “cú hích” để thành phố Đà Nẵng phát triển, chuyển mình vươn ra biển lớn.

 

Trong nghề viết phóng sự/bút ký, sợ nhất vì lý do nào đó khiến phải chạm đến những đề tài, sự kiện, nhân vật đã được khai thác quá nhiều. Nó đòi hỏi người viết cần đọc kỹ người đi trước, ít nhất trong khoảng thời gian 6 tháng gần nhất, để cập nhật thông tin nóng và để tìm cách nói mới về một điều đã hao khuyết yếu tố mới lạ… Quan trọng hơn, là phải tìm bằng được những chi tiết đắt giá và riêng có để có thể làm nên sự khác biệt, là lý do tồn tại của bất kỳ tác phẩm văn nghệ cũng như báo chí.

Với góc nhìn đó, phần lớn các tác giả tham gia cuộc thi viết phóng sự/ký sự “Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới” đều gặp thử thách. Bởi từ hình tượng đầy ấn tượng Nguyễn Bá Thanh đến quá trình xây dựng các “danh hiệu/thương hiệu” thành phố đáng sống, thành phố có bờ biển đẹp hạng nhất hành tinh, thành phố pháo hoa, thành phố của những cây cầu… - là những “dấu ấn” đẹp trong 20 năm đổi mới của Đà Nẵng - đều đã được các kênh truyền thông trong nước và nước ngoài ra sức “tận thu”.

Bất chấp Google cung cấp 1.0040.000 kết quả tìm kiếm cụm từ Đà Nẵng thành phố của những cây cầu trong 0,06 giây, Hoàng Nam vẫn tự tin góp thêm vào chuyên mục này một phóng sự. Và bạn đọc sẽ cùng tham gia phát hiện đâu là những riêng có của Hoàng Nam.

Nhà báo VĨNH QUYỀN

HOÀNG NAM