Khai thác điểm đến mới cho du lịch sinh thái cộng đồng

7 năm trước

 

 

Cùng với tài nguyên biển, các sản phẩm du lịch hiện đại, Đà Nẵng còn được thiên nhiên ưu đãi khá nhiều tiềm năng về môi trường sinh thái. Cần có những giải pháp, chiến lược khai thác, phát triển những ưu thế này để tạo ra các sản phẩm du lịch.

Người dân tộc Cơtu đang biểu diễn múa tung tung dza dzá tại nhà gươl.
Người dân tộc Cơtu đang biểu diễn múa tung tung dza dzá tại nhà gươl.

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng, hai thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Nơi đây sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên như có những con suối rộng và nông, cảnh quan đẹp vẫn nguyên vẹn nét hoang sơ chưa bị khai thác và thương mại hóa… Bên cạnh đó, có nhiều tài nguyên du lịch nhân văn như ẩm thực dân tộc Cơtu, nghề truyền thống, nhà gươl, các lễ hội văn hóa, các tiết mục múa cồng chiêng, múa tung tung dza dzá (điệu dân vũ của người Cơtu) mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Cơtu..., dễ dàng tạo sức hút du khách. Tuy nhiên, hiện nay, thỉnh thoảng mới có khách đến Tà Lang và Giàn Bí nhưng không lưu trú vì không có các dịch vụ du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

Trong chuyến khảo sát nhà gươl, cộng đồng biểu diễn văn nghệ và múa tung tung dza dzá, các món ẩm thực của người Cơtu… tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí, do Hội Nông dân huyện Hòa Vang phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng tổ chức, ông Trần Trà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng đánh giá, đây là những sản phẩm du lịch khá thú vị, không chỉ vì địa hình có nhiều lợi thế sông, núi, suối, có văn hóa độc đáo…, mà còn là điểm gạch nối giữa Đà Nẵng và núi Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) đối với khách thích môi trường du lịch sinh thái. Điểm đến này sẽ là sự lựa chọn cho các du khách khó tính với mong muốn được trải nghiệm văn hóa bản địa.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho rằng, Tà Lang, Giàn Bí đúng là điểm đa dạng vì có đầy đủ yếu tố về cảnh quan, địa hình, lịch sử và văn hóa trong một không gian rất gần trung tâm thành phố. Nếu đưa sản phẩm này vào khai thác du lịch thì sẽ có nhiều thuận lợi vì tuyến đường giao thông thông suốt, trên đường đi có nhiều cảnh đẹp; đồng thời tạo được sự độc đáo, khác biệt giữa những sản phẩm hiện đại. Điểm đến này cũng rất phù hợp với đối tượng khách thích trải nghiệm du lịch cộng đồng và sinh thái bởi khách được hòa mình vào các hoạt động của người dân địa phương.

Anh Hoàng Văn Long, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng cho biết thêm, nghiên cứu của viện cũng chỉ ra rằng, ngoài những tài nguyên thiên nhiên vốn có, sản phẩm du lịch cộng đồng bao gồm các hoạt động mà khách du lịch sẽ tham gia cùng cộng đồng dân cư và có các dịch vụ bổ trợ nhằm tăng trải nghiệm cho khách, chẳng hạn như dịch vụ homestay, đi bộ tham quan làng bản, tắm suối, học nấu ăn, học bắn nỏ, ném lao, dệt vải truyền thống… Điểm đến Tà Lang, Giàn Bí vẫn rất mới nên còn nhiều khó khăn, vì hoạt động du lịch sinh thái mới chỉ dừng lại ở du lịch dựa vào thiên nhiên; nguồn nhân lực cho du lịch cộng đồng tại địa phương còn hạn chế (điều hành, quản lý, hướng dẫn viên…), người dân chưa có kỹ năng làm du lịch; cơ sở vật chất phục vụ du lịch sinh thái hạn chế. Hơn nữa, đối tượng khách mà người dân phục vụ dự kiến đa phần là người nước ngoài nên ngôn ngữ cũng là một bài toán cần giải quyết…

Theo báo Đà Nẵng