GÓP Ý ĐỒ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

4 năm trước

Báo Đà Nẵng vừa tiếp nhận thêm một số ý kiến của các nhà nghiên cứu và nhà khoa học góp ý đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là những ý kiến tâm huyết góp phần xây dựng và phát triển thành phố trong những năm đến. 

Quy hoạch cần bổ sung nhiều công trình điểm nhấn đô thị. Trong ảnh: Quy hoạch và thi công hạ tầng vùng lõi Khu Công nghệ thông tin tập trung giai đoạn 1. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Quy hoạch cần bổ sung nhiều công trình điểm nhấn đô thị. Trong ảnh: Quy hoạch và thi công hạ tầng vùng lõi Khu Công nghệ thông tin tập trung giai đoạn 1. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố: Cần lập quy hoạch cơ sở y tế độc lập

Qua đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tôi quan tâm đến một số vấn đề như việc quy hoạch địa danh Hòn Sơn Trà/Hòn Chảo được thể hiện như thế nào. Thành phố đã rất đúng và thể hiện rõ ý thức chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc khi trong toàn bộ hồ sơ này và đặc biệt là qua các bản đồ, chúng ta đều đề cập về quần đảo Hoàng Sa thuộc huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng). 

Thành phố cũng rất đúng khi tất cả bản đồ trong hồ sơ đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung lần này bằng màu sắc đã khẳng định Hòn Sơn Trà/Hòn Chảo là một bộ phận không thể tách rời của cửa biển Đà Nẵng và của Vịnh Đà Nẵng.

Tiếc rằng khác với địa danh Hoàng Sa, địa danh Hòn Sơn Trà/Hòn Chảo chưa hề được hiện diện trong toàn bộ hồ sơ này, trong khi hoàn toàn có thể tích hợp địa danh Hòn Sơn Trà/Hòn Chảo vào rất nhiều nội dung tương thích như: du lịch đường biển, đa dạng sinh học, văn hóa tâm linh, như quốc phòng - an ninh… Cho nên, ở đây bằng bản đồ chưa đủ mà phải qua quy hoạch, thể hiện chính kiến rõ ràng của thành phố về địa danh Hòn Sơn Trà/Hòn Chảo.

Đối với Sân vận động Chi Lăng được thể hiện như thế nào trong toàn bộ hồ sơ này? Hiện nay, nhân dân Đà Nẵng vẫn đang mong chờ Sân vận động Chi Lăng trở lại quyền quản lý sử dụng của thành phố, cho nên hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cần phải kịp thời bổ sung. Ví dụ, xác định quy hoạch Sân vận động Chi Lăng trở thành thiết chế văn hóa - thể thao của quận Hải Châu.

Vấn đề phát triển các cơ sở y tế cũng cần quan tâm bởi qua thực tế phòng, chống Covid-19, đề nghị thành phố cần quy hoạch Trung tâm Y học nhiệt đới 600 giường thành một cơ sở y tế độc lập, không nằm chung trong Bệnh viện Đà Nẵng cơ sở 2 (quy hoạch tại khu vực phường Hòa Quý) như nêu trong hồ sơ này.

Theo tôi, nên điều chỉnh ngay theo hướng tìm một địa điểm khác cho Bệnh viện Đà Nẵng cơ sở 2 với Trung tâm Huyết học, Trung tâm Lão khoa và là nơi khám chữa bệnh đa khoa. Đối với địa điểm quy hoạch hiện nay ở phường Hòa Quý chỉ dành riêng cho Trung tâm Y học nhiệt đới 600 giường và có khả năng nâng số giường lên gấp đôi trong tình huống dịch diễn biến phức tạp; hoặc ngược lại, quy hoạch một địa điểm khác phù hợp hơn dành riêng cho Trung tâm Y học nhiệt đới 600 giường...

Vấn đề khác theo tôi nên rà soát thật kỹ hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 lần này để không tồn tại những trường hợp dự án lấn sông Hàn mới phát sinh thời gian gần đây.

KTS Nguyễn Chí Ngọc: Bổ sung quy hoạch các công trình điểm nhấn đô thị

Về dự báo phát triển khi việc xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội cần luận cứ trên các số liệu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực quốc tế cũng như các nước trong khu vực; dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Về chỉ tiêu hạ tầng xã hội, kỹ thuật cần có thuyết minh cũng như luận giải về việc áp dụng các chỉ tiêu cao hơn so với quy chuẩn như đất thể dục - thể thao 4,6m2/người; cao độ nền xây dựng tối thiểu phải bảo đảm quy chuẩn cho đô thị loại 1 đó là mực nước tính toán cao nhất có chu kỳ theo tần suất P=1%.

Đối với nội dung mô hình, cấu trúc phát triển, đề xuất bổ sung thuyết minh để làm rõ mô hình phát triển đô thị là “phát triển đa cực” với nhiều trung tâm và 2 vành đai; cần cân nhắc sử dụng cụm từ “vành đai đổi mới sáng tạo”.

Về phân vùng chức năng, cần xác định rõ ranh giới khu vực nội thành với ngoại thành (trong tương lai vẫn còn đơn vị hành chính cấp huyện là Hòa Vang); bổ sung ranh giới cũng như giải pháp quy hoạch cải tạo, chỉnh trang khu đô thị hiện hữu; bổ sung ranh giới khu vực bảo tồn; bổ sung thuyết minh rõ tính chất của các trung tâm để bổ trợ nhau thành một đô thị hoàn chỉnh theo mục tiêu quy hoạch đặt ra (trung tâm đô thị, trung tâm tài chính, trung tâm dịch vụ đại học, các trung tâm phụ...).

Đối với khu vực phát triển hỗn hợp, bổ sung thuyết minh tỷ lệ các loại đất tích hợp để bảo đảm bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tiện ích công cộng phục vụ kèm theo (bao nhiêu % là cho khu dân cư, cho du lịch, cho văn phòng...).

Về thiết kế đô thị cần bổ sung vị trí các công trình là điểm nhấn đô thị, sau này sẽ là cơ sở để chính quyền tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc; bổ sung các bản vẽ gợi ý minh họa nhằm quản lý bộ mặt kiến trúc dọc hai bên bờ sông Hàn, cũng như dọc đường bờ biển.

Cuối cùng là định hướng hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố Đà Nẵng là đô thị loại 1 nên cần bổ sung nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị theo Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 7-4-2010 của Chính phủ.

Nguồn: Triệu Tùng (Theo baodanang.vn)