Đường Nguyễn Văn Linh - nơi dáng rồng vươn khơi

8 năm trước

ĐNĐT - Bước ra khỏi Sân bay quốc tế Đà Nẵng, con đường Nguyễn Văn Linh rộng thênh thang như đang đón chào du khách khám phá thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp.

Ra khỏi sân bay là con đường Nguyễn Văn Linh thẳng tắp sẽ đưa du khách tới các điểm du lịch của thành phố.
Ra khỏi Sân bay quốc tế Đà Nẵng là con đường Nguyễn Văn Linh rộng đẹp, đưa du khách đến các điểm du lịch nổi tiếng của thành phố biển. Ảnh: THU HÀ

Con đường của sự đồng thuận

Để có được con đường đẹp đẽ và sầm uất như hiện nay, ít người biết rằng, đó là tầm nhìn và tâm huyết của lãnh đạo thành phố từ những ngày đầu khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Khi đó, đang tiến hành mở rộng, nâng cấp đường Phan Thanh, tuyến đường đầu tiên thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, lãnh đạo thành phố quyết tâm mở một đường trục đa mục tiêu: Là tuyến đường mặt tiền, nối liền Sân bay Đà Nẵng với trung tâm thành phố, giải tỏa vùng Thạc Gián - Vĩnh Trung - Bàu Hạc thấp trũng, rốn ngập lụt, xóa những xóm nghèo xơ xác, nhà cửa tạm bợ và xa hơn nữa là thông đường về phía đông, hướng ra biển lớn.

Với ý nghĩa đó, dự án được đặt tên là công trình đường Đông Tây, kéo dài từ sân bay tới nút giao thông Hoàng Diệu - Ông Ích Khiêm - Triệu Nữ Vương, tạo thành một ngã năm sầm uất, nhộn nhịp. Ban đầu vẫn gọi là đường Đông Tây, tới năm 1998, đường được mang tên cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Nhiều người dân Đà Nẵng hẳn vẫn còn nhớ ngay tại ngã năm, điểm cuối đường Nguyễn Văn Linh, Nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương như một dấu mốc đã ghi dấu biết bao sự kiện lớn, nhỏ của thành phố. Sau này, khi Nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương bị dỡ bỏ để nâng cấp, mở rộng đường, tạo sự thông thoáng cho tuyến phố trung tâm của Đà Nẵng.

Cũng trên tuyến đường khang trang, hiện đại này, ngay tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Thúc Kháng, người dân và du khách có thể ghé thăm Nhà bia Nghĩa trủng Phước Ninh - Di tích lịch sử quốc gia, nơi tưởng niệm các anh hùng, nghĩa sĩ đã ngã xuống trong buổi đầu kháng Pháp (1858). Một hình ảnh rất đời thường, bình dị nhưng cho thấy sự nối tiếp giữa quá khứ và hiện tại trên trục đường đánh dấu sự phát triển của Đà Nẵng.

Cửa ngõ của thành phố

Với những tòa nhà cao tầng khang trang, vỉa hè rộng rãi có mái hiên dành cho người đi bộ không bị ướt mưa, đường Nguyễn Văn Linh trở thành con đường mặt tiền của thành phố. Đặc biệt, từ năm 2010 khi cây cầu Rồng bắc qua sông Hàn được khởi công xây dựng, đường Nguyễn Văn Linh tiếp tục được mở rộng, chạy thẳng về hướng sông Hàn, giao nhau với đường Trần Phú, Bạch Đằng.

Với hình dáng con Rồng đang bay ra biển lớn, cây cầu bằng thép nặng gần 9 ngàn tấn có cấu trúc độc đáo nhất từ trước đến nay đã nối con đường cửa ngõ thành phố đến với bãi biển Mỹ Khê - bãi biển được mệnh danh là đẹp và quyến rũ nhất hành tinh, đưa du khách đến với những resort đẳng cấp quốc tế như Furama, Olalani, Pullman, Intercontinental, Hyatt..., đến với danh thắng nổi tiếng như Ngũ Hành Sơn, phố cổ Hội An…

Với hơn 10 trụ sở của các ngân hàng lớn, các công ty bảo hiểm, dịch vụ tài chính, sàn giao dịch chứng khoán…, đường Nguyễn Văn Linh được mệnh danh là con phố tài chính của Đà Nẵng. Bên cạnh đó, con đường này còn được nhiều du khách đánh giá là con đường của sự tiện ích với những dịch vụ đa dạng như: Bệnh viện Hoàn Mỹ, Trường Đại học Duy Tân, Công ty Bưu chính viễn thông, hệ thống các khách sạn, trung tâm thông tin di động, nhiều tòa nhà cao ốc văn phòng, những showroom công nghệ mới… Tất cả đã đưa đường Nguyễn Văn Linh trở thành hình mẫu đột phá về hướng phát triển dịch vụ hiện đại, chất lượng cao.

Cùng với hạ tầng và cơ sở sẵn có, nhiều doanh nghiệp, công ty lớn cũng đầu tư thêm những dịch vụ, sản phẩm mới nhằm cung cấp những tiện ích mới mẻ, thông minh, tiện lợi hơn cho người dân và du khách khiến đường Nguyễn Văn Linh ngày thêm hiện đại, sầm uất và nhộn nhịp, xứng đáng là tấm thảm được trải dài chào đón du khách và các nhà đầu tư đến với thành phố Đà Nẵng.

Đường Nguyễn Văn Linh không quá dài, khoảng hơn 2,5km tính từ đầu cổng Sân bay quốc tế Đà Nẵng đến chân cầu Rồng, nhưng ai đã một lần đi qua đều sẽ nhớ mãi những hình ảnh tươi mới, năng động và hiện đại của tuyến phố này. Từ những hình ảnh nhỏ nhất như hàng cây, hay bồn hoa giữa lòng đường đều được chăm chút một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng, cộng với đó là sự đầu tư mạnh mẽ cho việc phát triển các loại hình dịch vụ - thương mại - tài chính… Những yếu tố này chính là sự chuẩn bị dài hơi cho con Rồng vươn ra biển lớn.

Thu Hà - Hoàng Hiệp

BÁO ĐÀ NẴNG