DU LỊCH CHĂM SÓC SỨC KHỎE, XU HƯỚNG QUỐC TẾ VÀ TIỀM NĂNG TẠI VIỆT NAM

2 năm trước

Những năm gần đây chúng ta đang quen dần với thuật ngữ "Wellness life" hoặc hiểu theo nghĩa tiếng Việt ngắn gọn nhất là "sống khoẻ". Xu hướng sống khoẻ này đã hình thành không mới nhưng càng phát triển mạnh kể từ khi dịch Covid19 xuất hiện, từ đó nhu cầu về sống khoẻ ngày một cao hơn.
Empty

Ông Nguyễn Hoàng, Chuyên gia nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam. Ảnh: Trọng Hiếu.

Sáng 25/10, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức Hội thảo "Đón đầu xu hướng bất động sản chăm sóc sức khỏe". Nhadautu.vn xin giới thiệu bài tham luận của ông Nguyễn Hoàng, Chuyên gia nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam.

Những năm gần đây chúng ta đang quen dần với thuật ngữ "Wellness life" hoặc hiểu theo nghĩa tiếng Việt ngắn gọn nhất là "sống khoẻ". Sống khoẻ - Wellness life ở đây bao gồm cả sức khoẻ cơ thể và tinh thần. Xu hướng sống khoẻ này đã hình thành không mới nhưng càng phát triển mạnh kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, từ đó nhu cầu về sống khoẻ ngày một cao hơn.

Trong khái niệm của Wellness life – Sống khoẻ có nhiều khía cạnh từ văn hoá, phong cách sống đến kinh tế mà bao gồm cả dinh dưỡng, thể thao, du lịch, chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp, thuận theo tự nhiên, bảo vệ thiên nhiên môi trường mà tất cả có thể tổng hợp cả những hoạt động du lịch được gọi là Wellness tourism, chúng ta quen gọi là "Du lịch chăm sóc sức khoẻ".

Xu hướng trên thế giới và Vietnam

Theo số liệu của tổ chức Global Wellness Institute (GWI), tổng kinh tế Wellness toàn cầu năm 2020 dù bị tác động bởi Covid-19 vẫn đạt khoảng 4,400 tỷ USD và dự kiến đạt đến 7,000 tỷ USD vào năm 2025. Số liệu cũng cho thấy khu vực Châu Á dẫn đầu với tỉ lệ lớn nhất với khoảng 1,500 tỷ USD của kinh tế Wellness và tốc độ tăng trưởng từ 2017 đến 2019 khoảng 8.1% (trung bình thế giới khoảng 6.6%).

Empty

Số liệu từ GWI.

Cũng theo báo cáo trên, riêng lĩnh vực Du lịch chăm sóc sức khoẻ - Wellness tourism toàn cầu đạt 617 tỷ USD năm 2017 và 720 tỷ USD năm 2019, dự kiến đến 816.5 tỷ USD năm 2022 và lên đến 1,127.6 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng trung bình có thể lên đến 20.9%/năm. Khu vực Châu Á có Trung Quốc – Nhật Bản - Ấn Độ - Thái Lan – Hàn Quốc – Mã Lai là những nước lọt vào top 20 thị trường du lịch wellness hàng đầu thế giới năm 2020 với doanh số lần lượt tương ứng là 19.5 tỷ USD – 19.1 tỷ USD – 7.2 tỷ USD – 4.7 tỷ USD – 4.3 tỷ USD – 3.5 tỷ USD.

Du lịch chăm sóc sức khoẻ gồm nhiều các hoạt động từ cảnh quan thiên nhiên môi trường, dưỡng lão, chữa bệnh – phục hồi sức khoẻ, thẩm mỹ, văn hoá tín ngưỡng, ẩm thực và giao lưu cộng đồng địa phương.

Các quốc gia đi đầu về mô hình này phải kể đến Nhật Bản với hình thức tắm onsen tạo nên thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng của Nhật Bản, tắm đá muối tại Hàn Quốc, các tour du lịch kết hợp thiền định và yoga tại Ấn Độ, Thailand với các khu nghỉ dưỡng cho người về hưu… 

Điều đáng chú ý là mức chi tiêu cho du lịch wellnes này luôn cao hơn so với du lịch thông thường, cụ thể là đối với khách du lịch quốc tế chi tiêu nhiều hơn 35% và khách du lịch nội địa chi nhiều hơn 77%. Ví dụ điển hình là chi phí cho phòng của các khu du lịch nghỉ dưỡng này luôn ở mức cao từ vài trăm USD đến hàng ngàn USD một đêm, ngay cả tại Việt Nam.

Những con số và báo cáo của tổ chức trên cho thấy lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khoẻ rất hấp dẫn và sẽ tiếp tục phát triển, nó đóng góp đáng kể không chỉ cho kinh tế quốc gia mà còn cho đời sống xã hội phát triển chất lượng tốt hơn.

Tiềm năng tại Việt Nam

Ở khu vực Châu Á, cùng với sự phát triển mạnh về du lịch gần đây (trước dịch Covid-19), Việt Nam được đánh giá là nuớc có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch chăm sóc sức khoẻ này và sẽ là điểm đến hàng đầu với những lợi thế như cảnh quan thiên nhiên đa dạng phong phú, bờ biển dài hơn 3,200km từ bắc đến nam, đặc biệt có những bải biển được xếp trong top đẹp nhất thế giới, khí hậu cận nhiệt đới, có nhiều nguồn suối nước khoáng nóng, có nền y học cổ truyền với hệ thống nguồn thảo dược rất phù hợp cho việc chăm sóc sức khoẻ bằng những nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản thế giới, di tích lịch sử - tín ngưỡng và sự đa dạng văn hoá các dân tộc. Đặc biệt là ẩm thực hấp dẫn và các chi phí du lịch rẻ hơn so với nhiều nước Châu Á khác.

Empty

Biểu đồ xếp hạng Kinh tế chăm sóc sức khỏe của từng quốc gia.

Tại Việt Nam, trong những năm qua loại hình du lịch chăm sóc sức khoẻ này cũng đã hình thành như chúng ta thấy các điểm du lịch suối khoáng cả ở 3 miền Bắc – Trung – Nam, các hoạt động du lịch sinh thái và văn hoá. Ví dụ như những khu nghỉ dưỡng cao cấp thiên về chăm sóc sức khỏe với suối khoáng nóng ở Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Hồ Tràm - Bình Châu, Nha Trang - Khánh Hoà, hoặc tắm thảo dược người Dao ở một số tỉnh phía Bắc, vân vân …

Ngoài tiềm năng về nền tảng tài nguyên thiên nhiên hoặc cơ sở vật chất, một tiềm năng quan trọng nữa của Việt Nam là sức tiêu thụ và mức chi tiêu cho loại hình dịch vụ này. Vietnam là nước đang phát triển, mức tăng trưởng tần lớp trung lưu và người giàu thuộc hàng top đầu trên thế giới. các hoạt động du lịch cũng phát triển mạnh mẽ.

Năm 2019, trước khi dịch Covid bùng phát, khách du lịch nội địa đạt gần 85 triệu lượtvới doanh thu 334,000 tỷ đồng (14.5 tỷ USD). Khi tầng lớp trung lưu và người giàu ngày một nhiều lên thì nhu cầu về dịch vụ du lịch chăm sóc sức khoẻ này cũng ngày càng mở rộng hơn. Bên cạnh đó, hàng năm rất nhiều Việt kiểu về nước để chăm sóc nha khoa, thẩm mỹ, chữa bệnh theo y học cổ truyển. Ở chiều ngược lại, mỗi năm có khoảng hàng ngàn đến chục ngàn người Việt ra nước ngoài để chữa bệnh – du lịch, chi tiêu xấp xỉ hàng tỉ USD mỗi năm.

Thách thức

Mặc dù phát triển như vậy và tiềm năng nội lực rất lớn, nhưng quy mô và tính chất của du lịch chăm sóc sức khoẻ ở Việt Nam còn khá rời rạc, manh mún, (tham khảo nhiều dự án về du lịch nghỉ dưỡng đang phát triển hiện nay, đa số đều dựa trên chính sức mạnh nội lực của doanh nghiệp.) chủ yếu dựa trên sự tự phát của riêng mỗi doanh nghiệp, cùng với rất nhiều những khó khăn thách thức và yêu kém. Đó là:

Trước hết, do là những khái niệm mới tại Việt Nam, nên Wellness tourism còn chưa được định nghĩa, định hướng rõ ràng, chưa có các tiêu chí – tiêu chuẩn cụ thể. Đa số chỉ hiểu đơn giản về “Wellness tourism – du lịch chăm sóc sức khoẻ” như spa, tắm khoáng – tắm bùn – yoga – thiền. Những dịch vụ đó hiện nay chỉ đơn giản là những tiện ích của một khu du lịch nghỉ dưỡng chứ chưa thành một hệ thống tổng thể.

Nhưng quan trọng trên hết là chưa có hoặc chưa hiểu hết định hướng chính sách phát triển tổng thể từ quy hoạch (đất đai – khai thác hợp lý gắn kèm với bảo vệ tài nguyên môi trường thiên nhiên), thiếu cơ chế ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp, thiếu các hệ thống tiêu chí tiêu chuẩn xác nhận…, cho đến cơ chế hệ thống liên kết – phối hợp nhịp nhàng giữa ngành du lịch và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ - y tế - thể thao – công nghệ thông tin trong quản lý.

Cũng chính vì thiếu cái tổng thể nên dẫn đến sự phát triển tự phát, manh mún của mỗi đơn vị vì lợi ích riêng, thậm chí có đơn vị thiếu chuyên nghiệp hoặc lạm dụng gây ảnh hưởng nhiều mặt. Một điều rất đáng tiếc là sự quảng bá tiếp thị chung cho du lịch Việt Nam ra quốc tế còn rất hạn chế nghèo nàn. Cũng nằm trong vấn đề về cơ chế - chính sách, vấn đề chuyên môn nghiệp vụ và sự quản lý liên quan còn nhiều những thiếu chặt chẽ (ví dụ như thỉnh thoảng vẫn thấy các thông tin về tai nạn hoặc thiệt hại cả đến tính mạng cho người sử dụng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ).

Thách thức thứ ba hiện nay là vấn đề cả thế giới quan tâm. Đó là thiên nhiên môi trường. Hàng ngày chúng ta thấy báo chí truyển thông nhắc đến dù ở Việt Nam hay trên thế giới, đó là sự biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết cực đoan, nhiệt độ trái đất ấm dần lên, nước biển dâng, cháy rừng, lũ lụt … vv. Cùng với sự khai thác chưa phù hợp, thậm chí huỷ hoại tài nguyên thiên nhiên như: xây dựng thuỷ điện tràn lan khắp nơi, đánh bắt thuỷ sản như tận diệt, sửu dụng hoá chất nông nghiệp không kiểm soát… tất cả những vấn đề này mà tác động của nó có thể ở đâu đó hoặc chưa liên quan trực tiếp đến mỗi cá nhân chúng ta hoặc không thể hiện rõ ràng thường xuyên.

Thách thức thứ tư và trực tiếp sát sườn cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng, nó đang là như một nút thắt cho sự phát triển của lĩnh vực này, đó là nguồn vốn phát triển. Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, yếu tố quan trọng rất lớn trong Du lịch nghĩ dưỡng – chăm sóc sức khoẻ, hiện đang là đối tượng hàng đầu không được ưu tiên hỗ trợ vốn trong bối cảnh kiểm soát chặt tín dụng bất động sản và hoạt động kinh doanh của phân khúc bất động sản nghĩ dưỡng gần như trầm lắng từ 2019 đến nay.

Không có sự hỗ trợ cho nguồn vốn mới, hàng bán trì trệ dẫn đến nhiều dự án dở dang hoặc hoạt động không hiệu quả làm ảnh hưởng không chỉ hiệu quả kinh tế mà còn là cơ sở vật chất – hạ tầng của ngành du lịch nghỉ dưỡng.

Chính những khó khăn thách thức cơ bản và quan trọng này như là những rào cản cho sự phát triển của du lịch chăm sóc sức khoẻ.

Những đề xuất giải pháp

Để biến những tiềm năng thành hiện thực thì cần phải giải quyết được những thách thức khó khăn nêu trên là những bước đầu của các giải pháp. Trong nhiều hội thảo, báo cáo, nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia đều có chung những quan điểm về đề xuất các giải pháp. Cụ thể là:

Đầu tiên cần phải xây dựng chính sách phát triển tổng thể du lịch chăm sóc sức khoẻ - Wellness tourism đi cùng với chiến lược phát triển du lịch chung quốc gia đến 2025 và định hướng 2030. Mặc dù nhiều doanh nghiệp mạnh và tiềm lực to lớn nhưng vẫn cần phải có một chiến lược chung của quốc gia về lĩnh vực/ngành du lịch này để không gặp phải mạnh ai nấy làm.

Thứ hai, trong tổng thể quy hoạch phát triển du lịch hoặc quy hoạch sử dụng đất đai quốc gia cần phải có quy hoạch đất đai cho du lịch gắn liền với việc bảo tồn tài nguyên– môi trường thiên nhiên, đặc biệt trong bối cảnh nhiều cảnh báo về rủi ro biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết cực đoan, nhiệt độ trái đất ấm dần lên, nước biển dâng, lũ lụt …

Thứ ba xây dựng mạng lưới kết nối và phối hợp nhiều lĩnh vực ngành nghề chuyên môn như y tế - thể thao - văn hoá – nghệ thuật – tín ngưỡng trong tổng thể du lịch để bổ sung và gia tăng chất lượng cũng như cũng như giá trị kinh tế của du lịch chăm sóc sức khoẻ.

Thứ tư là tạo một cơ chế để có thêm một kênh dẫn nguồn vốn – tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư loại hình này trong tổng thể các kênh dẫn vốn của các loại hình đầu tư kinh doanh như BĐS, du lịch, y tế, thể thao văn hoá…Vấn đề người nước ngoài được phép mua Condotel ko chỉ giải quyết 1 phần về vốn cho chủ đầu tư, giải quyết các khó khăn tắc nghẽn của BĐS nghỉ dưỡng hiện nay mà còn là để hấp dẫn thêm khách nước ngoài đến du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khoẻ

Thứ năm là tăng cường năng lực quản lý từ việc tiêu chuẩn tiêu chí dịch vụ, giám sát chất lượng, sự an toàn và đặc biệt vấn đề chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến sức khoẻ của khách sử dungj dịch vụ.

Thứ sáu là tăng cường xúc tiến quảng bá tiếp thị du lịch chăm sóc sức khoẻ tại Vietnam ra thị trường quốc tế thông qua việc gia tăng ngân sách quảng cáo, tổ chức sự kiện qua nhiều kênh truyền thông cũng như nhiều hình thức ngoại giao – văn hoá – thể thao – kinh tế.

Khi những giải pháp trên được đồng bộ và kết hợp thì trong khoảng 5 năm tới, cùng với sự phát triển của GDP kinh tế quốc gia nói chung, du lịch chăm sóc sức khoẻ - wellness tourism sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp lớn hơn trong tỉ trọng cơ cấu kinh tế quốc gia hoặc mỗi địa phương và từ đó sự xuất hiện của Việt Nam trên bản đồ Wellness Toursim có một vị thế quan trọng tích cực hơn.