DỰ ÁN VEN BIỂN: Trung Quốc 'LÁCH LUẬT' để sở hữu đất ở Đà Nẵng ra sao?

8 năm trước

Sở KH-ĐT Đà Nẵng cho hay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài (đặc biệt là Trung Quốc) đã lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư 2014 trong việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các doanh nghiệp Việt Nam để sở hữu đất tại Đà Nẵng!

“Xảo thuật” của người Trung Quốc để sở hữu đất Đà Nẵng

Vừa qua, đoàn công tác liên ngành của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng nhằm tìm hiểu những vướng mắc, hạn chế trong Luật Đầu tư 2014 và các văn bản pháp luật liên quan. 

Tại đây, Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng Trần Văn Sơn cho hay, thời gian qua có tình trạng nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc, lợi dụng kẽ hở về ban hành quy chế góp vốn, mua cổ phần (CP) của các doanh nghiệp Việt Nam để cùng sở hữu đất tại Đà Nẵng.

Hàng loạt khu đất ven biển Đà Nẵng đã bị người Trung Quốc "lách" luật Việt Nam để chiếm quyền sở hữu! (Ảnh: HC)

PV Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Sơn để tìm hiểu rõ thêm vấn đề trên. Ông Trần Văn Sơn cho hay: “Khi một người Việt Nam mua đất thì đứng tên người đó; Sở TN-MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ. Sau đó họ sẽ thành lập doanh nghiệp (DN), cũng là người Việt Nam đứng tên thôi. Rồi họ làm tiếp một bước nữa là liên doanh với một DN Trung Quốc làm thành Công ty CP.

Ban đầu thì trong Công ty này, người nước ngoài mua 49% CP, còn người trong nước nắm 51%. Với tỉ lệ 49 – 51 thì đây là DN đầu tư trong nước. Theo luật thì mình cấp chứng nhận đầu tư cho công ty đó xây dựng một khách sạn. Nhưng thực ra tiền xây dựng khách sạn là do phía nước ngoài đóng góp vô, còn phía trong nước đóng góp bằng đất.

Đất thì Sở TN-MT cấp đồng ý chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty đó luôn. Bởi vì họ góp vốn bằng đất mà, còn bên kia góp vốn bằng tiền xây dựng khách sạn. Khi xây xong rồi, theo Luật DN thì chuyển đổi cổ đông là bình thường. Nên phía nước ngoài nói là “tôi mua lại CP của anh, chuyển qua 100% vốn của tôi luôn”. Thành ra đó là Công ty của nước ngoài!

Và kể cả miếng đất cũng thuộc sở hữu của Công ty đó luôn. Mặc dù không phải thuộc sở hữu cá nhân của người nước ngoài nhưng miếng đất đó thuộc sở hữu của Công ty nước ngoài. Bởi vì anh góp vốn bằng đất, bây giờ anh đã bán hết phần vốn góp cho tôi, còn tên trên giấy tờ sở hữu đất thì cũng đã chuyển thành tên của Công ty rồi.

Thành ra họ toàn quyền quyết định chuyện xây dựng, sở hữu trên miếng đất đó. Mặc dù nguồn gốc miếng đất đó trước đây là của người Việt Nam nhưng đã dùng miếng đất đó góp vốn và bây giờ bán hết phần vốn góp rồi. Mà luật thì không quy định vấn đề cho hay không cho góp vốn bằng đất với đối tượng là người nước ngoài hoặc là những vấn đề như tôi vừa nêu trên.

Về danh nghĩa thì trong trường hợp này, người nước ngoài sở hữu Công ty chứ không phải sở hữu đất, nhưng trong tài sản của Công ty có miếng đất đó. Luật Đất đai không cho người nước ngoài sở hữu đất, nhưng đây là Công ty sở hữu đất chứ không phải người nước ngoài. Quỷ quái là ở chỗ đó, nhưng luật của mình lại chẳng có cái gì để điều chỉnh. Trong khi Công ty nước ngoài sở hữu miếng đất đó thì rõ ràng miếng đất đó đã thuộc sở hữu của người nước ngoài chứ còn gì nữa.

Luật hiện hành chỉ cấm người nước ngoài sở hữu đất chứ không cấm Công ty nước ngoài. Mà đã thành Công ty nước ngoài thì đâu còn chi của người Việt Nam mình nữa. Sử dụng miếng đất đó vào mục đích gì thì họ toàn quyền quyết định hết. Tất nhiên họ quyết định cũng phải trong khuôn khổ pháp luật, phải tuân thủ theo quy hoạch của mình. Nhưng chuyện họ làm cái gì trong đó thì mình đâu có biết được!”.

Luật hiện hành có nhiều kẽ hở

Sau đó, do bận công việc đột xuất, ông Trần Văn Sơn ủy quyền cho bà Lê Thị Kim Phương, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại (Sở KH-ĐT Đà Nẵng) tiếp tục trao đổi với chúng tôi về về vấn đề này. Theo bà Lê Thị Kim Phương, việc Nhà nước cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua CP, phần vốn góp trong các DN trong nước đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 46, Nghị định 118/CP cũng như Điều 26 Luật Đầu tư 2014 thì nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua CP, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế trong nước không phải thực hiện thủ tục để được cấp Gấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Từ đây đã làm nảy sinh hai vấn đề mà trong thực tế không thể hoặc chưa thể giải quyết một cách đầy đủ, hợp lý.

Thứ nhất là Điểm b, Khoản 3, Điều 9 Nghị định 139/2007/NĐ-CP quy định: “Trường hợp DN dự định thành lập có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ thì việc thành lập DN thực hiện theo quy định của Luật DN và Nghị định 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh, việc đăng ký đầu tư trong trường hợp này áp dụng theo quy định tương ứng đối với dự án đầu tư trong nước”.

Từ đây, bà Lê Thị Kim Phương cho hay: “Thời gian qua đã xuất hiện tình trạng nhà đầu tư nước ngoài vận dụng kẽ hở tại điều khoản nêu trên của Nghị định 139/2007/NĐ-CP và Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế góp vốn, mua CP của nhà đầu tư nước ngoài trong các DN Việt Nam để cùng sở hữu đất tại Đà Nẵng”.

Bà Lê Thị Kim Phương nói rõ thêm, theo quy định, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án được duyệt và được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì mới được phép hoạt động. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quy định rất chặt chẽ và cơ quan chức năng căn cứ theo đó để quản lý hoạt động của doanh nghiệp FDI. Đối với các dự án có sử dụng đất thì phải qua thẩm định của các cơ quan hữu quan như Sở TN-MT... và phải được UBND TP đồng ý.

Tuy nhiên với các Công ty nước ngoài được hình thành bằng cách góp vốn, mua CP, phần vốn góp trong các Công ty trong nước mà ông Trần Văn Sơn nêu thì họ lại được xem như là DN trong nước (dù họ thực chất là nhà đầu tư nước ngoài) và họ nghiễm nhiên sở hữu dự án sử dụng đất (vốn trước đây là của DN trong nước) mà không phải qua thẩm định của các cơ quan hữu quan và không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

“Ngay cả Luật Đầu tư 2014 thì ở Điều 26 cũng quy định với đối tượng DN này, Sở KH-ĐT phải ra thông báo họ đủ điều kiện hay không trong 15 ngày mà không bắt buộc lấy ý kiến thẩm định của các sở, ngành liên quan và không cấp giấy chứng nhận đầu tư. Do đó mình có muốn làm rõ ra thì cũng không thể làm được. Với những dự án liên quan đến đất đai lẽ ra phải thẩm định nhưng không thể thẩm định được vì luật không quy định. Chưa kể, quy trình thẩm định qua các Sở đến khi có ý kiến của Ủy ban thì nhanh nhất là 26 ngày, nhưng luật quy định 15 ngày đã phải trả lời nên không thể thẩm định được!” – Bà Lê Thị Kim Phương nói.

Vì vậy, theo bà Lê Thị Kim Phượng, tại buổi làm việc với đoàn công tác Chính phủ ngày, Sở KH-ĐT Đà Nẵng đã đề nghị Chính phủ xem xét và đề nghị Quốc hội bổ sung vào Luật Đầu tư nội dung: “Đối với việc mua CP, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các DN Việt Nam, trong trường hợp dự án có sử dụng đất, Cơ quan đăng ký đầu tư tổ chức thẩm định, lấy ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan theo quy định trước khi thông báo bằng văn bản nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện góp vốn, mua CP, phần vốn góp”.

Thứ hai là do chưa có phần mềm liên thông giữa Đăng ký kinh doanh và việc thông báo đủ điều góp vốn, mua CP, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào tổ chức kinh tế tại Việt Nam nên công tác thống kê thu hút đầu tư theo hình thức này gặp nhiều khó khăn và không đầy đủ. Vì vậy Sở KH-ĐT Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ KH-ĐT đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng hệ thống phần mềm này hoặc xây dựng ghép với phần mềm liên thông trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Câu chuyện vẫn chưa có hồi kết...

HẢI CHÂU