Dự án khu đô thị Quốc tế Đa Phước- Đâu mới là sự thật?

7 năm trước

(CLO) Gần đây, xuất hiện một số thông tin báo chí cho rằng, Dự án Khu Đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng) có hàng loạt sai phạm về môi trường, mục đích sử dụng đất, khuất tất trong thủ tục đầu tư… Vậy sự thật nằm ở đâu?

Giải cứu dự án khi phía Hàn Quốc mắc kẹt

Dự án Khu Đô thị quốc tế Đa Phước (còn gọi là Dự án The Sunrise Bay Đà Nẵng) có vốn đầu tư gần 5000 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án đô thị phức hợp lấn biển lớn nhất ở Đà Nẵng, được thiết kế như một vầng trăng khuyết nằm ven biển. Dự kiến khi hoàn thành sẽ góp phần làm đổi thay diện mạo một vùng biển ở Đà Nẵng. Đầu tư vào hạ tầng để thúc đẩy du lịch Việt Nam cất cánh cũng là một mục tiêu quan trọng của dự án này.

Tuy nhiên, từ khi thai nghén đến hiện thực hóa dự án là cả một hành trình đầy chông gai và quan trọng hơn, nó cần những nhà đầu tư đủ tầm, đủ năng lực. Trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn, vướng mắc, chậm triển khai thậm chí không thể tiếp tục triển khai dự án, doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn tiếp nhận và triển khai dự án thực sự là một dấu hiệu đáng mừng. Điều này cho thấy doanh nghiệp trong nước đã đủ trưởng thành để đầu tư làm chủ những vùng biển vàng, biển bạc của đất nước.

Tuy nhiên, giống như tại nhiều dự án lớn khác, vừa “chân ướt chân ráo” bắt tay thực hiện dự án, chủ đầu tư đã phải hứng chịu hàng loạt “điều tiếng” từ dư luận. Đáng lo ngại hơn, một vài thông tin báo chí còn cho rằng chủ đầu tư đang đi “ăn cướp”, “lộng hành coi thường pháp luật”, “vi phạm pháp luật nghiêm trọng”… Trong thời buổi thông tin bùng nổ chưa được kiểm chứng, đó là điều tai hại, tác động tiêu cực, dễ làm nản lòng nhà đầu tư.

Để biến giấc mơ có vầng trăng khuyết trên biển Đà Nẵng thành sự thật, cần nguồn vốn, quyết tâm lớn của doanh nghiệp cũng như sự ghi nhận của dư luận, xã hội

Trước tiên, để hiểu rõ về dự án cần phân biệt rõ hai pháp nhân Daewon Cantavil và Sunrise Bay cũng như trả lời câu hỏi tại sao dự án này được chuyển nhượng 100%  từ “ông lớn” Daewon sang doanh nghiệp Việt Nam?

Câu chuyện bắt đầu ngày 16/11/2006, UBND TP. Đà Nẵng và Công ty TNHH DAEWON CANTAVIL ký bản “Thỏa thuận nguyên tắc” để phía Daewon triển khai đầu tư dự án này. Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng đồng ý cho phía Daewon triển khai dự án Khu phức hợp đô thị – sân golf với tổng diện tích 240ha.

Ngày 16/11/2007, UBNDTP. Đà Nẵng ban hành Quyết định số  9125/QĐ – UBND về viêc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Ngày 28/03/2008 UBND TP. Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2604/QĐ-UB  “Về việc thu hồi đất, cho Công ty TNHH Daewon Cantavil thuê đất tại Phường Thuận Phước và Phường Thanh Bình, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng”

Ngày 28/08/2008, UBND TP. Đà Nẵng cấp Giấy phép số 7045/GP-UBND “ khai thác cát làm vật liệu san nền” phục vụ thi công dự án.

Ngày 17/6/2008 Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng số 810/GPXD về việc thi công đê biển và san lấp.

Ngày 29/04/2011, Sở Xây dựng Đà Nẵng ban hành Văn bản số 1299/SXD-QLXD ngày về việc công nhận hoàn thành đê chắn sóng, san lấp (giai đoạn 1) Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước.

Ngày 30/11/2016, Sở Xây dựng Đà Nẵng tiếp tục có Văn bản 11826/SXD-QLKT về việc tiếp tục thi công đập chắn sóng và san lấp dự án Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước.

Như vậy, trong suốt nhiều năm, dự án có đầy đủ thủ tục pháp lý, công việc chính chủ đầu tư lấp biển, san nền, thi công đê chắn sóng. Số tiền mà chủ đầu tư đã bỏ ra cho việc lấp biển giai đoạn này vào khoảng 40 triệu USD

Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn khách quan lẫn chủ quan không thể tiếp tục xây dựng công trình đô thị lẫn san lấp biển giai đoạn 2 nên năm 2016,  Daewon quyết định chuyển nhượng toàn bộ vốn đã góp vào dự án này cho Công ty CP Nova –Bắc Nam 79 của Việt Nam. Bên cạnh đó, công ty này cũng đã nghiêm túc thực hiện bản “Thảo thuận nguyên tắc” ký kết năm 2006 giữa phía Daewon và TP. Đà Nẵng khi thanh toán nghĩa vụ tài chính và phần lãi phạt chậm nộp với số tiền gần 17 triệu USD.Tính từ năm 2007 đến 2011, Daewon Cantavil đã san lấp được 112 ha trong đó Daewon đã giao cho Đà Nẵng  29 ha và sau đó lại giao tiếp (miễn phí) 25 ha theo yêu cầu của thành phố làm Trung tâm văn hóa thể thao. Theo qui hoạch được phê duyệt Daewon còn phải lấn biển tiếp 123 ha cho Giai đoạn 2 của Dự án, cho đủ 181 ha. Giai đoạn 1 lấn biển đã hoàn thành, Daewon chuẩn bị kế hoạch để xây dựng các công trình.

Tháng 1/2017, Nova-Bắc Nam 79 đổi tên Công ty TNHH Daewon Cantavil thành Công ty TNHH Sunrise Bay.

Để triển khai dự án, thời gian qua, Công ty CP Nova –Bắc Nam 79  phải tiến hành điều chỉnh lại Tổng mặt bằng, triển khai một số tiện ích hạ tầng và ký Hợp đồng với nhà thầu xây dựng lấn biển tiếp cho Giai đoạn 2. Sau khi nhận chuyển nhượng, nhiệm vụ của Sunrise Bay là kế thừa các công việc của chủ đầu tư cũ, tiếp tục san lấp lấn biển Giai đoạn 2 theo Qui hoạch đã được duyệt (123 ha còn lại), hoàn toàn không có chuyện chủ đầu tư điều chỉnh diện tích lấn biển.

 “Nếu nói Dự án Khu đô thị Quốc tế Đa Phước chưa có Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mà vẫn “thản nhiên thi công trong nhiều năm qua” là rất không chính xác. Việc lấn biển 112 ha cho Giai đoạn 1 đã có ĐTM được phê duyệt và việc triển khai lấn biển trong 10 năm qua là hoàn toàn hợp pháp. Người viết đưa thông tin này lên báo một cách cẩu thả, tùy tiện dễ gây “giả mù sa mưa”.

Nhà thầu xây dựng cho Giai đoạn này là DINCO, không có chuyện “ăn cướp tài nguyên” của ai để triển khai san lấp cho Giai đoạn này và họ đã hoàn thành san lấp Giai đoạn 1 này từ năm 2011.

Việc ai đó ăn cắp cát ở Hội An chỉ diễn ra cách đây mấy tháng. Giai đoạn 1 san lấp lấn biển của dự án thuộc trách nhiệm của Daewon Cantavil, không có ông Sunrise hay Sunset nào cả.

 Một chi tiết mà nhiều người bất bình khi nghe nói Sunrise Bay mua mấy ngàn m3 cát từ Cửa Đại Hội An trong mấy tháng vừa qua. Bên Công an sẽ điều tra việc này. Nếu đúng thế thì sai phạm này thuộc trách nhiệm  thuộc nhà thầu thi công hay thuộc nhà cung cấp sẽ được xác định trong thời gian tới” – một chuyên gia từng làm việc tại UBND TP. Đà Nẵng, người trực tiếp theo dõi dự án này này khẳng định.

Luật sư Lê Đức Thắng (Trưởng Văn phòng Luật sư Lê và đồng sự – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân tích: Cần hiểu rõ về câu chuyện cát ở đây để tránh cái nhìn quy chụp cho chủ đầu tư. Giả sử có hợp đồng mua cát giữa các bên, nếu dự án mua cát khai thác lậu thì trách nhiệm trước hết thuộc về Công ty khai thác và một phần trách nhiệm liên đới của Nhà thầu thi công lấn biển chứ không phải trách nhiệm của chủ đầu tư. Bởi, lấy cát  lấp biển cũng chỉ là một trong hàng ngàn khối lượng công việc do phía nhà thầu triển khai thi công.

Đầu tư xây dựng đúng quy định pháp luật

Có lẽ, phải tận mắt đến dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước mới hình dung rõ các phần việc đã và đang triển khai. Cụ thể, khi đã hoàn hành san lấp, kè bờ biển Giai đoạn I,  Sunrise Bay mới được phép xây dựng các công trình trên đất.

Kế thừa thủ tục pháp lý từ công ty Daewon, chủ đầu tư Sunrise Bay tiếp tục triển khai dự án khi được UBND TP. Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch 1/500 và Sở Xây dựng Đà Nẵng cho phép xây dựng kè bờ biển; không có việc tự ý xây dựng khi chưa có đánh giá TMĐ.

Ngày 27/3/2017, UBND TP. Đà Nẵng có Quyết định số 1443/QĐ-UBND chấp thuận Chủ trương đầu tư giai đoạn 1 (60ha) cho Sunrise Bay.

Ngày 3/4/2017, UBND TP. Đà Nẵng có Quyết định số 1792/UBND về phê duyệt điều chỉnh Tổng mặt bằng 1/500 của dự án. Ngày 4/4/2017, Sở Xây dựng Đà Nẵng có văn bản số 2722/SXD-TTS cho phép chủ đầu tư  tiếp tục thi công phần kè và san lấp mặt bằng.

Ngày 7/3/2017, chủ đầu tư đã nộp Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lên Bộ Tài nguyên và Môi trường; thời hạn trả kết quả là 19/5/2017.

Về phía chủ đầu tư đã nghiêm túc chấp hành quy định này khi chỉ tiến hành triển khai các phần việc đã được cơ quan chức năng cho phép (như đã nêu ở trên), hoàn toàn không có chuyện chủ đầu tư “tự ý” thi công khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan chức năng, chưa có đánh giá tác động môi trường.

Thực tế cho thấy, một số ý kiến đang có sự nhầm lẫn giữa phần việc cũ đã được phép triển khai và phần việc mới đang đợi phê duyệt của dự án.

Thực hư chuyện qua mặt Thủ tướng?

Một số thông tin cho rằng UBND TP. Đà Nẵng đã có quyết định cho phép The Sunrise Bay loại bỏ hạng mục dự án sân golf là biểu hiện “khuất tất”, “tạo điều kiện” cho chủ đầu tư có thêm diện tích xây dựng nhà ở đô thị gây thất thoát tiền thu từ đất…

Tuy nhiên,  trên thực tế việc UBND TP. Đà Nẵng có quyết định điều chỉnh quy mô dự án, loại bỏ hạng mục sân golf diễn ra từ năm 2012 và hoàn toàn không liên quan đến The Sunrise Bay.

Về mặt thủ tục, việc UBND TP. Đà Nẵng loại bỏ hạng mục sân golf cũng đúng quy định pháp luật. Bởi, Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước được Đà Nẵng  cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2007 nhưng đến năm 2009, Thủ tướng mới có Quyết định 1946 ngày 26/11/2009 về phê duyệt sân Golf Việt Nam đến năm 2020. Do đó, Dự án này ra đời trước khi có Quyết định của Thủ tướng, vì thế không bị điều chỉnh bởi Quyết định này.

Khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án, Đà Nẵng  không xin chủ trương của Thủ tướng về hạng mục sân golf vì lúc đó pháp luật không có qui định này, dự án không thuộc diện phải xin ý kiến Thủ tướng. Luật Đầu tư 2005 cũng  không có qui định cấp phép sân Golf phải xin chấp thuận chủ trương của Thủ tướng. Và, theo Quyết định nêu trên, Thủ tướng cũng không yêu cầu việc rút Giấy phép phải xin ý kiến Thủ tướng.

Do đó nói The Sunrise Bay “qua mặt Thủ tướng” là cách đặt vấn đề không đúng pháp luật.

Như vậy là đã rõ, việc chủ đầu tư Sunrise Bay đang ngày đêm miệt mài bỏ hàng nghìn tỷ đồng ra lấp biển, xây dựng khu đô thị cần được dư nhận, xã hội khuyến khích, ghi nhận xứng đáng với quyết tâm, nỗ lực của doanh nghiệp. Với cơ sở pháp lý đầy đủ, triển khai xây dựng với sự giám sát của cơ quan chức năng làm sao chủ đầu tư có thể “lộng hành”, “ăn cướp trắng trợn”, “vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.. như một số thông tin đã nêu?

Thiên Kim Real sẽ tiếp tục cập nhât thông tin về dự án này.

 

Theo Báo Công Luận.