DÒNG TIỀN ĐANG QUAY TRỞ LẠI THỊ TRƯỜNG ĐÀ NẴNG

2 năm trước

Covid-19 vừa lắng xuống, thị trường bất động sản tại Đà Nẵng lập tức khởi sắc với nhiều giao dịch. Dòng tiền đang quay trở lại thị trường.

 

 Thị trường bất động sản tại Đà Nẵng đã lập tức khởi sắc với nhiều giao dịch

 Thị trường bất động sản tại Đà Nẵng đã lập tức khởi sắc với nhiều giao dịch.

Săn đất nông thôn

Năm 2019, vùng nông thôn Đà Nẵng dậy sóng, cò đất từ khắp nơi đổ về các xã của huyện Hoà Vang để tìm đất và chốt cọc. Những mảnh đất hơn 100 m2, vốn chỉ là bờ tre và vườn thừa của người dân, được rao bán với giá hơn tỷ đồng. Dạo ấy, câu chuyện thường nhật của người dân ở Đà Nẵng là bán đất.

Nhưng rồi, trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đã tác động tiêu cực đến thị trường tại đây. Nhiều người nhận định, giá bất động sản vùng quê của Đà Nẵng sẽ giảm sâu. Song, theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, điều đó đã không xảy ra.

Anh Bùi Hưng, một người chuyên kinh doanh bất động sản tại các dự án đô thị ở Đà Nẵng, nhưng gần đây đã chuyển hướng đầu tư vào đất ở nông thôn cho biết, dù bất động sản nông thôn Đà Nẵng bị tác động không nhỏ của dịch bệnh, nhưng giá trị không giảm nhiều.

“Nếu như trước đây, lô đất hơn 120 m2 tại xã Hoà Tiến có giá tầm 1 tỷ đồng, thì bây giờ quay về gần với giá trị thực hơn, xuống còn khoảng 700 - 800 triệu đồng. Bây giờ đất ở tại nội thành Đà Nẵng có giá dưới 1 tỷ đồng không còn nhiều, nên nhiều người tìm về vùng nông thôn để mua, thị trường vì thế vẫn ấm”, anh Hưng nói.

Nếu như giai đoạn 2011-2013, khách hàng chỉ cần 450 - 800 triệu đồng là có thể sở hữu bất động sản trong bán kính cách trung tâm TP. Đà Nẵng 8 km; giai đoạn 2014 - 2017, để sở hữu bất động sản với phạm vi lên đến 12 km, khách hàng phải có từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng; giai đoạn 2018 - 2021, để sở hữu bất động sản trong phạm vi 15 km, khách hàng phải chi ra 1,4 - 1,8 tỷ đồng; năm 2021, để sở hữu bất động sản trong bán kính 8 km, khách hàng phải chi ra số tiền 3,8 - 4,5 tỷ đồng, tức là cao gấp 8,4 lần so với năm 2011.

Nhu cầu đất ở rất lớn, nhưng không phải ai cũng đủ tài chính để sở hữu đất tại các dự án đô thị, nên đất ở nông thôn là lựa chọn của rất nhiều người. Nắm bắt cơ hội này, thay vì lướt sóng như trước, nhiều người kinh doanh bất động sản ở Đà Nẵng quyết định “ăn chắc mặc bền”, bằng cách săn lùng mua đất thổ cư ở các xã vùng ven, sau đó làm thủ tục để tách thửa, ra sổ đỏ và bán lại kiếm lời.

Trong hơn 1 tháng qua, sau khi TP. Đà Nẵng quay lại trạng thái bình thường mới, số lượng giao dịch đất ở hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại huyện Hòa Vang tăng cao. Theo Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hòa Vang, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận và giải quyết gần 200 hồ sơ liên quan đến giao dịch đất cho người dân. Nhu cầu của người dân lớn nên đơn vị phải bố trí thêm cán bộ để xử lý các hồ sơ liên quan đến đất đai.

Nội thành cũng sôi động

Không chỉ ở vùng ven, phân khúc đất nền tại các dự án đô thị ở Đà Nẵng cũng chứng kiến giao dịch sôi động. Tại Khu đô thị Nam Hòa Xuân, từ cuối tháng 9/2021, các giao dịch bất động sản diễn ra rất mạnh, giá tăng từ 2,8 tỷ đồng lên 3,5 tỷ đồng cho một lô đất có diện tích 100 m2.

Bà Đặng Thị Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Minh Group cho biết, nhà đầu tư đã bắt đầu quay trở lại với thị trường bất động sản Đà Nẵng. “Trung bình 1 ngày, công ty của tôi giao dịch khoảng 10 đến 20 lô đất tại Khu đô thị Nam Hòa Xuân, phần lớn nhà đầu tư ở miền Trung là chính, mới đây đã có nhà đầu tư từ Hà Nội và TP.HCM bắt đầu quay trở lại Đà Nẵng sau  gần 2 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh”, bà Minh thông tin.

Theo bà Minh, trong giai đoạn đầu, Covid-19 đã tác động mạnh đến thị trường bất động sản Đà Nẵng, tuy nhiên kịch bản giảm sâu đã không xảy ra. Nguyên nhân khiến đất nền đang tăng trở lại, theo bà Minh là do giá đất tại Đà Nẵng vẫn còn rẻ so với các địa phương khác. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng không còn quá lo sợ vì Covid-19 nữa. Qua hai năm bị tác động bởi dịch bệnh, nhà đầu tư nhận ra rằng không còn kênh đầu tư nào hiệu quả hơn bất động sản.

“Đất nền ở Đà Nẵng hiện vẫn rẻ so với các tỉnh, thành phố khác. Nếu so sánh với đất Phú Quốc thì đất tại Nam Hòa Xuân chỉ có 30 triệu đồng/m2, trong khi đất Phú Quốc phổ biến là 70 triệu đồng/m2, chưa kể tiềm năng của Đà Nẵng lại nhiều hơn. Trong 2 năm qua, dòng tiền được các nhà đầu tư chia cho nhiều thị trường khác như xung quanh Hà Nội, Hạ Long và Phú Quốc, nhưng bây giờ lại đang quay trở lại Đà Nẵng. Bất động sản Đà Nẵng đang lấy lại đà tăng trưởng”, bà Minh nhận định.

Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bất động sản Đà Nẵng, trong khoảng 20 năm trở lại đây, thị trường bất động sản Đà Nẵng là nơi có sức hút hàng đầu tại khu vực miền Trung và là điểm sáng nhất trên bản đồ thị trường bất động sản Việt Nam. Vừa qua, Chính phủ có các chính sách riêng biệt về phát triển Đà Nẵng như phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hay thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, sẽ tạo động lực phát triển cho thành phố biển này. Vì vậy, những khó khăn của bất động sản tại Đà Nẵng chỉ là nhất thời và thành phố sẽ sớm lấy sức hút trên bản đồ thị trường bất động sản Việt Nam.

Nguồn: Hoàng Anh (Theo baodautu.vn)