ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐÀ NẴNG ĐẾN 2030: TRUNG TÂM DU LỊCH, ĐIỂM ĐẾN SÁNG TẠO CỦA KHU VỰC

1 năm trước

UBND thành phố vừa ban hành đề án “Định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; tầm nhìn đến năm 2045, thành phố trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế.

Để thu hút khách, ngành du lịch thành phố đầu tư các sản phẩm du lịch, tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá.  TRONG ẢNH: Du khách tham quan tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ

Để thu hút khách, ngành du lịch thành phố đầu tư các sản phẩm du lịch, tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá. TRONG ẢNH: Du khách tham quan tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ

Phấn đấu đón từ 13-14 triệu lượt khách vào năm 2030

Theo đề án, tốc độ tăng trưởng doanh thu lưu trú, lữ hành, ăn uống giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 12,75%/năm. Tốc độ tăng bình quân tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 17,63%/năm. Năm 2030, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt khoảng 13 - 14 triệu lượt; trong đó khách quốc tế do cơ sở lưu trú phục vụ ước khoảng 5,8 - 6,3 triệu lượt.

Số ngày lưu trú bình quân khách quốc tế dự kiến là 3,3 ngày, lưu trú bình quân của khách nội địa dự kiến là 3,1 ngày. Chi tiêu bình quân khách quốc tế là 10,5-11 triệu đồng/khách, chi tiêu bình quân khách nội địa là 6,5-7 triệu đồng/khách. Nguồn nhân lực ngành du lịch có khoảng 87.400 lao động trực tiếp (chiếm khoảng 35% tổng số lao động toàn thành phố).

Đề án cũng dự báo xu hướng du lịch trong giai đoạn đến là du lịch gắn với văn hóa bản địa, sự khác biệt của điểm đến; du lịch theo trào lưu; du lịch gắn với công nghệ kỹ thuật số; du lịch trở về với thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, hồi phục và chăm sóc sức khỏe; du lịch xanh…

Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2025 là giai đoạn phục hồi của ngành du lịch toàn thế giới, dự báo khách có xu hướng du lịch gắn với yêu cầu an toàn, hướng về các giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng của điểm đến.

Giai đoạn 2026 - 2030 là giai đoạn phát triển trở lại ngành du lịch, dự báo du khách có xu hướng tìm kiếm nhiều hơn sự khác biệt, những trải nghiệm, dịch vụ trong chuyến đi.

Giai đoạn 2031 - 2045 dự báo khách du lịch có xu hướng, mong muốn khám phá những điều mới mẻ, độc đáo của điểm đến, trong đó, từ năm 2040, xu hướng “du lịch thể hiện” trở nên phổ biến, nhu cầu tìm kiếm những điểm đến du lịch cao cấp, đẳng cấp quốc tế sẽ cao hơn.

Về định hướng phát triển, giai đoạn 2022 - 2030, điểm đến Đà Nẵng được xác định sẽ phát triển tập trung vào 4 nhóm không gian du lịch trọng điểm với 9 không gian du lịch chức năng gồm: nhóm không gian du lịch biển (không gian du lịch ven bờ đông và không gian du lịch vịnh Đà Nẵng); nhóm không gian du lịch đô thị (không gian du lịch đô thị trung tâm; không gian du lịch sườn đồi và đô thị phi thuế quan thông minh; không gian “đô thị sân bay” và cảng biển du lịch); nhóm không gian du lịch núi (không gian du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phía đông; không gian du lịch sinh thái phía tây); nhóm không gian du lịch liên ngành (không gian du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn; không gian du lịch gắn với đổi mới sáng tạo).

Giai đoạn 2030-2045, hoàn thiện toàn bộ hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch; hoàn thiện và đưa vào khai thác hoàn chỉnh 3 nhóm sản phẩm đặc trưng, chính và bổ trợ theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng cao và đặc sắc khác biệt…

Để thu hút khách, ngành du lịch thành phố đầu tư các sản phẩm du lịch, tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá. Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Ảnh: THU HÀ

Để thu hút khách, ngành du lịch thành phố đầu tư các sản phẩm du lịch, tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá. TRONG ẢNH: Du khách quốc tế tham quan Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Ảnh: THU HÀ

Đầu tư hạ tầng và sản phẩm

Trước những mục tiêu đề ra, những người làm du lịch rất kỳ vọng vào diện mạo mới của ngành du lịch Đà Nẵng với nhiều khởi sắc.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Omega tour, cho rằng để đạt được những mục tiêu đề ra, trước mắt cần xác định lại hạ tầng của Đà Nẵng có đáp ứng được trong khả năng phục vụ tốt nhất là bao nhiêu bao gồm cả hạ tầng đường bộ, đường hàng không, hệ thống sân bay, các dịch vụ cung ứng đi kèm. Song song với đó, cần xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên các thế mạnh hiện có như sông, núi, biển.

Có thể hình thành những sản phẩm thể thao biển đa dạng hơn hiện nay; bổ sung thêm sản phẩm lưu trú trên vịnh Đà Nẵng bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư các du thuyền quy mô lớn hay hình thành các dịch vụ mua sắm mà chúng ta chưa có.

Bên cạnh đó ngành du lịch cần có kế hoạch xúc tiến cụ thể đến từng thị trường cụ thể và chủ động định hướng chèo lái thị trường đó theo khả năng của điểm đến. Trong kế hoạch dài hơi, có thể chia thành từng giai đoạn nhỏ hơn vừa làm vừa đánh giá để rút ra kinh nghiệm cũng như điều chỉnh phù hợp định hướng thành phố đang hướng đến.

Đồng quan điểm, theo ông Hồ Thanh Tú, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch, để phát triển bền vững trong giai đoạn đến cần phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với thương hiệu du lịch Đà Nẵng an toàn và mến khách bằng cách đầu tư các sản phẩm du lịch sinh thái chất lượng cao; đẩy mạnh việc khai thác sản phẩm du lịch và thể thao biển, du lịch đường sông.

Đồng thời hỗ trợ và triển khai mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch đến các thị trường trọng điểm vốn đã tạo dựng và hướng đến thị trường phân khúc cao từ châu Âu, châu Mỹ, châu Úc; tạo ra nhiều sự kiện, lễ hội của thành phố để các doanh nghiệp quảng bá và định hướng kinh doanh. Khi lượng khách đông cần phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông; nhanh chóng xử lý hệ thống xử lý nước thải, thu gom rác…

Đồng thời nghiên cứu tăng năng suất khai thác của cảng hàng không để đáp ứng lượng khách tăng trưởng; quy hoạch và đầu tư, quản lý kết cấu hạ tầng đảm bảo yếu tố phát triển bền vững…

Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, để bảo đảm việc triển khai đề án đạt hiệu quả, Sở Du lịch đã tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch triển khai với 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm quản lý Nhà nước đối với hoạt động du lịch; hình thành văn hóa du lịch; xây dựng tiêu chuẩn du lịch chất lượng cao; xây dựng cơ chế chính sách phát triển du lịch; quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; phát triển thị trường du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; liên kết, hợp tác phát triển du lịch.

Riêng với mục tiêu thu hút khách, sở sẽ tiếp tục phối hợp cùng các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn điểm đến và an toàn các hoạt động, dịch vụ phục vụ khách; chuẩn bị nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ; nâng cấp và đầu tư mới các sản phẩm, dịch vụ hướng đến chuẩn “chất lượng cao”, ưu tiên sản phẩm, dịch vụ cao cấp và siêu sang; xây dựng và triển khai kế hoạch, chương trình xúc tiến quảng bá, khai thác đường bay quốc tế, khai thác thị trường phù hợp tình hình thực tế.

Nguồn: Thu Hà (Theo baodanang.vn)