ĐIỂM SÁNG TRONG BỨC TRANH KINH TẾ - THU HÚT FDI TẠI ĐÀ NẴNG

3 năm trước

Với những nỗ lực trong việc cải thiện chính sách, đầu tư hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư thông thoáng..., Đà Nẵng đang trở thành "cứ điểm" của nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lựa chọn.

thu-hut-FDI-Da-Nang-bai-1-anh-2

Thu hút FDI khởi sắc

Bất chấp đại dịch COVID-19, thời gian qua, Đà Nẵng đã liên tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và chủ trương nghiên cứu đầu tư hàng loạt dự án FDI. Đây là tín hiệu vui trong “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế” mà Đà Nẵng chọn làm chủ đề của năm 2021.

Cụ thể, mới đây Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng (Ban Quản lý) đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Phát triển INTEX, thành viên của Tập đoàn INTEX Group (Hoa Kỳ) nghiên cứu đầu tư vào KCN Hoà Khánh. INTEX sẽ nghiên cứu đầu tư dự án sản xuất hộp lọc nước cho bể bơi với công suất 1.900.000 sản phẩm/năm; máy bơm nước và không khí bằng điện và bằng tay với công suất 2.440.000 sản phẩm/năm. Tổng vốn đăng ký đầu tư của dự án là 12.000.000 USD.

Hay trước đó, Ban Quản lý cũng đã giới thiệu địa điểm đầu tư dự án Nhà máy sản xuất Bảng mạch in & Vi cơ điện tử (MEMS) của nhà đầu tư Vector Fabrication đến từ Hoa Kỳ vào khu CNC Đà Nẵng. Dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư dự kiến là 60 triệu USD.

Bên cạnh những dự án trên, từ đầu năm 2021 đến nay, Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho loạt dự án FDI như: Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise của nhà đầu tư Ha Vinh Ly và Nhe Thi Le (Hoa Kỳ) với vốn đầu tư 110 triệu USD vào khu CNC; Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản), với vốn đầu tư 35 triệu USD vào khu CNC; dự án EPE Packaging Việt Nam tại Đà Nẵng (Nhật Bản) vào KCN Hòa Khánh mở rộng với vốn đầu tư 300.000 USD; dự án NABUA sản xuất phần mềm của nhà đầu tư Thụy Sỹ với vốn đầu tư là 30.468 USD vào khu CNTTTT… 

thu-hut-dau-tu-FDI-Da-Nang-bai-1-anh-1

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho loạt dự án FDI.

Ngoài những dự án vừa kêu gọi trong thời gian qua, có thể kể đến một số dự án là “sếu đầu đàn” đổ bộ vào Đà Nẵng đã đi vào hoạt động như: Nhà máy Niwa Foundry Việt Nam, sản xuất các bộ phận thủy lực (Nhật Bản) vốn đầu tư 30 triệu USD; Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT Vina của Công ty TNHH ICT Vina Dentium Đà Nẵng (Hàn Quốc) vốn đầu tư 20 triệu USD; Dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Tập đoàn UAC, Hoa Kỳ) vốn đầu tư 170 triệu USD… Những dự án này đã tạo ra những điểm sáng trong hoạt động sản xuất, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng thời gian qua hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào Khu CNC, Khu công nghệ thông tin tập trung (CNTTTT) và các khu CNC Đà Nẵng vẫn có nhiều điểm sáng tích cực, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế, đưa Đà Nẵng tiếp tục địa phương hấp dẫn về thu hút đầu tư ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

“Bên cạnh những dự án đã được cấp Giấy chứng đăng ký đầu tư, trong thời gian qua công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được Ban Quản lý triển khai toàn diện, đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư vào khu CNC, khu CNTTTT và các KCN Đà Nẵng”, ông Sơn thông tin.

Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, từ năm 2020 đến nay, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã và đang đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, những tác động này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thu hút đầu tư mà đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố. Tuy nhiên, thu hút đầu tư FDI vào Đà Nẵng vẫn có nhiều điểm sáng tích cực.

Theo bà Trâm, trong 7 tháng năm 2021, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 24 dự án FDI được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 148,718 triệu USD (cùng kỳ năm 2020 là 60 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 119,524 triệu USD). Tuy số dự án trong 7 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ nhưng số vốn đầu tư lại tăng đáng kể.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Đà Nẵng ghi nhận 13 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 9,29 triệu USD, 35 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế với giá trị 2,559 triệu USD. Đến ngày 15/7/2021, luỹ kế số dự án FDI trên địa bàn thành phố là 910 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 3,863 tỷ USD.

thu-hut-FDI-Da-Nang-bai-1-anh-2

Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, Đà Nẵng thu hút được 530 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký mới là 1,045 tỷ USD.

Điểm đến hấp dẫn

Với những ưu thế từ vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường đầu tư thuận lợi… đã giúp cho Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, trong giai đoạn từ năm 2016-2020, Đà Nẵng thu hút được 530 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký mới là 1,045 tỷ USD; 60 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 144,5 triệu USD; có 605 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị là 211,8 triệu USD. Trong đó, các KCN và khu CNC đã thu hút được 44 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 507,63 triệu USD. Riêng trong 3 năm thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” giai đoạn 2018 - 2020, thu hút 341 dự án, với tổng vốn đầu tư 847,3 triệu USD, chiếm 64,3% về số dự án và 84,7% về vốn đầu tư thu hút giai đoạn 2016-2020.

Các dự án mới trong giai đoạn này tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao… theo đúng định hướng kêu gọi đầu tư của thành phố. Nhiều dự án sản xuất, kinh doanh có quy mô đầu tư, nâng công suất, tăng vốn đầu tư… góp phần cho tăng trưởng kinh tế của thành phố. Top quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào thành phố hiện nay lần lượt là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc và đảo British Virgin.

Nói về môi trường đầu tư ở Đà Nẵng, bà Holly Bostock, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam (một trong những nhà đầu tư Singapore lớn nhất tại Đà Nẵng) đánh giá, Đà Nẵng hiện có hạ tầng công nghiệp cơ bản hoàn thiện, sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư. So với tỉnh thành lân cận, các KCN và khu CNC Đà Nẵng có vị trí thuận tiện. Môi trường đầu tư tại Đà Nẵng thông thoáng hơn với thủ tục đơn giản, minh bạch, tạo lợi thế cạnh tranh công bằng. Đặc biệt, nguồn nhân lực tại TP. Đà Nẵng cần cù, chịu khó và khiêm tốn.

“Chúng tôi đánh giá cao chất lượng nguồn nhân lực ở Đà Nẵng. Nhân viên của chúng tôi có thể thích nghi nhanh chóng với bất kỳ môi trường nào”, bà Holly Bostock nhận xét.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Sang, đại diện chủ đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises (Mỹ) cho rằng, với vị trí trung tâm của cả nước, lại được đầu tư để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao của cả nước, Đà Nẵng tương lai sẽ thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn. Do đó, chúng tôi chọn Đà Nẵng để xây dựng dự án.

Bà Nguyễn Thùy Linh, Đại diện dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản) cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên chủ đầu tư không thể có mặt ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp vẫn nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ chính quyền TP. Đà Nẵng. 

“Dự án cam kết triển khai dự án theo đúng tiến độ đã được phê duyệt. Chúng tôi mong muốn chính quyền, các cơ quan ban ngành Đà Nẵng tiếp tục đồng hành và tạo điều kiện để dự án được triển khai thuận lợi, hiệu quả”, bà Linh kỳ vọng.

Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng khẳng định, thành phố xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố nhanh và bền vững. Do đó, lãnh đạo thành phố luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường đầu tư công bằng, bình đẳng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên địa bàn thành phố.

Nguồn: Thành Vân (Theo nhadautu.vn)