ĐÀ NẴNG: XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN MỞ VỀ ĐỀN BÙ, TÁI ĐỊNH CƯ

5 năm trước

Đền bù, tái định cư cho người dân thuộc diện giải tỏa đang là vấn đề mà lãnh đạo thành phố Đà Nẵng hết sức quan tâm. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất phương án bồi thường giải tỏa, tái định cư (TĐC) theo hướng đền bù bằng tiền theo giá thực tế.

Các phương án mở về đền bù giải tỏa và bố trí TĐC sẽ là động lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Các phương án mở về đền bù giải tỏa và bố trí TĐC sẽ là động lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng.

Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo UBND quận Sơn Trà, công trình xử lý ngập úng tại tổ 58 và 59, phường An Hải Bắc đã được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 vào ngày 29-8-2012. Đây cũng là công trình chậm triển khai và giải tỏa các hộ dân còn lại, nhất là các hộ đang ở dưới đường dây điện cao thế 110kV.

Chính vì thế, UBND quận Sơn Trà đã đề xuất UBND thành phố xem xét chủ trương đầu tư công trình này với mục tiêu là giải tỏa, di dời các hộ dân nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường dây điện 110kV; đồng thời xây dựng khu công viên, vườn dạo, bảo đảm mỹ quan đô thị tại khu vực.

Công trình có diện tích sử dụng đất khoảng 4.400m2 với tổng mức đầu tư 49,8 tỷ đồng, trong đó, chi phí đền bù giải tỏa lên đến 44,3 tỷ đồng, chi phí xây dựng chỉ 4 tỷ đồng…

Vào ngày 14-8, khi kiểm tra thực tế tại khu vực này, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo, song song với việc lập phương án đền bù giải tỏa, bố trí TĐC như từ trước đến nay vẫn làm, UBND và Ban GPMB quận Sơn Trà lập thêm phương án chỉ đền bù về đất và tài sản gắn liền trên đất theo giá thực tế, còn chỗ ở thì người dân tự mang tiền đi mua đất, nhà theo ý của dân. Đồng thời, lập thêm một phương án về đền bù và TĐC theo hướng quy hết ra tiền và thành phố sẽ có quỹ đất hoán đổi với giá trị cao hơn để người dân chọn lựa.

“Chẳng hạn, giá trị đền bù về đất, tài sản của một hộ dân ở khu vực này khoảng 6 tỷ đồng thì được bố trí hoán đổi 3 lô đất có tổng giá trị 7 tỷ đồng ở Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói. Một số hộ dân ở khu vực giải tỏa tỏ ra phấn khởi khi lãnh đạo thành phố chỉ đạo xây dựng thêm 2 phương án nói trên cho người dân chọn lựa, thay vì thực hiện “cứng nhắc” 1 phương án như từ trước đến nay.

“Sống chật chội trong diện tích nhỏ ở đây mà được chọn 3 lô đất ở Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ thì quá sướng. Nếu mà được chọn lựa như vậy thì gia đình tôi sẽ đi liền”, ông Trương Đấu (trú tổ 59, phường An Hải Bắc) cho hay.

Theo Ban GPMB quận Sơn Trà, công trình xử lý ngập úng tổ 58 và 59, phường An Hải Bắc có 13 thửa đất cần giải tỏa, trong đó có 3 thửa có diện tích dưới 50m2. Đơn vị đã lập phương án đền bù 1.855m2 đất ở và 500m2 đất khuôn viên theo giá đất ở vị trí 2 của đường Nguyễn Công Trứ.

Đồng thời, cũng đã khái toán giá trị đền bù nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu với 200m2 nhà đúc 1 tầng, 1.200m2 nhà trệt (nhà cấp 4)… và khái toán các khoản hỗ trợ cho 13 hộ giải tỏa với 65 khẩu. Đặc biệt, đã dự kiến bố trí TĐC cho các hộ với 20 lô đất trên địa bàn quận Sơn Trà…

Hiện nay, Ban GPMB quận Sơn Trà đang lập phương án quy đổi toàn bộ giá trị ra tiền và hoán đổi đất có tổng giá trị cao hơn để người dân chọn lựa. Tuy nhiên, việc này đang gặp khó khăn vì các sở, ngành liên quan chưa xác định khu vực đổi đất.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho rằng: “Hiện nay, Ban GPMB quận vẫn đang lập các phương án mở này áp dụng cho các công trình, dự án không phải là cấp bách nhưng hoàn toàn không dễ dàng và cần có thêm thời gian nghiên cứu thấu đáo để làm sao khi đưa phương án này ra thì người dân đồng thuận chọn lựa”.

Khu vực quy hoạch công trình xử lý ngập úng tổ 58 và 59, phường An Hải Bắc, nơi đang được xây dựng phương án mở về hoán đổi giá trị đất có lợi cho người dân.

Khu vực quy hoạch công trình xử lý ngập úng tổ 58 và 59, phường An Hải Bắc, nơi đang được xây dựng phương án mở về hoán đổi giá trị đất có lợi cho người dân.

Còn tại quận Liên Chiểu, ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, quận chưa xây dựng phương án hỗ trợ bằng tiền cho hộ giải tỏa tự lo TĐC và phương án hoán đổi đất TĐC nói chung, mà chỉ báo cáo, đề xuất UBND thành phố giải quyết hoán đổi đất ở một số trường hợp cụ thể.

Theo đó, tại một số dự án có phát sinh những khó khăn, vướng mắc về đền bù, bố trí TĐC nên quận đã chủ động tham mưu, đề xuất UBND thành phố giải quyết cụ thể những trường hợp phải hoán đổi khu vực TĐC, chuyển đổi vị trí lô đất TĐC mặt tiền đường rộng 5,5m lên 7,5m…

Còn ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ thì cho hay, địa phương đã họp triển khai xây dựng thêm một số phương án về đền bù, bố trí TĐC theo chủ trương của UBND thành phố. Tuy nhiên, việc xây dựng các phương án này hiện gặp khó. Địa phương phải thuê đơn vị tư vấn để định giá đất theo thị trường nhưng định giá thời điểm này thì càng về sau giá đất theo thị trường càng thay đổi.

Xây dựng được phương án hỗ trợ TĐC bằng tiền đối với 1 lô đất TĐC cần bố trí vào thời điểm này có giá 1 tỷ đồng, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì giá đất lên 1,2-1,3 tỷ đồng... Vì vậy, quận Cẩm Lệ vẫn đang nghiên cứu, tính toán sao cho khả thi.

Ông Nguyễn Hồng An, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin, UBND thành phố giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng thêm các phương án về đền bù giải tỏa và bố trí TĐC nhưng đơn vị thấy rằng, việc xây dựng phương án phải cụ thể, thực tiễn từng dự án, khu vực và phải xuất phát từ các địa phương.

Vì thế, Sở Tài nguyên và Môi trường mới có văn bản đề nghị các quận, huyện xây dựng thêm các phương án đền bù giải tỏa và bố trí TĐC gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đề xuất UBND thành phố.

“Đối với vướng mắc về giá đất khi đền bù theo giá thị trường hoặc hỗ trợ tiền để người dân tự lo TĐC, có thể xác định giá đất thị trường ở thời điểm này rồi cộng thêm phần hỗ trợ cho phù hợp với thực tế thị trường ở một vài tháng sau”, ông An nói.

Nguồn: Hoàng Hiệp (Theo baodanang.vn)