Đà Nẵng trên đường đến với danh hiệu "Thành phố môi trường"

6 năm trước

Vào những ngày cuối tháng 6, Đà Nẵng vinh dự trở thành nơi đăng cai tổ chức một sự kiện quốc tế liên quan đến môi trường: Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và các sự kiện liên quan đang diễn ra tại thành phố bên sông Hàn.

Đây là diễn đàn để 183 quốc gia thành viên GEF tiếp tục bàn bạc thảo luận nhằm giải quyết các vấn đề môi trường nóng trên phạm vi toàn cầu. Có thể Đà Nẵng được chọn đăng cai sự kiện quan trọng này là do từng đăng cai tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, nhưng chắc đấy không phải là nguyên nhân duy nhất và lớn nhất.

Sở dĩ Đà Nẵng được chọn chủ yếu là bởi những nỗ lực không ngừng của chính quyền và người dân thành phố trong việc giữ gìn một môi trường sống mà tình trạng ô nhiễm được giảm thiểu đáng kể.

Các đại biểu thuộc Tổ chức Bảo tồn Quốc tế thảo luận về tính nguy cấp của vấn đề khí thải toàn cầu tại kỳ họp thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu(GEF) tại Đà Nẵng. Ảnh: KHANG NINH
Các đại biểu thuộc Tổ chức Bảo tồn Quốc tế thảo luận về tính nguy cấp của vấn đề khí thải toàn cầu tại kỳ họp thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu(GEF) tại Đà Nẵng. Ảnh: KHANG NINH

Những nỗ lực này được cộng đồng quốc tế và khu vực ghi nhận qua việc Đà Nẵng là thành phố duy nhất của Việt Nam cùng với 9 thành phố khác ở Đông Nam Á đoạt giải thưởng Thành phố bền vững về môi trường ASEAN năm 2011; qua việc Đà Nẵng được APEC công nhận là một trong 20 thành phố trên thế giới có hàm lượng cacbon thấp nhất vào năm 2012; qua việc Đà Nẵng cùng với Hội An là hai thành phố của Việt Nam được Tổ chức Định cư con người Liên Hiệp Quốc tại Châu Á (UN Habitat châu Á) lựa chọn trao giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á năm 2013”; qua việc Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) - cũng trong năm 2013 - đã mời Đà Nẵng cùng với 4 thành phố khác ở Châu Á tham gia vào dự án “Thúc đẩy hình thành mạng lưới các thành phố sinh thái Đông Nam Á”.

Hay đó là qua việc Quỹ Rockefeller công bố Đà Nẵng được lựa chọn trong số 33 thành phố đầu tiên được tham gia “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” do Quỹ Rockefeller khởi xướng, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Quỹ (1913-2013); qua việc Đà Nẵng cùng với 6 thành phố khác trên thế giới được trao giải thưởng Thành phố xuất sắc trong chuyển đổi - thuộc nhóm giải thưởng “Giải pháp bền vững đối với những thách thức trong phát triển” năm 2015 do Tạp chí The Financial Times và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đồng tổ chức…

Tuy nhiên, càng tự hào về những thành tựu bước đầu trên đường đến với danh hiệu “Thành phố môi trường”, người Đà Nẵng càng thấy rõ rằng danh hiệu này vẫn còn là đề bài chứ chưa phải đã là đáp số, rằng những nỗ lực đáng trân trọng trong thời gian qua là chưa đủ, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa, quyết tâm chính trị lớn hơn nữa để Đà Nẵng có thể thực sự trở thành thành phố môi trường.

Muốn đạt được mục tiêu “Thành phố môi trường” danh đi đôi với thực, đòi hỏi trong quá trình bảo vệ môi trường sống cho hiện tại và cho cả tương lai, Đà Nẵng vừa phải sớm khắc phục những hạn chế bất cập hiện nay vừa phải kịp ngăn ngừa những hạn chế bất cập mới phát sinh trên lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Chính vì thế người Đà Nẵng không chỉ đến với Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng GEF với tư cách chủ nhà hiếu khách mà còn và chủ yếu với tư cách du-học-sinh-tại-chỗ nhằm tận dụng cơ hội học tập kinh nghiệm của thế giới trong việc giải quyết các vấn đề môi trường nóng hiện nay.

Một trong các vấn đề môi trường nóng ở Đà Nẵng hiện nay là thách thức về an ninh nguồn nước, cho nên người Đà Nẵng kỳ vọng sẽ có thể tiếp cận và tiếp thu được những cách ứng phó hữu hiệu từ các quốc gia cũng đang đối mặt với thách thức mang tính toàn cầu này, nhất là khi thách thức nằm ngoài tầm kiểm soát của chính mình, chẳng hạn như khi các địa phương nằm ở hạ lưu phải hứng chịu thách thức về an ninh nguồn nước từ các địa phương nằm ở thượng nguồn.

Đương nhiên xử lý xung đột hạ lưu - thượng nguồn giữa nhiều nước không hoàn toàn giống với xử lý xung đột hạ lưu - thượng nguồn giữa các tỉnh trong cùng một nước như  trường hợp Đà Nẵng. Không có gì ngoài lương tâm mang tính nhân bản có thể buộc một nước ở thượng nguồn dừng xây đập thủy điện làm ảnh hưởng đến nguồn nước các quốc gia ở hạ lưu - câu chuyện Trung Quốc và Lào vẫn xây đập thủy điện trên đầu nguồn sông Mekong bất chấp hệ quả khô hạn của Đồng bằng sông Cửu Long là một ví dụ điển hình; nhưng câu chuyện có thể khác đi nhiều trong trường hợp hạ lưu - thượng nguồn cùng một nước, nếu như các địa phương liên quan biết đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cục bộ của địa phương mình.

Thủy điện không phải là tác nhân duy nhất tạo nên thách thức về an ninh nguồn nước - cả thiếu nước/khô hạn lẫn thừa nước/lũ lụt - cho vùng hạ lưu. Tạo nên thách thức về an ninh nguồn nước cho vùng hạ lưu còn có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước từ hoạt động đào/đãi vàng hay từ hoạt động của các nhà máy thép ở thượng nguồn.

Không phải ngẫu nhiên mà người Đà Nẵng vẫn đang lo ngại trước chủ trương di dời nhà máy thép Việt Pháp từ phường Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn) đến thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang ở đầu nguồn sông Vu Gia dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2019.

Chính vì thế, qua sự kiện quốc tế liên quan đến môi trường lần này, người Đà Nẵng rất mong muốn được học hỏi kinh nghiệm xử lý ô nhiễm nguồn nước do hóa chất độc hại từ chuyên gia môi trường của các nước, mặc dầu ai cũng biết giải pháp triệt để nhất - mà có lẽ ít khả thi nhất - là không cho phép đào/đãi vàng và sản xuất thép ở khu vực thượng nguồn.

Thách thức về an ninh nguồn nước không chỉ là chuyện không chủ động được lượng nước hoặc chuyện nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng mà còn là chuyện dòng chảy do lấn sông/lấn biển mà bị thu hẹp hoặc thay đổi đến mức gây sạt lở vùng bờ.

Đây cũng là nội dung được người Đà Nẵng quan tâm chờ đợi từ Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng GEF, bởi những gì chúng ta biết được về lấn biển trên thế giới còn quá ít thậm chí có hại, chẳng hạn kinh nghiệm của Dubai về lấn biển xây đảo nhân tạo trên vịnh Ba Tư với tổng diện tích mặt nước khoảng 251.000km² hoàn toàn không thể vận dụng để làm hình mẫu hoặc biện minh cho dự án lấn biển xây đảo nhân tạo trên vịnh Đà Nẵng.

Đó là chưa kể bài học Dubai về lấn biển xây đảo nhân tạo trên vịnh Ba Tư chưa hẳn đã hay, đã đáng nhân rộng, vì diện tích mặt biển không đơn thuần là diện tích mặt bằng - bởi muốn có được một diện tích mặt biển đủ để bồi lấp thành đảo nhân tạo, con người không chỉ động chạm đến nước và cát mà còn động chạm đến cả một hệ sinh thái dưới đáy biển, từ các rạn san hô cho đến thảm cỏ biển và các hệ sinh thái nước cạn khác.

Không phải ngẫu nhiên mà phán quyết hồi tháng 7 năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực PCA đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông chỉ trích các dự án tôn tạo và các công trình xây dựng đảo nhân tạo tại 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đồng thời cho rằng với chủ trương xây Vạn-Lý-Trường-Thành-bằng-cát trên Biển Đông, Trung Quốc đã “gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rạn san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe dọa và bị hủy diệt”.

Lời phê phán của Tòa Trọng tài thường trực PCA về việc Trung Quốc “vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe dọa và bị hủy diệt” không thể không khiến người Đà Nẵng liên tưởng đến câu chuyện bán đảo Sơn Trà.

Đây không chỉ là câu chuyện môi trường trên núi với điểm nhấn là bảo vệ rừng nguyên sinh và bảo tồn voọc chà vá chân nâu - nữ hoàng linh trưởng, mà còn là câu chuyện môi trường dưới biển với các rạn san hô đang có nguy cơ bị hủy hoại.

Không biết người Đà Nẵng sẽ thu hoạch được những kinh nghiệm ứng xử nào liên quan đến câu chuyện môi trường biển một bên và núi một bên này từ Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng GEF nhằm hạn chế bớt các trở lực không quá khó để nhận ra trên đường đến với danh hiệu “Thành phố môi trường”.

BÙI VĂN TIẾNG - baodanang.vn