ĐÀ NẴNG: THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP SỐ

1 năm trước

Phát triển doanh nghiệp số là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu chuyển đổi số của thành phố. Việc hình thành doanh nghiệp công nghệ số chủ lực sẽ dẫn dắt, thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, ngành nghề khác, qua đó phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Hạ tầng công nghệ thông tin tại thành phố đang được đầu tư từ nhiều nguồn vốn để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số.  Trong ảnh: Tòa nhà FPT Complex tại Khu đô thị FPT Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Hạ tầng công nghệ thông tin tại thành phố đang được đầu tư từ nhiều nguồn vốn để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số. TRONG ẢNH: Tòa nhà FPT Complex tại Khu đô thị FPT Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

2,1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, thành phố Đà Nẵng hiện có 2,1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (đứng thứ 2 sau Thành phố Hồ Chí Minh), vượt xa trung bình cả nước là 0,5 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân. Tổng nhân lực công nghệ thông tin của thành phố hơn 44.000 người, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2020. Các doanh nghiệp công nghệ số Đà Nẵng có sản phẩm và triển khai hầu hết tại các tỉnh, thành toàn quốc.

Tại thị trường nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu phần mềm trong 9 tháng năm 2022 ước đạt 83,2 triệu USD, đạt 76% kế hoạch, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021. Các doanh nghiệp công nghệ số Đà Nẵng từng bước làm chủ công nghệ lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 (như công nghệ IoT, trí tuệ nhân tạo...), phát triển các sản phẩm make in Đà Nẵng và nhân rộng thành công tại các địa phương khác, được tôn vinh tại các giải thưởng trong và ngoài nước.

Đơn cử, hệ thống đo mưa tự động Vrain do Công ty CP Tài nguyên nước (WATEC), Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng, Công ty CP công nghệ thông minh và sáng tạo (Sitech) phối hợp thử nghiệm, sản xuất thành công triển khai trên toàn quốc với hơn 2.000 trạm, kể cả các đảo như Trường Sa, Phú Quốc…Sản phẩm này đã đạt giải Nhất Giải thưởng sáng tạo khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2019. Cuối tháng 10, Sở Thông tin và Truyền thông vừa thực hiện kết nối các trạm đo mưa để lấy thông tin lượng mưa (theo thời gian thực) của 31 điểm, khu vực trên địa bàn thành phố đưa lên ứng dụng Danang Smart City và truyền thông chủ động trên mạng xã hội, cũng như Tổng đài 1022 để cung cấp cho người dân.

Mới đây, tại lễ trao giải cuộc thi “Giải pháp chuyển đổi số quốc gia - Viet Solutions năm 2022” do Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Chuyển đổi số quốc gia và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel tổ chức ngày 10-10, giải pháp chuyển đổi số ngành may mặc tại Việt Nam của Công ty CP Công nghệ Retex (quận Hải Châu) được vinh danh tại hạng mục giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp xuất sắc.

Đây là giải pháp giúp các doanh nghiệp dệt may dễ dàng quản lý, minh bạch quy trình sản xuất. Đến nay, Retex đã triển khai và hỗ trợ chuyển đổi số cho hơn 100 xưởng may tại Việt Nam với hiệu quả đo kiểm là tăng 32% năng suất sản xuất, giảm 21% khối lượng công việc, giảm 12% chi phí không cần thiết, giảm 5% lãng phí vải, góp phần bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp số phát triển sẽ song hành cùng thành phố trong các mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, chuyển đổi số.  Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm số tại Công ty CP V.B.P.O (quận Hải Châu). Ảnh: M.Q

Doanh nghiệp số phát triển sẽ song hành cùng thành phố trong các mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, chuyển đổi số. TRONG ẢNH: Sản xuất sản phẩm số tại Công ty CP V.B.P.O (quận Hải Châu). Ảnh: M.Q

Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp số

Nhằm phát triển doanh nghiệp số trên địa bàn, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3266/QĐ-UBND ngày 1-9-2020 về việc ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, thành phố xác định tập trung phát triển 4 nhóm doanh nghiệp số: các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu, tiếp tục đảm nhận các nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất; các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.

Sau 2 năm ban hành Quyết định số 3266/QĐ-UBND, nhiều nội dung đã và đang được thực hiện mang lại hiệu quả tích cực. Về cơ sở hạ tầng, thành phố có 2 khu công nghệ thông tin tập trung, trong đó, Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng lấp đầy 100% từ năm 2013 và Khu Công viên phần mềm số 2 dự kiến đưa vào hoạt động, khai thác trong quý 1-2023.

Bên cạnh đó, Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam đầu tư đang thu hút mạnh nhà đầu tư. Thành phố đang xúc tiến, thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ thông tin số 2, Khu Không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ). Về hạ tầng viễn thông, mạng đô thị thành phố (mạng MAN) được đầu tư với tổng chiều dài gần 400km cáp quang ngầm, mở rộng kết nối 145 cơ quan, đơn vị và đang tiếp tục được nâng cấp.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, sở tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp như tham mưu UBND thành phố các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp số cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận chính sách sẵn có của thành phố, đẩy nhanh tiến độ các khu công nghệ thông tin, trung tâm điều hành thông minh, triển khai các chương trình hợp tác với các đơn vị trên cả nước cũng như nước ngoài, qua đó kết nối doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số…

Lực lượng doanh nghiệp số phát triển sẽ song hành cùng thành phố trong các mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và chuyển đổi số tại Đà Nẵng và quốc gia.

Nguồn: Mai Quế (Theo baodanang.vn)