ĐÀ NẴNG: Tháo gỡ vướng mắc về tách thửa đất, cấp sổ hồng

6 năm trước

Trước nhu cầu bức thiết về việc tách thửa đất với diện tích nhỏ hơn quy định hiện hành và bất cập trong việc trễ hẹn dài ngày trong giải quyết hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng), trên cơ sở Quyết định số 42/2014/QĐ-UBND ngày 26-11-2014 về quy định quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, UBND thành phố giao các đơn vị liên quan dự thảo các nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa, thời gian giải quyết cấp sổ hồng...

Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất và phù hợp với thực tiễn cũng như bảo đảm hạ tầng, mỹ quan kiến trúc.

Thành phố đang hoàn thiện dự thảo quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa, bề rộng tối thiểu của đường tại vị trí đất được tách thửa.  			                         Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thành phố đang hoàn thiện dự thảo quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa, bề rộng tối thiểu của đường tại vị trí đất được tách thửa. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Bức xúc vì thời gian kéo dài

Theo quy định tại Quyết định số 42/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố, thời gian giải quyết thủ tục cấp sổ hồng tối đa 10-30 ngày làm việc, không bao gồm thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Trường hợp cấp, đổi đồng loạt cho nhiều người sử dụng đất do đo vẽ lại bản đồ là không quá 50 ngày. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người dân nộp hồ sơ cấp sổ hồng phải chờ đợi trong thời gian dài để được giải quyết, gây bức xúc trong dư luận.

Đơn cử trường hợp ông Nguyễn Thành Luân (tổ 85, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành). Đầu tháng 9-2017, ông Luân nộp hồ sơ làm thủ tục cấp sổ hồng tại Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) Chi nhánh quận Ngũ Hành Sơn đối với thửa đất số 194, tờ bản đồ số 26 thuộc tổ 85, phường Mỹ An.

Hơn 1 tháng sau, ông Luân đến lấy thông báo thuế và nhận được lời hẹn đến ngày 8-12-2017 trả kết quả. Nhưng vào ngày 12-12-2017, VPĐKĐĐ thành phố trả lại hồ sơ và đề nghị Chi nhánh quận Ngũ Hành Sơn kiểm tra lại vì tách thửa đất ở đường kiệt có bề rộng dưới 2m, không đủ độ rộng tối thiểu và diện tích sau khi tách thửa cũng không bảo đảm 70m2 theo quy định.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Ngũ Hành Sơn có báo cáo và lập thủ tục đề nghị VPĐKĐĐ thành phố trình Sở Tài nguyên và Môi trường cấp sổ hồng. Đến ngày 25-1-2018, sau hơn 130 ngày kể từ khi nộp hồ sơ, ông Luân mới nhận được sổ hồng.

Tương tự, ngày 13-6-2017, ông Trần Lía (thôn 5, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) nộp hồ sơ đề nghị tách 4 thửa đất từ khu đất rộng hơn 1.000m2 tại VPĐKĐĐ Chi nhánh huyện Hòa Vang để cho các con. Dù đến liên hệ nhiều lần nhưng đến tháng 4-2018 ông Lía vẫn chưa nhận được kết quả.

Việc chậm giải quyết này được giải thích do thửa đất được tách thành nhiều thửa nên VPĐKĐĐ Chi nhánh huyện Hòa Vang phải liên hệ cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch chi tiết khu vực đề nghị tách thửa theo quy định và bổ sung hồ sơ gốc về cấp sổ đỏ cho ông Lía.

Đến ngày 28-5-2018, sau hơn 340 ngày nộp hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường mới cấp sổ hồng cho 4 người con của ông Lía.

Liên quan đến vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, tính từ ngày 30-12-2017 đến 21-6-2018, trên địa bàn thành phố có 185 hồ sơ cấp sổ hồng đối với đất tái định cư bị trễ hẹn.

Để giải quyết bất cập này, Sở Tài nguyên và Môi trường phản bác lại đề xuất tăng thêm thời gian giải quyết hồ sơ cấp sổ hồng đối với đất tái định cư từ 10 ngày theo quy định tại Quyết định số 42/2014/QĐ-UBND lên 15 ngày; đồng thời, yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố cùng các chi nhánh của Trung tâm và VPĐKĐĐ thành phố cùng các chi nhánh của VPĐKĐĐ thành phố tại các quyện, huyện… thực hiện theo đúng quy trình đã được UBND thành phố quy định tại Quyết định số 42/2014/QĐ-UBND.

Sở cũng yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện, chấn chỉnh tình trạng trễ hẹn tại đơn vị trong việc giải quyết cấp sổ hồng đối với đất tái định cư và không để hồ sơ tồn đọng, chậm trễ trả kết quả cho công dân.

Đề nghị cho phép tách thửa đối với diện tích đất tối thiểu từ 50m2

Một bất cập nữa là nhiều trường hợp người dân không thể tách thửa do gặp vướng mắc về diện tích đất ở tối thiểu. Những năm qua, ông Kim Ngọc Lo (tổ 4 phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) bức xúc vì căn nhà cấp bốn được xây dựng có diện tích 60m2 nhưng chỉ có giấy chuyển nhượng viết tay mà chưa được cấp sổ hồng do không đủ diện tích tối thiểu theo quy định (70m2).

Chưa có sổ hồng nên dù khó khăn vì chỗ ở chật hẹp nhưng ông Lo không thể tiến hành sửa chữa nhà.

Ở một trường hợp khác, do không có nhà ở, ông Đinh Thanh Quang (trú phường Chính Gián, quận Thanh Khê) mua một lô đất ở tổ 12, phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) với diện tích 60m2 nhưng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân không đủ diện tích tối thiểu theo quy định để được tách thửa là 70m2, nên ông Quang không được cấp sổ hồng.

Và dù có đất nhưng vì vướng thủ tục không thể xây nhà, nên đến nay, gia đình ông Quang vẫn phải ở nhà thuê.

Trước thực tế ngày càng có nhiều người dân có nhu cầu và xin tách thửa đất ở có diện tích nhỏ hơn 70m2, 100m2 và 150m2 (tùy theo khu vực), đồng thời phù hợp với các quy định mới về đất đai của Nhà nước, UBND thành phố đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng sửa đổi quy định về diện tích đất tối thiểu được tách thửa, chiều rộng các thửa đất tối thiểu đối với đất ở tại các khu vực quận, phường…

Vào ngày 7-8, tại phiên họp thường kỳ UBND thành phố, các đại biểu đã thảo luận và thông qua quyết định về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố (ban hành kèm theo Quyết định số 42/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố).

Thành phố đang hoàn thiện dự thảo quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa, bề rộng tối thiểu của đường tại vị trí đất được tách thửa.
Thành phố đang hoàn thiện dự thảo quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa, bề rộng tối thiểu của đường tại vị trí đất được tách thửa.

Theo đó, diện tích tối thiểu của thửa đất ở hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách thửa (ngoại trừ các trường hợp như ly hôn phân chia tài sản, thừa kế, cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng tặng cho con, anh chị em ruột tặng cho nhau…) phải bảo đảm lần lượt từ 50m2, 60m2, 70m2, 80m2 tại các phường khu vực trung tâm, ngoại thành và 120m2 tại huyện Hòa Vang; đồng thời chiều rộng các cạnh phải trên 4m.

Các đơn vị chức năng cũng dự thảo những quy định nhằm hạn chế việc nhiều người sử dụng đất lợi dụng điều kiện thông thoáng nói trên để tách ra nhiều thửa đất có diện tích nhỏ nhằm trục lợi từ chuyển nhượng, dẫn đến chậm đưa đất vào sử dụng, gây lãng phí đất, đầu cơ đất không lành mạnh trong thị trường bất động sản. Theo đó, khu vực chưa đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết thì hạn chế tách thành nhiều thửa đất.

Người sử dụng đất phải lấy ý kiến của cơ quan quản lý xây dựng về hạ tầng kỹ thuật trước khi thực hiện thủ tục tách thửa đất.

Đối với trường hợp tách thửa đất có diện tích đất tự mở đường làm lối đi, người sử dụng đất có văn bản tự nguyện hiến đất mở đường (phần diện tích này thể hiện là đường giao thông), có UBND phường, xã xác nhận; đường đi mới hình thành tối thiểu phải bằng với lộ giới kiệt hẻm tại khu vực theo quy định (ở các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu) hoặc đường đi mới phải rộng từ 5m trở lên đối với khu đất ở huyện Hòa Vang, đồng thời bảo đảm kết nối hạ tầng kỹ thuật trong khu vực.

Để giải quyết 2 vấn đề nêu trên, UBND thành phố giao các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện các nội dung sửa đổi, bổ sung quy định ban hành kèm theo Quyết định số 42/2014/QĐ-UBND, báo cáo UBND thành phố để trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm 2018.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP - BAODANANG.VN