ĐÀ NẴNG: TẬP TRUNG THÁO GỠ VƯỚNG MẮC, KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC ĐẤT ĐAI

4 năm trước

Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về đất đai được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tăng cường và có những bước chuyển biến tích cực, đặc biệt là thực hiện công khai, minh bạch thông tin đất đai để người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thúc đẩy thu hút đầu tư.

Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô đã được tháo gỡ vướng mắc về đất đai, chuẩn bị đưa vào đầu tư, xây dựng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô đã được tháo gỡ vướng mắc về đất đai, chuẩn bị đưa vào đầu tư, xây dựng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Ông Trần Quốc Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) thông tin, theo kết quả khảo sát và công bố của VCCI về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất là một trong những chỉ số có nhiều tiến bộ so với các chỉ số khác trong PCI của Đà Nẵng. Đây là sự ghi nhận, đánh dấu sự cố gắng, nỗ lực của Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Quản lý đất đai nói riêng và sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố nói chung, cũng như sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, quận, huyện và phường, xã đối với công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

Hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất của thành phố cơ bản hoàn thành và có thông báo kết luận. Các tồn tại và hạn chế, những cách làm chưa phù hợp đã được nhận diện, chỉ rõ... Đây là những thuận lợi lớn để ngành Quản lý đất đai của thành phố triển khai một cách toàn diện công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đưa đất đai trở thành một nguồn lực quan trọng trong sự phát triển của thành phố. Chi cục Quản lý đất đai sẽ tiếp tục tập trung tham mưu, đề xuất xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai mà qua thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền đã kết luận.

Khi các vướng mắc đã được giải quyết thì đây là tiền đề, cơ sở quan trọng để triển khai tốt các giải pháp khác trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Chi cục cũng tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai toàn thành phố và có quy chế cập nhật, vận hành, khai thác dữ liệu một cách chặt chẽ cũng như tập trung xây dựng và công bố công khai danh mục quỹ đất đấu giá trung hạn và hằng năm, quỹ đất còn chưa lấp đầy tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao để kêu gọi và thu hút đầu tư. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất, tập trung kiểm tra việc chậm đưa đất vào sử dụng, lấn chiếm đất công, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã quyết liệt chỉ đạo công tác nâng cao năng lực và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đặc biệt là luân chuyển 15 vị trí lãnh đạo và khoảng 40 chuyên viên ở các chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ). Tuy vậy, vẫn còn có những chậm trễ, sai phạm trong việc giải quyết thủ tục, hồ sơ về đất đai của tổ chức, công dân.
Giám đốc VPĐKĐĐ thành phố Nguyễn Hồng Song cho rằng, đơn vị hiện có 180 cán bộ, viên chức nhưng mỗi năm giải quyết hơn 150.000 thủ tục hành chính, khối lượng công việc phải giải quyết rất lớn. Đơn vị đang quyết liệt thực hiện các giải pháp nâng cao đạo đức công vụ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố và đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng cho biết, công tác cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai đã được quan tâm thường xuyên với việc bổ sung 30 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của VPĐKĐĐ thành phố và thực hiện hiệu quả 93 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đơn vị sẽ ban hành một cuốn “cẩm nang” tổng hợp những phương pháp xử lý các vướng mắc, làm cơ sở thực hiện thống nhất tại các quận, huyện. Về công tác cán bộ, đơn vị sẵn sàng “loại bỏ” các cá nhân sai phạm, quyết liệt xử lý các cán bộ có biểu hiện tiêu cực, thiếu trách nhiệm trong quá trình xử lý hồ sơ gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp...

Thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố rất quan tâm và chỉ đạo sát sao việc triển khai tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai của các dự án trên địa bàn thành phố. Kết quả thu được bước đầu là rất khả quan, trong đó có những dự án có tồn tại về đất đai đã rất lâu, nay được tháo gỡ và chuẩn bị đưa vào đầu tư, xây dựng, như: dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, dự án Khu đô thị Golden Hills, dự án Đại học Mỹ - Thái Bình Dương, dự án Solei Ánh Dương...

Về phía UBND thành phố cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dừng rà soát, xử lý đối với các trường hợp (nêu tại Kết luận số 2852/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ) đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhằm tạo điều kiện giải phóng nguồn lực từ hàng trăm dự án và các khu đất trên địa bàn thành phố để phát triển sản xuất, kinh doanh... Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã và đang tập trung tham mưu giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực đất đai, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, thực hiện các biện pháp bảo đảm công tác quản lý đất đai ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai trên địa bàn thành phố.

Qua rà soát quỹ đất công chưa sử dụng trên địa bàn thành phố, hiện có 310 khu đất lớn với tổng diện tích hơn 190ha, đủ điều kiện để kêu gọi đầu tư các dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp Sở Xây dựng và các địa phương điều chỉnh, bổ sung về mặt quy hoạch cũng như tiến hành lập quy hoạch chi tiết, đưa vào danh mục để kêu gọi đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian đến.

Nguồn: Hoàng Hiệp (Theo baodanang.vn)