ĐÀ NẴNG: TẠO ĐÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

3 năm trước

Những năm qua, thị trường công nghệ thông tin (CNTT) Đà Nẵng phát triển sôi động với sự góp mặt của các doanh nghiệp lớn từ hai đầu đất nước hoặc từ nhà đầu tư nước ngoài. Để tiếp nhận và khai thác hiệu quả nguồn lực này, Đà Nẵng đã và đang chuẩn bị hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng các điều kiện để đưa ngành CNTT thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của thành phố.

Khu Công viên phần mềm số 2 được kỳ vọng sẽ góp phần thu hút vốn và công nghệ, hình thành trung tâm CNTT cho Đà Nẵng. 		           Ảnh: KHANG NINH

Khu Công viên phần mềm số 2 được kỳ vọng sẽ góp phần thu hút vốn và công nghệ, hình thành trung tâm CNTT cho Đà Nẵng. Ảnh: KHANG NINH

Thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đến đầu tư

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng hiện có khoảng 7.000 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề có liên quan đến lĩnh vực CNTT, chiếm 20% tổng số doanh nghiệp toàn thành phố. Trong đó, 1.900 doanh nghiệp có ngành nghề chính trong lĩnh vực CNTT. Giai đoạn 2010 - 2019, công nghiệp CNTT Đà Nẵng đã có bước tăng trưởng nhanh, bền vững về cả doanh thu và sản lượng với mức tăng trung bình 20%/năm. Đến cuối 2019, ngành công nghiệp CNTT đóng góp 7,7% GRDP của thành phố. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp CNTT trong giai đoạn 2015-2019 là 9%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố (7,3%/năm).

Những năm qua, Đà Nẵng trở thành địa chỉ tin cậy để đầu tư của nhiều doanh nghiệp CNTT lớn trong và ngoài nước. Đầu tháng 8 vừa qua, Ubisoft - một trong những công ty hàng đầu thế giới về lập trình phần mềm sản xuất trò chơi điện tử, có trụ sở chính tại Pháp - chính thức khánh thành văn phòng đầu tiên tại Việt Nam ở Đà Nẵng. Hiện Ubisoft có khoảng 100 lập trình viên và nhà sáng tạo đến từ nhiều nước trên thế giới, trong đó phần lớn là người Việt Nam. Ông Aurelien Palasse, Quản lý Ubisoft Đà Nẵng nhận định: “Môi trường sống ở Đà Nẵng cho phép chúng tôi có sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Nằm ở khu vực miền Trung, Đà Nẵng có thể tiếp cận và thu hút nguồn nhân lực đa dạng trên khắp cả nước. Đà Nẵng cũng là nơi tập trung của nhiều trường đại học, cùng với đó là cam kết của chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy CNTT trở thành một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của thành phố. Những yếu tố này rất quan trọng để Ubisoft quyết định mở văn phòng tại Đà Nẵng”.

Sự góp mặt của các doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước cũng đem theo nhiều tác động tích cực đến thị trường CNTT của địa phương. Theo bà Trần Hạnh Trang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Giải pháp Công nghệ thông tin Enouvo (quận Sơn Trà), với sự gia tăng số lượng doanh nghiệp CNTT của những năm gần đây, Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện sự cạnh tranh nguồn nhân lực. Đây chính là động lực cho các trường đại học, cao đẳng CNTT đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn khi vào Đà Nẵng cũng mang theo những chương trình huấn luyện, đào tạo kiến thức và kỹ năng, giúp cải thiện chất lượng nhân lực CNTT của thành phố. Sự cạnh tranh nhân lực buộc các doanh nghiệp CNTT địa phương phải phát triển, tăng doanh thu, tạo môi trường làm việc tốt cho nhân sự giỏi.

Bà Trang nói: “Một điều dễ nhận thấy là khi ngày có càng nhiều doanh nghiệp CNTT đến Đà Nẵng thì tiếng vang của thành phố cũng tăng lên, mở ra các cơ hội thu hút đầu tư, các doanh nghiệp địa phương cũng dễ tiếp cận những hợp đồng lớn. Nhiều doanh nghiệp địa phương đã hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để thực hiện các dự án lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp CNTT nước ngoài khi về Đà Nẵng cũng đồng thời kéo theo một lượng nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên cả nước, nên dù có cạnh tranh, nhưng chúng ta vẫn có thêm nhân lực cho thị trường Đà Nẵng”.

Sự xuất hiện của các doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước ở Đà Nẵng giúp cải thiện chất lượng nhân lực CNTT địa phương. TRONG ẢNH: Các kỹ sư làm việc tại Công ty TNHH MTV Giải pháp Công nghệ thông tin Enouvo (quận Sơn Trà). 				                Ảnh: KHANG NINH

Sự xuất hiện của các doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước ở Đà Nẵng giúp cải thiện chất lượng nhân lực CNTT địa phương. TRONG ẢNH: Các kỹ sư làm việc tại Công ty TNHH MTV Giải pháp Công nghệ thông tin Enouvo (quận Sơn Trà). Ảnh: KHANG NINH

Đầu tư mặt bằng, phát triển nguồn nhân lực

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Sơn Phong cho biết, những năm gần đây, hạ tầng các khu CNTT được quan tâm đầu tư mở rộng, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đà Nẵng có hai khu CNTT tập trung là Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) với diện tích khoảng 1,08 ha, tổng mức đầu tư 161 tỷ đồng và đưa vào hoạt động từ năm 2008, thu hút 75 doanh nghiệp đến đầu tư và đặt văn phòng làm việc, trong đó có 23 doanh nghiệp FDI; Khu CNTT tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) có diện tích 131 ha, tổng mức đầu tư hơn 660 tỷ đồng, đã khánh thành và đưa vào hoạt động từ ngày 29-3-2019.

Đầu tháng 10 vừa qua, Khu Công viên phần mềm số 2 (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) được khởi công xây dựng. Đây là một trong những công trình trọng điểm động lực của thành phố và được kỳ vọng sẽ góp phần thu hút vốn và công nghệ, hình thành trung tâm CNTT cho Đà Nẵng. Giữa tháng 8 vừa qua, Tập đoàn công nghệ CMC đề xuất đầu tư xây dựng Tổ hợp Không gian Sáng tạo CMC (CMC Creative Space) tại Đà Nẵng với các phân khu chức năng như: khu nghiên cứu và phát triển; khu sản xuất phần mềm, CNTT; trạm trung chuyển Internet; trung tâm dữ liệu; khu nhà ở cho chuyên gia, cán bộ, nhân viên và dịch vụ liên quan với đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn cao cấp. Dự kiến, tổng mức đầu tư cho dự án là 12.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 12.000 lao động. Hiện nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đang phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức lập phương án quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án.

Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư cho biết, tại các khu CNTT tập trung, các doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất tùy dự án, quy mô đầu tư với thời gian ưu đãi 5-10 năm; hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi đối với sản phẩm và dịch vụ CNTT; giảm 100% trong 2 năm đầu tiên và 50% trong 3 năm tiếp theo đối với chi phí sử dụng hạ tầng cho hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực CNTT, vườn ươm doanh nghiệp CNTT; giảm 50% trong 2 năm đầu tiên chi phí sử dụng hạ tầng sản xuất các dự án sản phẩm điện tử, sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và CNTT. Các doanh nghiệp CNTT ngoài khu CNTT tập trung cũng được hưởng một số ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

Để bảo đảm sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp công nghệ số, nền kinh tế số trong thời gian đến, Đà Nẵng đang triển khai các chính sách, giải pháp; phối hợp và hỗ trợ các cơ sở đào tạo nâng cao chất lượng và số lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT trên địa bàn thành phố. Theo ông Lê Sơn Phong, thành phố sẽ có các chính sách, cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các đối tượng là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT - truyền thông đến làm việc tại thành phố. Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối cung - cầu nhân lực CNTT thành phố. Ngoài ra, triển khai hình thức dịch vụ chia sẻ/cho thuê nhân lực CNTT giữa các doanh nghiệp nhằm giảm bớt áp lực chi phí, đồng thời giúp các doanh nghiệp tập trung phát triển giá trị cốt lõi, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hiệp hội Phần mềm Đà Nẵng cũng sẽ xây dựng, ban hành bộ quy tắc ứng xử giữa các doanh nghiêp CNTT, thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt giữa các cơ sở đào tạo nhân lực và nhà tuyển dụng.

Nguồn: Khang Ninh (Theo baodanang.vn)