ĐÀ NẴNG: "SỐT" ĐẤT Ở HÒA BẮC

5 năm trước

Sau khi huyện Hòa Vang triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc), hoạt động mua bán đất đai ở đây lập tức sôi động. Dù ở địa bàn xa xôi nhưng giới “cò đất” vẫn kéo về Hòa Bắc săn lùng các loại đất rừng, đất ở, đất trồng cây lâu năm để mua rồi sang tay hòng kiếm lợi, khiến thị trường đất đai ở vùng núi hẻo lánh trở nên “sốt”.

“Cò” đất đổ xô về Hòa Bắc khiến giá đất nơi đây tăng chóng mặt. Ảnh: NGỌC ĐOAN

“Cò” đất đổ xô về Hòa Bắc khiến giá đất nơi đây tăng chóng mặt. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Chị H. (ở thôn Tà Lang) cho biết, khoảng hơn 2 tháng trở lại đây, ngày nào cũng có nhiều người đến các hộ dân trong thôn gạ mua đất với giá cao. Nghĩ nơi “khỉ ho, cò gáy” này, vài trăm mét vuông đất mà bán được tiền tỷ nên một số người đã bán cho “cò”. Cũng theo chị H., nhà chị có hơn 1.000m2 đất ở trước nhà Gươl thôn Tà Lang, trong đó có đất ở và đất vườn, “cò” cứ gạ mua với giá 1,5 tỷ đồng. Thấy tiền nhiều, gia đình cũng muốn bán, nhưng nghĩ đất ông cha để lại nên vợ chồng chị cứ ngần ngừ.

Không chỉ mua đất ở xen lẫn đất vườn, đất trồng cây lâu năm, “cò” đất còn nhắm đến cả đất rừng người dân được giao khoán để phát triển kinh tế. Ông H.T. (trú quận Liên Chiểu) cho biết, trước đây gia đình ông mua 1 héc-ta đất rừng ở thôn Giàn Bí trồng keo lá tràm, với giá gần 200 triệu đồng. Vừa rồi, nghe “cò” bảo có người mua để sau này đầu tư homestay phát triển du lịch sinh thái. Nghĩ trồng keo ít sinh lợi nên gia đình ông quyết định bán lô đất này với giá 1,3 tỷ đồng.

Theo “cò” Đ. (trú thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc), sau khi dự án mô hình du lịch cộng đồng triển khai ở thôn Giàn Bí, khách du lịch tìm đến khá đông. Kéo theo đó, giới “cò” đất từ các nơi cũng về Hòa Bắc săn lùng các loại đất rừng, đất trồng cây lâu năm, đất ở để mua rồi sang tay cho những ai có nhu cầu đầu tư mô hình du lịch sinh thái. Tình trạng trên khiến thị trường đất đai ở Hòa Bắc tăng chóng mặt theo từng ngày. Nếu trước đây, một lô đất ở rộng 400-500m2 giá vài trăm triệu đồng, thì nay tăng lên cả tỷ đồng, tùy theo địa thế.

Ông Đinh Văn Như, Trưởng thôn Giàn Bí xác nhận, tình trạng “cò” đất về thôn Tà Lang và Giàn Bí tìm mua đất làm du lịch sinh thái diễn ra khá nhiều so với trước đây. Ban nhân dân thôn đã vận động người dân không nên bán đất mà để làm ăn, phát triển kinh tế. Dù vậy, nếu người dân chuyển nhượng thì thôn cũng không ngăn cản được.

Theo ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, trước thực trạng “cò” đất đổ xô về hai thôn Tà Lang và Giàn Bí tìm mua đất, UBND xã đã tuyên truyền, vận động người dân không nên bán đất để sau này phát triển kinh tế gia đình. Thực tế giá đất tăng vọt so với trước nên cũng có một số người đã chuyển nhượng. Việc mua bán đất đai là quan hệ dân sự giữa hai bên mua và bán, nên chính quyền địa phương chỉ vận động chứ không ngăn chặn được. Ngoài ra, ông Nam cũng nói rằng, theo quy định của pháp luật, các loại đất rừng, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm không được phép xây dựng công trình, nhà ở, nên trường hợp nào vi phạm sẽ bị xử lý kiên quyết.

Còn theo ông Lê Đức Toại, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hòa Vang, UBND thành phố không cho phép chuyển mục đích sử dụng các loại đất trồng cây lâu năm, trồng cây hằng năm, đất nông nghiệp ở các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang sang đất ở. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân khi mua những loại đất này cần phải cân nhắc, tìm hiểu kỹ quy định của Nhà nước.

Nguồn: Phương Chi (Theo baodanang.vn)