ĐÀ NẴNG NỖ LỰC GIẢI "CƠN KHÁT" MẶT BẰNG ĐẦU TƯ

5 năm trước

Vấn đề mặt bằng sản xuất, kinh doanh cả trong và ngoài khu công nghiệp (KCN) ở Đà Nẵng đang trở lên cấp thiết, quyết định đến kết quả thực hiện năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019. Vì thế, TP đang tập trung nhiều giải pháp để cải thiện hạ tầng và quỹ đất phục vụ nhà đầu tư.

Quỹ đất khan hiếm khiến nhà đầu tư rất khó tiếp cận các khu đất lớn ngoài KCN để triển khai dự án như trước đây.

Nhu cầu mặt bằng trong các KCN hiện hữu để mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ở Đà Nẵng hiện rất bức thiết. Một số DN có nhu cầu mặt bằng trong KCN để sản xuất đã phải thuê lại với giá cao hơn, thậm chí có những DN không thể tiếp cận phải chuyển đi nơi khác đầu tư.

Theo báo cáo giám sát của HĐND TP Đà Nẵng, công tác quản lý việc cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất tại một số KCN trên địa bàn còn lỏng lẻo. Suốt thời gian dài, một số DN lợi dụng chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế để giành phần, chuyển nhượng, cho thuê lại kiếm lợi. Đến nay, vẫn còn tình trạng nhiều diện tích đất chậm triển khai, không được đưa vào sản xuất. Cụ thể tại các KCN có 16 DN thuê đất nhưng không hoặc chậm đưa đất vào sản xuất theo tiến độ đăng ký với tổng diện tích hơn 52ha. Nhiều đơn vị cho thuê lại đất hoặc nhà xưởng trên đất không đúng mục đích, ngành nghề quy định tại KCN. Qua giám sát có 38 DN cho thuê nhà xưởng, trong đó có 6 DN cho thuê nhà xưởng không phép. Ngoài ra tại các KCN đất chưa cho thuê còn khoảng 109 ha (trong đó hơn 43ha vướng hạ tầng chưa giải tỏa). Như vậy, trong khi các DN có nhu cầu mặt bằng sản xuất thực sự rất khó tiếp cập thì một số DN lại chậm đưa đất vào sản xuất, cho thuê lại kiếm lời.

Trước mắt để giải quyết bức xúc về mặt bằng sản xuất trong các KCN thì cần rà soát quỹ đất, phân loại các DN hoạt động kém hiệu quả, vi phạm quy định thuê đất để giao đất cho các DN có nhu cầu thực sự. Theo đó, cần thực hiện cập nhật bản đồ cụ thể từng lô đất trống, thông tin về nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng, giá thuê đất/nhà xưởng, giá sử dụng hạ tầng từng KCN khi có phát sinh, điều chỉnh về quy hoạch, điều chỉnh về giá cho thuê lại đất và sử dụng hạ tầng… để DN được biết. Bên cạnh việc rà soát quỹ đất trong các KCN hiện có, để đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho nhiều DN nhỏ và vừa, TP cũng đang xúc tiến xây dựng hàng loạt cụm công nghiệp (CCN) mới. Cụ thể, CCN Cẩm Lệ rộng 29ha, tổng vốn hơn 250 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành kiểm kê 355/391 hồ sơ liên quan đến thu hồi đất, giải tỏa đền bù khu vực dự án đồng thời đã tiến hành triển khai thi công công trình hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 với diện tích 10,5ha. CCN Hòa Nhơn rộng 24,7ha, tổng vốn đầu tư gần 47 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành kiểm kê 282/282 hồ sơ, 113 hộ (hồ sơ) đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng với số tiền 7, 778 tỷ đồng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất cụ thể phương án lựa chọn hình thức đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án này. CCN Hòa Hiệp Bắc rộng 14,4 ha tổng vốn dự kiến hơn 80 tỷ đồng và CCN Hòa Khánh Nam rộng 20ha tổng vốn dự kiến hơn 102 tỷ đồng đã được TP đưa vào dự án động lực, đang tiến hành thủ tục đánh giá tác động môi trường chiến lược và thực hiện thủ tục thu hồi đất.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, hiện trên địa bàn Liên Chiểu, tình trạng DN hoạt động sản xuất trong các khu dân cư đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Thống kê sơ bộ hiện có hơn 150 DN, hộ cá thể hoạt động sản xuất trong các khu dân cư gây ô nhiễm môi trường cần phải di dời vào CCN. Theo đó, tổng nhu cầu dự kiến về mặt bằng sản xuất trong các CCN khoảng 200.000m2, trong tương lai thì nhu cầu mặt bằng sẽ còn tăng nhiều hơn. Do đó, việc hình thành các CCN nhỏ và vừa trên địa bàn Liên Chiểu nhằm tập trung các cơ sở sản xuất vào một khu vực riêng biệt, cách xa các khu dân cư, góp phần giải quyết các vấn đề nêu trên là cần thiết. Theo quy hoạch, Đà Nẵng sẽ xây dựng 9 CCN mới.

 

Với Khu CNC, Khu CNTT tập trung đang triển khai hạ tầng cũng được TP tích cực đẩy nhanh tiến độ. Khu CNC hơn 1.128 ha, tổng mức đầu tư hơn 8,8 ngàn tỷ đồng hiện đã hoàn thành 85% hạ tầng giai đoạn 1 (406ha) và 65% hạ tầng của giai đoạn 2 (217ha). Đối với giai đoạn 3 của dự án (506ha) chủ yếu để bố trí xây dựng các khối nhà ở chuyên gia và nhà ở công nhân (không bố trí đất sản xuất). Hiện diện tích đất sản xuất có thể cho thuê theo quy hoạch là 338ha. 17 dự án tổng vốn hơn 13,1 ngàn tỷ đồng đã thuê hơn 85ha (tỷ lệ lấp đầy gần 26%). Khu CNTT tập trung tổng diện tích 341ha hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 với 131 ha, đang đưa vào khai thác.

Không chỉ mặt bằng sản xuất trong các KCN mà nhu cầu mặt bằng để đầu tư dự án ngoài KCN cũng trở nên bức thiết với Đà Nẵng. Nhiều NĐT cần những khu đất lớn diện tích từ 5ha trở lên để đầu tư nhưng rất khó khăn. Hiện TP đang thực hiện thủ tục để đấu giá 100 khu đất lớn (có mặt bằng, đủ điều kiện đấu giá) với tổng diện tích hơn 937 ngàn m2 nhằm phục vụ nhà đầu tư. Với 100 khu đất khác tổng diện tích hơn 130 ngàn m2 đã có mặt bằng, chưa đủ điều kiện đấu giá, hiện các ngành chức năng đang rà soát, tham mưu đề xuất. Với hơn 15,3 ngàn lô đất tái định cư còn dư, TP đã có kế hoạch hợp thửa thành các lô đất lớn để phục vụ kêu gọi đầu tư. Chẳng hạn như kế hoạch hợp thửa 1.463 lô đất tái định cư thành 144 khu đất lớn phục vụ xây dựng chung cư, nhà ở xã hội, công trình phúc lợi xã hội. Tương tự, hợp thửa 1.700 lô đất ở đường 10,5m trở lên thành 200 lô đất lớn cũng nhằm xây dựng các công trình thương mại, xã hội. Trong bối cảnh khan hiếm quỹ đất phục vụ đầu tư, đây được xem là giải pháp khá phù hợp.

Rõ ràng vấn đề mặt bằng đầu tư đang trở nên bức thiết, sẽ quyết định tới hiệu quả của năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019. Nếu giải quyết tốt bài toán này sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư rất lớn cho Đà Nẵng.

Nguồn: Hải Quỳnh (Theo cadn.com.vn)